Ảnh hưởng của chất chiết từ lá cây hoàn ngọc (Pseuderanthemum palatiferum (Wall.) Radlk) lên tăng trưởng và đáp ứng miễn dịch cá tra (Pangasianodon hypophthalmus)
Nghiên cứu được các đồng giả Bùi Thị Bích Hằng và Nguyễn Thanh Phương thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của chất chiết lá cây hoàn ngọc lên tăng trưởng và đáp ứng miễn dịch của cá tra, làm cơ sở đề xuất phương pháp phòng trị bệnh hiệu quả cho cá tra.
Ảnh minh họa: Internet
Cây hoàn ngọc còn có tên gọi là cây xuân hoa, cây con khỉ, cây lan điền, cây nhật nguyệt… Hoàn ngọc có khá nhiều loại khác nhau nhưng hai loại được dùng nhiều nhất là hoàn ngọc đỏ và hoàn ngọc trắng. Cả hai loại đều có giá trị dùng làm thuốc chữa bệnh. Cây hoàn ngọc được đánh giá là nguồn dược liệu đa dụng, thường được sử dụng trong điều trị viêm nhiễm và có khả năng kháng khuẩn cao.
Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của bổ sung chất chiết lá hoàn ngọc (Pseuderanthemum palatiferum (Wall.) Radlk) vào thức ăn lên tăng trưởng và đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu của cá tra (Pangasianodon hypophthalmus). Thí nghiệm được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức gồm 0%; 0,02%; 0,1% và 0,5% chất chiết lá hoàn ngọc và được lặp lại 3 lần. Các chỉ tiêu miễn dịch bao gồm tổng hồng cầu, tổng bạch cầu, tế bào lympho, bạch cầu đơn nhân, trung tính, tiểu cầu và hoạt tính lysozyme được theo dõi vào tuần thứ 3 và 6 của thí nghiệm và 3 ngày sau cảm nhiễm với vi khuẩn.
Kết quả cho thấy bổ sung chất chiết lá cây hoàn ngọc không ảnh hưởng đến tăng trưởng cá tra. Mật độ tổng hồng cầu và tổng bạch cầu tăng cao có ý nghĩa ở các nghiệm thức bổ sung chất chiết lá cây hoàn ngọc. Sau 6 tuần thì hoạt tính lysozyme đạt giá trị cao nhất (90, 7 mg/mL) ở nghiệm thức 0,5%, khác biệt có ý nghĩa thống kê với nghiệm thức đối chứng (57,8 U/mL) (p<0,05). Sau khi gây cảm nhiễm với vi khuẩn Edwardsiella ictaluri thì các nghiệm thức có bổ sung 0,1% và 0,5% chất chiết lá cây hoàn ngọc có tỉ lệ chết thấp hơn đối chứng. Kết quả chỉ ra rằng bổ sung chất chiết lá cây hoàn ngọc vào thức ăn giúp cải thiện hệ thống miễn dịch và giảm tỉ lệ chết của cá tra khi kháng lại vi khuẩn E. ictaluri.
nhnhanh
Theo Tạp chí Khoa học Trường ĐHCT, Tập 56, Số 3B (2020)