Nghiên cứu khả năng nhân giống bằng hạt và sinh trưởng của cây Riềng ấm (Alpinia Zerumbet (Pers.)) có nguồn gốc từ Nhật Bản
Trong điều kiện tự nhiên, cây Riềng ấm (Alpinia Zerumbet (Pers.)) chỉ phát triển ở một số khu vực, hạt khó nảy mầm.
Các nghiên cứu hiện đại xác nhận thành phần hóa học chính của Riềng ấm có nhóm kavalactone [gồm dihydro5,6-dehydrokavain (DDK), 5,6-dehydrokavain (DK)] và acid béo (gồm acid chlorogenic, acid ferulic, quercetin, catechin, epicatechin, p-hydroxycinnamaldehyde, dihydroflavokavain B...). Ngoài ra, còn có nhiều thành phần tinh dầu khác nhau như methyl cinnamate, eugenol, pinene, cadimene... Bên cạnh đó, Riềng ấm đã được chứng minh có các tác dụng như tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể, điều trị vết loét, đau nhức cơ, chống oxy hóa, giảm đường huyết, giảm huyết áp, hạn chế rối loạn lipid máu chống béo phì, phòng ngừa bệnh lý tim mạch và đột quỵ, ức chế dòng tế bào ung thư PACA-2, Panc-1, HCT116, A549... . Với nhiều tác dụng nêu trên nhưng cây Riềng ấm ở ngoài tự nhiên lại phát triển không nhiều, hạt cây này có tỷ lệ nảy mầm rất thấp (chỉ đạt khoảng 10%), tại Nhật Bản chỉ phát triển được ở đảo Okinawa. Ở Việt Nam cho đến nay chưa có nghiên cứu sâu nào về cây Riềng ấm, đặc biệt là những nghiên cứu về kỹ thuật gieo ươm, trồng và chăm sóc. Để góp phần cung cấp những cơ sở khoa học cho việc phát triển loài cây này, việc nghiên cứu khả năng nhân giống bằng hạt và sinh trưởng của cây Riềng ấm ở giai đoạn vườn ươm là rất cần thiết. Vì vậy nhóm nghiên cứu của Phạm Thị Mỹ Phương và ctv. đã thực hiện 1 nghiên cứu đánh giá một số yếu tố ảnh hưởng đến khả năng nảy mầm của hạt Riềng ấm.
Hạt Riềng ấm phơi khô được ngâm ủ ở các nhiệt độ và với lượng GA3 khác nhau cho tỷ lệ nảy mầm khác nhau. Ở nhiệt độ 40o C, tỷ lệ nảy mầm đạt 75, 88, 87 và 86% tương ứng với các nồng độ GA3 là 5, 10, 20 và 30 ppm. Quá trình nảy mầm của hạt bắt đầu diễn ra từ ngày thứ 10 sau khi ủ và kết thúc vào ngày thứ 22. Hạt sau khi nảy mầm được gieo vào khay nhựa với giá thể là 80% đất phù sa sông Hồng + 20% phân vi sinh, cho tỷ lệ sống là 97%, chiều cao cây trung bình sau 45 ngày đạt 7,6-8,1 cm.
Tạp chí KHCN Việt Nam, Tập 62(7) 7.2020