Khảo sát hoạt tính kháng oxy hóa và kháng khuẩn của cao phân đoạn sắc ký cột silica gel từ cao chiết lá cà na (elaeocarpus hygrophilus kurz.)
Nghiên cứu do tác giả Phạm Ngọc Cẩn, Trần Gia Hân, Lê Ngọc Huỳnh Như và Nguyễn Đức Độ đang công tác tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ thực vật phong phú hàng đầu trên thế giới với khoảng 12.000 loài khác nhau (Phạm Hoàng Hộ, 2003). Trong hệ thực vật đa dạng tại Việt Nam, cây cà na (Elaeocarpus hygrophilus Kurz.) là loài cây hoang dã, từ lâu đã được người dân sử dụng để làm các món ăn và phòng và trị bệnh. Tuy nhiên, các công bố ở Việt Nam về thành phần và hoạt tính các hợp chất thực vật hiện diện trong loài cây cà na còn khá hạn chế. Vì vậy việc nghiên cứu các hợp chất thực vật và vai trò của chúng có trong loài cây cà na là việc làm có ý nghĩa nhằm ứng dụng loài cây này rộng rãi hơn vào trong cuộc sống, góp phần nâng cao giá trị của một trong số những loài cây đã được xếp vào danh sách “Cây cỏ Việt Nam”.
Ảnh minh họa: Internet
Nghiên cứu nhằm mục đích khảo sát khả năng kháng oxy hóa và kháng vi khuẩn Escherichia coli, Staphylococcus aureus, Bacillus subtilis, Lactobacillus acidophilus của cao phân đoạn sắc ký cột silica gel từ cao chiết lá cây cà na (Elaeocarpus hygrophilus Kurz.). Các phân đoạn cao bao gồm: F1 (dichloromethane : ethyl acetate, 1 : 1 (v/v)), F2 (acetone : ethyl acetate, 9 : 1 (v/v)), F3 (acetone), F4 (methanol). Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu suất thu hồi cao chiết cao nhất ở phân đoạn F4 (20,32 %). Hàm lượng flavonoid (211,33 QE/g cao chiết) cao nhất ở phân đoạn F1. Hàm lượng polyphenol tổng (465,38±2,15 mg GAE/g cao chiết), tannin tổng (782,80±17,07 mg TAE/g cao chiết) cao nhất ở phân đoạn F2. Khả năng khử H2O2, Fe3+ cao nhất ở phân đoạn F2 với giá trị IC50 lần lượt là 20,81±0,06 và 7,40±0,12 (µg/mL). Các phân đoạn đều có khả năng kháng khuẩn (nồng độ 100 mg/mL, 24 giờ). Phân đoạn F2 kháng khuẩn cao nhất với đường kính vòng vô khuẩn là: E. coli (9,8±0,3 mm); S. aureus (4,9±0,1 mm); B. subtilis (5,8±0,3 mm) (khác biệt không có ý nghĩa thống kê so với F1); L. bacillus (5,8±0,8 mm). Giá trị MIC: E. coli (0,5 mg/mL), B. subtilis (1,0 mg/mL). Giá trị MBC: E. coli (1,5 mg/mL).
Tạp chí Khoa học Trường ĐạHCT, Tập 56, Số 3B (2020)