Ảnh hưởng của naa và ba phun qua lá đến sinh trưởng và chất lượng hoa hồng tường vi (rosa sp.) trồng chậu.
Nghiên cứu do tác giả Phạm Thị Phương Thảo, Nguyễn Thị Kiều Mi, Bùi Thiện Quang và Lê Văn Hòa đang công tác tại Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ và Lớp Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan khóa 42, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Hoa hồng (Rosa sp.) xuất hiện trên thế giới từ rất lâu và có hơn 20 ngàn giống hoa hồng thương phẩm được lai tạo từ các loài hoang dại và đây là một trong những loại hoa cắt cành mang lại doanh thu cao nhất thế giới (David, 2006). Hoa hồng thích nghi với nhiều điều kiện khí hậu, được sử dụng phổ biến ở dạng hoa cắt cành và hoa trồng chậu do có nhiều chủng loại với hình dáng, màu sắc và mùi thơm đa dạng (Nguyễn Xuân Linh và Nguyễn Thị Kim Lý, 2005; Nybon, 2009). Ngoài ra, cánh hoa hồng còn được dùng để chưng chất nước hoa và tinh dầu, đồng thời cũng được sử dụng để điều chế mỹ phẩm và thuốc.
Ảnh minh họa: Internet
Nghiên cứu thực hiện nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của các nồng độ của naphthalene acetic acid (NAA) và benzyladenine (BA) phun qua lá đến sinh trưởng và chất lượng của hoa hồng Tường vi (Rosa sp.) trồng chậu. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên với 5 nghiệm thức gồm đối chứng (phun nước), phun NAA và BA ở nồng độ 25 và 50 ppm, cách 15 ngày 1 lần. Thí nghiệm có 6 lần lặp lại, mỗi lần lặp lại là một chậu hoa hồng Tường vi. Kết quả thí nghiệm cho thấy xử lý NAA và BA ở các nồng độ 25 và 50 ppm đã giúp gia tăng chỉ số diệp lục tố (SPAD) (>50), chiều cao cành mang hoa (>27 cm), tăng kích thước nụ hoa và kéo dài thời gian hoa nở so với đối chứng. Xử lý NAA và BA ở nồng độ 25 ppm giúp chỉ số diệp lục tố SPAD của lá đạt cao nhất ở thời điểm 30 ngày sau khi cắt cành (tương ứng với 53,8 và 54) trong khi giá trị thấp nhất ghi nhận được ở nghiệm thức đối chứng (<50). Các nghiệm thức này cũng giúp gia tăng kích thước nụ hoa, đường kính hoa và kéo dài thời gian nở của hoa hồng Tường vi tốt hơn so với không xử lý.
Tạp chí Khoa học Trường ĐHCT, Tập 56, Số 2B (2020)