Gạo Việt ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế
Sự bứt phá trong xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay cùng với việc tận dụng nhanh các ưu đãi mà EVFTA mang lại, đang tạo ra thời cơ mới cho cả nền sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam, đưa giá gạo Việt lên cao và tạo ra thương hiệu rõ nét trên thị trường thế giới.
Gạo Việt ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Ảnh minh họa.
Thông tin từ Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam không chỉ giữ được đà tăng trưởng về lượng, mà quan trọng hơn là giá xuất khẩu đạt mức cao. Riêng tháng 8/2020, giá trung bình đạt 502,6 USD/tấn, tăng 3,8% so với tháng 7-2020. Tính chung trong 8 tháng, giá trung bình đạt 489,2 USD/tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tháng 8/2020, loại gạo 5% tấm của Việt Nam đã có lúc vượt giá gạo Thái Lan, vươn lên dẫn đầu thế giới. Trong suốt chặng đường dài xuất khẩu gạo, đây là lần đầu tiên giá gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan đến 20 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu tăng cao một phần do nhu cầu thu mua, tích trữ gạo của nhiều quốc gia trên thế giới tăng lên từ đợt dịch Covid-19, phần khác là nhờ vào chất lượng gạo Việt Nam mấy năm gần đây được cải thiện đáng kể. Ðặc biệt, sự kiện gạo ST 25 được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới đã góp thêm một “tín chỉ” về chất lượng và giá trị thương hiệu cho gạo Việt Nam xuất khẩu.
Tuy nhiên, điểm nhấn đáng lưu ý nhất trong hoạt động xuất khẩu gạo 8 tháng qua của nước ta lại chính là mức giá xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu đã đạt hơn 1.000 USD/tấn ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.
Cụ thể, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) đã ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo cho ba khách hàng của Cộng hòa Liên bang Ðức với hai giống gạo thơm là ST 20 và Jasmine với mức giá hơn 1.000 USD/tấn gạo ST 20; 600 USD/tấn gạo Jasmine. Trước khi EVFTA có hiệu lực, giá gạo ST 20 xuất khẩu sang EU khoảng 800 USD/tấn, còn gạo Jasmine là 520 USD/tấn. Mới đây nhất, ngày 22/9, Tập đoàn Lộc Trời tổ chức lễ công bố xuất khẩu hơn 126 tấn gạo thơm sang châu Âu, được hưởng thuế suất 0% theo Hiệp định EVFTA.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, năm 2020, ngành hàng lúa gạo đã vươn lên như kỳ tích khi tất cả các vụ đều được mùa, được giá. Với Hiệp định EVFTA, EU đã dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm được hưởng mức thuế suất 0% (trong đó có 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Ðây là cơ hội lớn cho ngành hàng lúa gạo, vì tiềm năng của thị trường châu Âu là khá lớn nên khi chúng ta kiểm soát tốt chất lượng gạo xuất khẩu thì sắp tới hạn ngạch chắc chắn sẽ tăng lên.
Nhất là khi ngày 4/9 vừa qua, chỉ hơn một tháng sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103/2020/NÐ-CP quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên hiệp châu Âu. Nghị định có hiệu lực ngay ngày ký ban hành nên các doanh nghiệp đã có những loại gạo thơm trong danh sách và đơn hàng có thể gửi ngay hồ sơ đến Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) để có giấy chứng nhận. Ðiều này có ý nghĩa rất quan trọng với các doanh nghiệp trong việc hoàn tất thủ tục trong nước để xuất gạo sang châu Âu với mức thuế ưu đãi.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, sự bứt phá ngoạn mục trong xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay cùng với việc tận dụng nhanh ưu đãi mà EVFTA mang lại, đang tạo ra thời cơ mới cho cả nền sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam, đưa giá gạo lên cao và tạo ra thương hiệu rõ nét trên thị trường thế giới. Ðể nắm bắt thời cơ này, cần sự liên kết chặt chẽ và bền vững hơn nữa giữa nông dân và doanh nghiệp, giữa các vùng sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu với nhau. Ðồng thời, liên quan đến vấn đề xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 còn chưa chấm dứt, rất cần các cơ chế, chính sách linh hoạt từ cơ quan chức năng để hoạt động này không bị gián đoạn, bảo đảm mục tiêu xuất khẩu gạo của cả năm 2020.
Thanh Tùng