Ra mắt nền tảng trợ lý ảo tiếng Việt “Make in Vietnam”
Các nền tảng Make in Vietnam cho thấy Việt Nam không thua kém thế giới về công nghệ, thậm chí có những sản phẩm song hành, đi trước thế giới. Đó là thông tin tại lễ ra mắt nền tảng trợ lý ảo tiếng Việt - Viettel Cyberbot do Bộ Thông tin và Truyền thông vừa tổ chức.
Viettel Cyberbot giúp tối ưu tới 40% nguồn lực chăm sóc khách hàng
Tối ưu tới 40% nguồn lực chăm sóc khách hàng
Nền tảng trợ lý ảo tiếng Việt - Viettel Cyberbot được phát triển bởi Trung tâm Không gian mạng Viettel, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) với mục đích giúp doanh nghiệp tự động hóa quy trình chăm sóc khách hàng trên nền tảng công nghệ xử lý ngôn ngữ tiếng Việt.
Viettel Cyberbot giúp doanh nghiệp xây dựng hệ thống tổng đài tự động thông qua tương tác với khách hàng bằng tin nhắn (Chatbot) hoặc bằng giọng nói (Callbot). Để giải quyết các vấn đề hết sức gần gũi và thường xuyên của doanh nghiệp, Viettel Cyberbot đã tiên phong ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Viettel Cyberbot mang đến 5 tính năng không thể bỏ qua, giúp doanh nghiệp giải quyết hàng loạt các vấn đề cho một hệ thống tổng đài tự động qua Callbot và Chatbot gồm: Tương tác trực tiếp và ngay lập tức với từng khách hàng: Tư vấn, bán hàng và chăm sóc khách hàng tự động 24/7 một cách chuyên nghiệp; tiếp cận khách hàng đa dạng trên các kênh: Thoại viễn thông, website, mạng xã hội, ứng dụng mobile, đồng nhất trải nghiệm thân thiện với người dùng.
Bên cạnh đó, khả năng mở rộng quy mô theo nhu cầu: Nâng cấp nhanh chóng tài nguyên để đáp ứng lên đến hàng triệu khách hàng qua hạ tầng điện toán đám mây (cloud service); kiến trúc mở tích hợp nhanh chóng với các hệ thống nội bộ của doanh nghiệp: CRM, ERP, CMS một cách dễ dàng thông qua các API mở; phân tích chuyên sâu, nhận diện cảm xúc khách hàng trong quá trình tương tác.
Ông Nguyễn Mạnh Quý, Giám đốc Trung tâm không gian mạng Viettel cho biết, Viettel Cyberbot ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để có thể hiểu được nội dung mà khách hàng muốn truyền tải trong quá trình giao tiếp và tự động cải tiến hệ thống liên tục từ chính những tình huống thực tế. Viettel Cyberbot có khả năng vượt trội về xử lý ngôn ngữ giúp giọng nói của Callbot đạt tới mức độ tự nhiên giống đến 95% giọng người thật.
Tính đổi mới khác biệt của Viettel Cyberbot là kết hợp được các công nghệ xử lý giọng nói với công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt cùng một lúc. Cụ thể, trong mỗi cuộc gọi giao tiếp với người dùng, hệ thống có thể xử lý đồng thời việc nhận dạng lời nói, phỏng đoán ý định của khách hàng, xử lý thông tin và trả lời khách hàng, tạo lên một giải pháp hoàn thiện có tính ứng dụng và linh hoạt cao theo tình huống thực.
Hiện Viettel Cyberbot giúp các doanh nghiệp tối ưu được tới 40% nguồn lực chăm sóc khách hàng đồng thời nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng của khách hàng. Trong thời gian tới, Viettel Cyberbot sẽ phát triển trở thành nền tảng trợ lý ảo tiếng Việt toàn diện, có thể đáp ứng được đa dạng các nhu cầu của doanh nghiệp, triển khai hệ thống tổng đài chăm sóc khách hàng độc lập mà không cần có sẵn tổng đài nội bộ.
Nền tảng số “Make in Vietnam”
Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo 3 trụ cột: Kinh tế số, chính phủ số, xã hội số. Chương tình cũng xác định doanh nghiệp công nghệ là lực lượng chính và các nền tảng số là công cụ để thúc đẩy chuyển đổi số đi nhanh hơn.
Công nghệ AI là công nghệ nòng cốt của cách mạng 4.0 và Viettel Cyberbot là một trong nhiều nền tảng ứng dụng AI hỗ trợ các hoạt động trong đời sống. Nền tảng này có thể tiếp tục được mở rộng cho nhiều mục đích khác nhau như hỗ trợ truy vết dịch bệnh, hay trả lời các câu hỏi cho nhiều người dân khi triển khai các ứng dụng cho xã thông minh…
Sự kiện ra mắt Viettel Cyberbot là một trong chuỗi sự kiện giới thiệu các nền tảng số “Make in Vietnam” nhằm thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây cũng là nền tảng thứ 3 của Viettel được ra mắt trong Chương trình giới thiệu các nền tảng số do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì. Các nền tảng Make in Vietnam đã cho thấy Việt Nam không thua kém thế giới về công nghệ, thậm chí có những sản phẩm song hành, đi trước thế giới.
Với lợi thế sở hữu đội ngũ các nhà nghiên cứu có trình độ, kỹ sư giàu kinh nghiệm, hạ tầng tính toán hiệu năng cao và ứng dụng thuật toán tiên tiến, Viettel Cyberbot đã biến một ý tưởng đầy thách thức thành một nền tảng công nghệ có tính ứng dụng cao và ngày càng phổ biến, góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Trong thời gian tới, với sứ mệnh tiên phong chuyển đổi số tại Việt Nam, Viettel sẽ tiếp tục nghiên cứu các nền tảng công nghệ mới để giải quyết các vấn đề của xã hội, góp phần thực hiện nhanh chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Quỳnh Nga