SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hệ thống lọc nước đầu tiên trên thế giới của người Maya

[10/11/2020 10:31]

Thành phố Tikal của người Maya nổi tiếng với những cung điện và đền đài cao vút. Nhưng một thứ khiêm tốn hơn nhiều đã giữ cho thành phố này vận hành trơn tru: hệ thống lọc nước.

Thành phố Tikal của Maya có những ngôi đền nổi tiếng và cũng là nơi có hệ thống lọc nước dựa trên zeolite sớm nhất trên thế giới.

Các nhà nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra một khoáng chất núi lửa có khả năng thu giữ vi khuẩn và kim loại nặng trong hồ chứa lớn nhất của Tikal. Vì khoáng chất này vốn không tồn tại tự nhiên ở khu vực đó, cho nên phát hiện cho thấy người Maya đã đưa nó xuống hồ một cách có chủ ý để sử dụng làm bộ lọc nước. Đây là hệ thống lọc nước sớm nhất được biết đến hiện nay.

Đồng tác giả nghiên cứu Kenneth Tankersley, nhà địa chất khảo cổ học tại Đại học Cincinnati (UC), cho biết phát hiện này mâu thuẫn với quan điểm lâu đời rằng sức mạnh công nghệ của thế giới cổ đại tập trung ở những nơi như Hy Lạp, La Mã, Ai Cập và Trung Quốc. "Nói về lọc nước, người Maya đã đi trước hàng thiên niên kỷ."

Ẩn mình trong những khu rừng nhiệt đới phía bắc Guatemala, thành phố Tikal đã phát triển rực rỡ trong hơn 1.000 năm. Vào thời kỳ cực thịnh, vào khoảng năm 700 CN, nó được cho là nơi sinh sống của hơn 45.000 người. "Đó là một trong những thành phố ưu việt của người Maya," Nicholas Dunning, nhà khảo cổ học ở UC nhận định.

Nhưng người dân Tikal thường phải đối mặt với một mùa khô kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Giải pháp là trữ nước trong hồ chứa, nhưng phải làm sao cho nước đó phải đủ sạch để uống - theo Lisa Lucero, nhà khảo cổ học tại Đại học Illinois, Urbana-Champaign, người không tham gia nghiên cứu, .

Một vài năm trước, Dunning và các đồng nghiệp của ông đã khai quật trầm tích từ một số hồ chứa ở Tikal. Họ rất ngạc nhiên khi thấy rằng một trong những hồ chứa lớn nhất, Corriental, ít bị ô nhiễm kim loại nặng, ít tảo sinh độc tố và ít có khoáng chất liên quan đến ô nhiễm phân hơn những hồ khác. "Chất lượng nước ở [hồ] Corriental cao hơn nhiều," Dunning nói.

Bằng cách nào đó, người Maya đã có thể lọc nước chứa ở hồ Corriental, nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết. Điều này đặc biệt ấn tượng vì "người Maya tắm trong những khu vườn, nước chảy vào hồ chứa sẽ không được sạch lắm," Dunning nói.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã xem xét kỹ hơn các lớp trầm tích dưới đáy hồ chứa. Manh mối đầu tiên về bộ lọc nước cổ đại của người Maya là việc phát hiện ra các tinh thể thạch anh. Các nhà khoa học tìm thấy bốn lớp tinh thể riêng biệt, mỗi lớp dày vài cm, gồm các tinh thể màu nâu, kích thước milimet. (Những hạt cát có kích thước như vậy cũng có lọc được nước, nhưng chúng không bắt giữ được tất cả các vi khuẩn có hại.)

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra thạch anh chi tiết hơn và phát hiện ra trong đó rải rác các tinh thể "zeolite" thậm chí còn nhỏ hơn. Loại khoáng chất núi lửa này có thể làm sạch nước bằng cách nhốt cả vi sinh vật và kim loại nặng trong một cấu trúc xốp, và khoáng chất này vẫn đang được sử dụng rộng rãi ngày nay, Tankersley nói. “Mọi thứ chúng ta uống ngày nay, từ nước đóng chai đến rượu vang, đều được lọc qua bộ lọc zeolite.”

Các nhà nghiên cứu cho rằng người Maya không biết về các zeolite nhưng họ nhận ra khả năng lọc nước của khoáng chất núi lửa. Cách Tikal khoảng 30 km về phía đông bắc có một nhóm đá giàu thạch anh và zeolite, đây có khả năng là nguồn vật liệu mà người Maya đã lấy để thả vào hồ chứa Corriental - nhóm nghiên cứu nêu trong Báo cáo Khoa học trên tạp chí Scientific Report. Tankersley nói rằng nước tại khu vực hồ Corriental "trong và có vị ngon".

Thật không may, không có bằng chứng trực tiếp cho thấy cách hoạt động của toàn bộ hệ thống lọc nước của hồ Corriental. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đưa ra một giả thuyết: người Maya đã sử dụng một tấm lưới làm từ lau sậy để giữ những tảng đá chứa thạch anh và zeolite ở ngay phía thượng nguồn dòng chảy của hồ chứa. Lưới lọc ở thượng nguồn bị lũ quét cuốn trôi sau mỗi cơn bão, điều này giải thích cho các lớp thạch anh và zeolite được tìm thấy ở đáy hồ chứa.

 

Khám phá này là một lời nhắc nhở mạnh mẽ về khả năng công nghệ của người Maya. "Những gì các dân tộc cổ đại đã đạt được thật kinh ngạc," Lucero nói.

Hoàng Nam

www.khoahocphattrien.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ