SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chế biến ngô giống quy mô công nghiệp: Cải tiến lò đốt nhiên liệu rắn

[16/11/2020 15:01]

Tiết kiệm năng lượng, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường… là những lợi ích mà công trình “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến ngô giống quy mô công nghiệp tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường” của nhóm tác giả Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp (Bộ Công Thương) đã đạt giải Nhất - Giải thưởng Sáng tạo Khoa học - công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) năm 2019 ở lĩnh vực tiết kiệm năng lượng.

Hệ thống bin sấy, cấp liệu ngô bắp vào bin sấy bắp và tháo liệu ra từ bin sấy

Cụ thể, nghiên cứu đã cải tiến hệ thống các lò đốt nhiên liệu rắn dùng khi sấy bắp và sấy lại hạt sau tẽ, sấy làm mát sau khi nhuộm màu xử lý, với mẫu lò này có khả năng sử dụng cho nhiều loại nhiên liệu và điều khiển nhiệt độ tác nhân sấy tự động nhờ hệ thống sensor, điều khiển tự động bằng khí nén. Ngoài ra, còn tận dụng nhiệt thải ra môi trường từ lò nhằm tiết kiệm năng lượng, tăng tuổi thọ của lò. Mẫu lò này có hệ thống “dập tàn” lửa, tro bụi tự động nên không gây ra khói bụi, không gây ô nhiễm môi trường… Giải pháp đã tận dụng nguồn năng lượng tỏa ra môi trường và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp “xanh” bền vững. Công nghệ mới này tiết kiệm được khoảng 20 - 30% năng lượng nhiệt, 10 - 15% năng lượng điện cho toàn hệ thống.

Tại khâu sấy bắp và sấy hạt sau tẽ, do công nghệ có khả năng phân phối dòng nhiệt năng đồng đều, cân bằng áp suất theo bề mặt diện tích bin sấy… nhờ đó tại khâu sấy đã tiết kiệm được 15 - 25% năng lượng nhiệt và 15 - 18% năng lượng điện. Còn tại khâu làm mát, sau khi nhuộm màu xử lý, tại công đoàn này với việc dòng nguyên liệu liên tục được dịch chuyển theo chiều từ trên xuống dưới vuông góc với dòng tác nhân sấy và dòng khí làm mát/nguội, nhờ đó đã tăng hiệu quả trao đổi nhiệt ẩm, giảm tổn thất năng lượng ra môi trường. Ở công đoạn này, năng lượng nhiệt được tiết kiệm từ 20 - 23%, năng lượng điện tiết kiệm từ 8 - 15%.

Qua quá trình ứng dụng hệ thống dây chuyền đồng bộ tiết kiệm năng lượng vào sản xuất ở Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất giống ngô Sông Bôi (Hòa Bình) cho thấy, dây chuyền hoạt động ổn định, chất lượng sản phẩm sau sấy, chế biến đạt kết quả tốt. Cùng với đó, dây chuyền này đã đạt được hiệu quả về tiết kiệm năng lượng so với các dây chuyền tương đương ở trong và ngoài nước, giá thành đầu tư chỉ bằng khoảng 25 - 30% so với giá thành nhập khẩu từ các nước châu Âu (Đức) và khoảng 40 - 50% so với từ các nước châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản). Ngoài ra, với hệ thống này, chi phí năng lượng cũng tiết kiệm từ 40 - 45% so với dây chuyền thiết bị của các nước châu Âu và 30 - 35% so với dây chuyền đến từ các nước châu Á.

Đáng chú ý, hệ thống dây chuyền đồng bộ tiết kiệm năng lượng góp phần cải thiện điều kiện làm việc, an toàn cho người lao động. Bởi trước đây, doanh nghiệp thường sử dụng lò đốt thủ công kiểu cũ, không có tự động hóa nhiệt độ, không tận dụng nhiệt thoát ra môi trường, không có hệ thống “dập tàn lửa”, tro bụi... Khi sử dụng hệ thống dây chuyền đồng bộ tiết kiệm năng lượng đã khắc phục được toàn bộ nhược điểm trên, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.

Thu Hường

www.congthuong.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ