Nuôi sinh khối luân trùng nước mặn phục vụ thủy sản
ThS. Nguyễn Thị Kim Liên, Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho biết, quy trình nuôi sinh khối luân trùng nước mặn phục vụ thủy sản, sử dụng bể nuôi phù hợp với điều kiện tại Cần Giờ, giúp chủ động cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên cho các trại sản xuất giống thủy sản, tránh phụ thuộc mùa vụ và vùng nuôi.
Luân trùng Brachionus plicatilis là một trong những loại thức ăn tươi sống được sử dụng phổ biến cho ươm nuôi ấu trùng tôm cá nhờ khả năng sinh trưởng nhanh, kích thước nhỏ, lơ lửng trong nước giúp ấu trùng tôm cá dễ bắt mồi… Ngoài ra, luân trùng còn có thành phần acid béo không no có chứa EPA, DHA, là acid béo thiết yếu, có tác động đến tỷ lệ sống và sự phát triển của cá biển. Vì vậy, luân trùng đã trở thành nguồn thức ăn tươi sống không thể thiếu trong sản xuất giống của nhiều loài giáp xác và cá biển.
Luân trùng Branchionus plicatilis trong quy trình được cho ăn 4 loại thức ăn khác nhau là tảo Nannochloropsis oculata, cám gạo ủ men EM gốc, men bánh mì, tảo Nannochloropsis oculata kết hợp men bánh mì. Trong đó, luân trùng được cho ăn tảo kết hợp với men bánh mì đạt năng suất cao nhất (230 ct/ml/ngày) và mật độ cực đại cao nhất (2.770 ct/ml). Mật độ luân trùng được duy trì trong suốt vụ nuôi đủ để cung cấp cho các loài ấu trùng thủy sản.
Chi phí sản xuất luân trùng là 301,4 ngàn đồng/lít (thức ăn tảo kết hợp với men bánh mì). Tùy theo điều kiện của người nuôi, có thể chỉ sử dụng men bánh mì làm thức ăn cho luân trùng để tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất (202,6 ngàn đồng/lít).
Với ươm nuôi giống thủy sản, khâu quan trọng nhất là thức ăn, trong đó, luân trùng là thức ăn phù hợp nhất cho giai đoạn cá bột. Mô hình nuôi luân trùng với năng suất cao sẽ giúp chủ động nguồn thức ăn tươi sống tại chỗ, giảm chí phí vận chuyển và tăng tỷ lệ sống của luân trùng (so với mua từ các nơi khác như Vũng Tàu, Ninh Thuận) lên đến 15 - 20%, mang lại hiệu quả cao cho người nuôi.