Chuyển giao công nghệ hiện đại của thế giới để giải quyết "bài toán" chất lượng tăng trưởng của Việt Nam
Việc khai thác tìm kiếm và chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học và công nghệ của các nước tiên tiến vào điều kiện sản xuất của Việt Nam sẽ giúp thay đổi nhanh trình độ sản xuất và nâng cao chất lượng tăng trưởng của các chuỗi ngành hàng, thúc đẩy xuất khẩu.
Diễn đàn Chuyển giao công nghệ, xúc tiến đầu tư và kết nối thị trường quốc tế
Công nghệ tạo ra đột phá về tăng trưởng
Ngày 17/11, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Chuyển giao công nghệ, xúc tiến đầu tư và kết nối thị trường quốc tế, do Trung tâm Đổi mới sáng tạo và thích ứng với biến đổi khí hậu (VCIC) của Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Giám đốc Ban quản lý VCIC - cho biết: Diễn đàn là hoạt động được Bộ Khoa học và Công nghệ và WB giao cho VCIC tổ chức thường niên, nhằm thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ, với mục đích nâng cao chất lượng hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới. Định hướng phát triển của VCIC nhằm thúc đẩy việc khai thác tài sản trí tuệ, tri thức chuyên gia quốc tế để giúp hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất của Việt Nam.
Phân tích kinh nghiệm quốc tế, ông Phạm Đức Nghiệm cho rằng: Ở những quốc gia có trình độ khoa học và công nghệ tương tự như ở Việt Nam, bên cạnh việc Chính phủ cơ cấu lại các nguồn lực để đầu tư cho khoa học và công nghệ phát triển, đặc biệt là việc chọn lựa một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên có tính chất là công nghệ nền tảng, tạo ra điều kiện phát triển lâu dài cho một số lĩnh vực, ngành hàng mũi nhọn, chủ lực của quốc gia hoặc những công nghệ gắn với các yếu tố về dân sinh, an ninh quốc phòng... còn lại cơ bản dồn lực cho việc khai thác tìm kiếm và chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học và công nghệ của các nước tiên tiến vào điều kiện sản xuất của Việt Nam.
Trên cơ sở đó, thay đổi nhanh trình độ sản xuất của chúng ta và nâng cao chất lượng tăng trưởng của các chuỗi ngành hàng gắn với xuất khẩu. Trong định hướng của Bộ Khoa học và Công nghệ đang hướng đến ưu tiên tập trung cho 8 nhóm ngành hàng chủ lực mà Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Ví dụ, ngành gỗ, năm 2020, dự báo xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt trên 12 tỷ USD và dự kiến lên khoảng 20 tỷ USD vào 2025; ngành thủy sản đang đặt mục tiêu đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 18-20 tỷ USD…
“Nếu chúng ta ứng dụng các tiến bộ công nghệ mới của quốc tế vào và đàm phán được phương án khả thi về mặt công nghệ, tài chính đi kèm thì chúng ta sẽ tạo ra được đột phá về mặt tăng trưởng, không chỉ ở việc nâng cao chất lượng sản phẩm, ngành hàng mà đặc biệt trên cơ sở hợp tác, đối tác quốc tế sẽ mở ra cơ hội về mặt thị trường. Bởi khi đối tác nước ngoài rót vốn hoặc chuyển giao công nghệ cho chúng ta sẽ kèm theo đó là bạn hàng, các kênh phân phối quốc tế mà họ đang sở hữu” - ông Phạm Đức Nghiệm nhấn mạnh.
Đây chính là bài toán VCIC đang đảm nhiệm, tức là thiết kế tạo ra một kênh để tiếp nhận và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam. Điều đặc biệt ở chỗ, kênh này không chỉ dừng ở việc giới thiệu những công nghệ mới mà còn bố trí một loạt các dịch vụ đi kèm từ thẩm định công nghệ, đánh giá công nghệ cho đến việc giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thông tin công nghệ một cách chi tiết cũng như giúp các doanh nghiệp xây dựng được các phương án để đàm phán với các đối tác nước ngoài.
Giải quyết “bài toán” công nghệ cho doanh nghiệp
Tại diễn đàn, nhiều công nghệ mới, tập trung giải quyết những vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt như: Công nghệ năng lượng tái tạo thông minh, công nghệ tái chế thủy tinh - nhựa - gỗ, công nghệ tế bào gốc, công nghệ sản xuất bao bì thực phẩm có thể phân hủy sinh học… đã được giới thiệu và sẵn sàng chuyển giao cho doanh nghiệp Việt.
Theo ông Phạm Đức Nghiệm: Thực tế cho thấy, có một rào cản rất lớn mà doanh nghiệp Việt Nam khi đi ra thị trường nước ngoài thường gặp phải đó là các thông lệ quốc tế hay các quy định chuẩn mực về luật pháp quốc tế. Do chưa được trang bị đầy đủ về điều này, dẫn đến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn thông tin cũng như xác minh độ chân thực, chính xác của thông tin.
Ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ - phát biểu tại diễn đàn
Một khó khăn nữa của doanh nghiệp Việt Nam là không tiếp cận được các công nghệ sẵn sàng chuyển giao mà thường tiếp cận ở các kết quả nghiên cứu. Vì thế, khi ký hợp đồng tiếp nhận, doanh nghiệp lại mất một khoảng thời gian khá dài để hoàn thiện, nâng cấp công nghệ đó từ quy mô phòng thí nghiệm sang quy mô sản xuất công nghiệp.
“VCIC thông qua các đối tác hợp tác nước ngoài sẽ lựa chọn đánh giá những công nghệ khả thi cả về mặt kỹ thuật, tài chính. Điều đó có nghĩa công nghệ tốt chưa đủ mà cần phải phù hợp và có giá thành cạnh tranh, để sẵn sàng chuyển giao cho doanh nghiệp” - ông Phạm Đức Nghiệm nói.
Theo đó, những công nghệ được giới thiệu tại diễn đàn là những công nghệ đã sẵn sàng thương mại hóa. Và hơn nữa, không chỉ dừng ở việc “bán đứt” một công nghệ mà các đối tác nước ngoài sẽ hợp tác, đồng hành với doanh nghiệp Việt Nam để triển khai công nghệ, thậm chí có thể góp vốn hoặc huy động thêm các nguồn tài chính để cùng đầu tư nhà máy sản xuất ở Việt Nam, để tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam trong thời gian tới.
Đánh giá cao việc tổ chức diễn đàn, ông Bùi Đức Trung - Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Ban Nghiên cứu và Phát triển - Tập đoàn An Phát - cho biết: Thông qua diễn đàn và các hoạt động của VCIC, chúng tôi có thể cập nhật được các công nghệ mới cũng như kết nối với các chuyên gia trên thế giới để sớm nâng tầm sản phẩm, thương hiệu của An Phát, đặc biệt, phát triển dòng sản phẩm nhựa phân hủy sinh học lên một tầm công nghệ cao hơn.
"Hiện nay, chi phí nguyên vật liệu và giá thành sản xuất nhựa phân hủy sinh học cao hơn sản phẩm truyền thống từ 3-5 lần. Do đó, việc có những công nghệ mới giúp giảm giá thành sản phẩm rất cần thiết nhằm đưa dòng sản phẩm này ngày càng được sử dụng một cách rộng rãi và đại trà hơn, để tiến tới thay thế các sản phẩm nhựa truyền thống" - ông Trung cho hay.
Cũng từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Hùng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Công nghệ cao Hòa Bình - cho rằng: Hiện, công ty bình quân mỗi ngày xử lý hàng trăm tấn các loại chất thải, chủ yếu từ các khu công nghiệp, trong đó có khoảng 20-30% chất thải có thể tận dụng, tái chế. Công ty đang tìm tòi và mong muốn tiếp cận những công nghệ tiên tiến của thế giới để tái chế sản phẩm.
“Doanh nghiệp hiện đang gặp hai khó khăn: Thiếu thông tin chính thống để tìm kiếm, nhập khẩu các thiết bị công nghệ; vốn đầu tư công nghệ. Việc tổ chức Diễn đàn Chuyển giao công nghệ, xúc tiến đầu tư và kết nối thị trường quốc tế sẽ góp phần vào việc hóa giải những thách thức doanh nghiệp đang gặp phải” - ông Hùng nhận định.
Quỳnh Nga