Hàn Quốc công bố dự thảo tiêu chuẩn đạo đức trí tuệ nhân tạo quốc gia
Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc và Viện nghiên cứu phát triển xã hội thông tin Hàn Quốc (KISDI) vừa công bố dự thảo "Tiêu chuẩn đạo đức trí tuệ nhân tạo quốc gia".
Ảnh minh họa
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc, tiêu chuẩn đạo đức trí tuệ nhân tạo quốc gia hướng đến giá trị cao nhất là tính nhân loại (humanity), được áp dụng từ khâu phát triển đến khâu ứng dụng, bao gồm ba nguyên tắc cơ bản và 10 yêu cầu cốt lõi.
Ba nguyên tắc chính bao gồm nguyên tắc về phẩm giá con người, nguyên tắc về lợi ích cộng đồng của xã hội, nguyên tắc về tính phù hợp trong mục đích của công nghệ. 10 yêu cầu cốt lõi để thực hiện ba nguyên tắc cơ bản bao gồm bảo vệ nhân quyền, bảo vệ quyền riêng tư, tôn trọng sự đa dạng, không xâm hại, tính cộng đồng, tính liên kết, quản lý dữ liệu, trách nhiệm, an toàn và minh bạch.
Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc cho biết dự thảo lần này là bộ tiêu chuẩn bao gồm các nguyên tắc chính và yêu cầu cốt lõi mà tất cả các thành viên trong xã hội bao gồm Chính phủ, tổ chức công, doanh nghiệp, cá nhân người dùng đều phải tuân thủ, nhằm hiện thực hóa trí tuệ nhân tạo có đạo đức. Các chuyên gia trong giới học thuật, doanh nghiệp, tổ chức dân sự từ các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, đạo đức và luật pháp đã tham gia vào quá trình tư vấn và lấy ý kiến.
Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin có kế hoạch thiết lập các tiêu chuẩn một cách chi tiết và đáp ứng linh hoạt với những thay đổi của công nghệ trong tương lai. Khi có các vấn đề đạo đức mới phát sinh, tiêu chuẩn đạo đức trí tuệ nhân tạo hiện tại sẽ được nâng cấp và hoàn thiện.
Sau khi tiến hành trưng cầu dân ý vào ngày 7/12, bản "Tiêu chuẩn quy tắc đạo đức AI quốc gia" hoàn chỉnh sẽ được Ủy ban Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trực tiếp dưới quyền Tổng thống thẩm định vào khoảng trung tuần tháng 12, để đi đến quyết định thông qua cuối cùng.
Liên quan tới vấn đề phát triển và quản lý trí tuệ nhân tạo, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trước đó đã nêu ra một số thách thức mà trí tuệ nhân tạo mang đến cho xã hội và cách thức các quốc gia giải quyết những thách thức đó.
Thứ nhất là trí tuệ nhân tạo ảnh hưởng đến vấn đề việc làm. Trong tương lai, công nghệ hoàn toàn có thể thay thế được con người để thực hiện một số công việc, điều này đương nhiên dẫn tới người lao động bị mất việc hoặc bị cắt giảm lương. Công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Bên cạnh đó, công nghệ trí tuệ nhân tạo cũng sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với các quốc gia cung cấp lao động giá rẻ.
Thứ hai là theo dự báo trí tuệ nhân tạo còn có thể đe dọa tới vấn đề an ninh. Nhiều ứng dụng trí tuệ nhân tạo hiện nay có thể sử dụng cho mục đích quân sự hoặc thực hiện tấn công mạng. Công nghệ trí tuệ nhân tạo trong mạng xã hội có thể vô tình hỗ trợ và làm gia tăng các hành vi nguy hại. Tất cả những điều này đặt ra yêu cầu cần có những phương thức bảo mật an ninh mới.
Thứ ba là vấn đề bảo mật dữ liệu. Trí tuệ nhân tạo giống như một quy trình tối ưu hóa bằng dữ liệu với khả năng xử lý lượng lớn dữ liệu đầu vào. Nhưng đôi khi những dữ liệu này có thể bị lợi dụng, do đó các ứng dụng trí tuệ nhân tạo cần có cách thức vận hành một cách minh bạch từ khâu thu thập đến sử dụng dữ liệu đầu vào.
Thứ tư là dự đoán tương lai của siêu trí tuệ. Khó mà đoán biết trí tuệ nhân tạo sẽ đưa tương lai của chúng ta tới đâu, theo chiều hướng tốt hay xấu. Điều gì sẽ xảy ra nếu máy móc có trí tuệ vượt qua cả con người. Với sức phát triển của công nghệ như hiện tại, việc tạo ra siêu trí tuệ là hoàn toàn có thể.
Thứ năm là vai trò điều hướng công nghệ trí tuệ nhân tạo nên thuộc về ai? Bên cạnh việc phân tích các tác động của trí tuệ nhân tạo, thì một câu hỏi khác được đặt ra: nên trao quyền quản lý cho chính phủ hay khu vực tư nhân? Có chuyên gia cho rằng nếu chính phủ chi phối công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ dẫn đến chạy đua vũ trang, do đó khu vực tư nhân nên trở thành người dẫn đường. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị nên trao quyền kiểm soát việc phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo cho các chính phủ. Vấn đề này cần có sự nghiên cứu sâu và đa chiều.
Đứng trước những thách thức mà công nghệ trí tuệ nhân tạo đem lại như vậy, chính phủ các quốc gia đối mặt với bài toán vừa phải tạo động lực phát triển khoa học công nghệ vừa phải giải quyết các tác động của trí tuệ nhân tạo. Từ năm 2017, đã có một số quốc gia và vùng lãnh thổ ban hành các quy định, chính sách và đề án đẩy mạnh phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo với tham vọng trở thành người đi đầu, mở ra thị trường mới mang lại giá trị kinh tế cao. Bên cạnh những phương thức khuyến khích đổi mới sáng tạo công nghệ trí tuệ nhân tạo thì các quốc gia cũng đề ra nhiều giải pháp cụ thể để ứng phó với những thách thức mới đặt ra.
Bảo Linh