SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xây dựng đặc điểm vi học và mã vạch ADN phục vụ định danh cây cam thảo Đá Bia

[25/01/2021 15:49]

Cam thảo Đá Bia (CTĐB) Jasminanthes tuyetanhiae T.B.Tran & Rodda, Apocynaceae là loài cây đặc hữu của vùng núi Đá Bia, Tuy Hòa, Phú Yên. Bộ phận thân và rễ của cây có vị ngọt, được các thầy thuốc địa phương sử dụng thay thế cam thảo bắc trong các bài thuốc cổ truyền.

Hơn 30 năm trước, đoàn điều tra dược liệu của tỉnh Phú Khánh khi điều tra vùng núi Đá Bia, Đông Hòa, Phú Yên đã phát hiện một loài cây có vị ngọt như dược liệu cam thảo bắc nên đặt tên là CTĐB. Do tác dụng độc đáo nên khi được công bố, CTĐB bị khai thác triệt để, dẫn đến chỉ còn vài cá thể ít ỏi và được đưa vào Sách đỏ Việt Nam năm 2007 với tên CTĐB Telosma procumbens (Blanco) Merr. Asclepiadaceae  (EN  B1+2B. Định danh chính xác thực vật là bước quan trọng đầu tiên trong nghiên cứu và kiểm nghiệm dược liệu, ngoài các đặc điểm về hình thái, còn cần kết hợp thêm chỉ tiêu về đặc điểm vi học, hóa học. Gần đây, việc áp dụng các phương pháp định danh dựa trên đặc điểm di truyền ngày càng được ứng dụng nhiều để việc định danh thực vật ngày một chính xác hơn. Trên thực vật, mã vạch ADN (DNA barcode) là phương pháp phổ biến nhất dựa trên những đoạn ADN ngắn, kém được bảo tồn, thay đổi nhiều trong tiến hóa nhưng không khác nhau quá mức giữa cá thể trong cùng loài, thường là trình tự thuộc hệ gen lục lạp như rbcL, psbA-trnH, trnL-trnF, matK... hay các vùng trình tự không phiên mã nằm trong ADN của ribosome (rDNA) như internal transcribed spacer (ITS).Trong 8 loài thuộc chi Jasminanthes, chỉ có dữ liệu gen của loài J. mucronata (Blanco) W.D. Stevens & P.T. Li đã được công bố trên ngân hàng gen NCBI, bao gồm các gen trnL-trnF, matK, matR, AtpB, rbcL, ITS1-5.8S rARN-ITS2, G3pdh. Nhằm mục đích bảo tồn và phát triển một loại dược liệu quý, nhóm tác giả Thái Hồng Đăng và ctv. đã thực hiện nghiên cứu về đặc điểm vi học thực vật và giải trình tự gen ITS, rbcL, phục vụ cho việc định danh cây thuốc, làm tiền đề cho các nghiên cứu về hóa học và tác dụng dược lý.

Đề tài đã quan sát và mô tả đặc điểm vi phẫu, bột dược liệu của rễ, thân và lá CTĐB, làm căn cứ để xây dựng chỉ tiêu vi học trong tiêu chuẩn nguyên liệu dược liệu CTĐB. Đoạn gen ITS1-5.8S rARN-ITS2 và rbcL của mẫu lá non CTĐB thu hái ở núi Đá Bia, tỉnh Phú Yên được phân tích và giải trình tự công bố trên ngân hàng gen NCBI với code là MT084410.1 và MT089916, so sánh với ADN của mẫu đối chứng Jasminanthes mucronata (Blanco) W.D. Stevens & P.T. Li được công bố trên ngân hàng gen cho thấy mẫu có độ tương đồng lần lượt là 92,69 và 100%. Như vậy đoạn ITS và rbcL có tiềm năng để sử dụng làm mã vạch ADN trong định danh CTĐB. Tuy nhiên để xây dựng cơ sở dữ liệu ADN đầy đủ cho CTĐB, các đoạn gen trnL-trnF, matK, matR, AtpB, G3pdh cần được giải mã thêm. Kết  quả  nghiên  cứu  góp  phần  trong  việc  định  danh CTĐB, làm tiền đề cho các nghiên cứu về hóa thực vật và tác dụng sinh học của cây. Đây là lần đầu tiên trình tự gen cây CTĐB, một loài đặc hữu của Việt Nam được nghiên cứu và công bố, góp phần vào việc bảo tồn nguồn gen và khai thác phát triển các cây thuốc dân gian có giá trị.

Vân Anh

Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam số 62 năm 2021
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ