Hiệu quả của dịch chiết thực vật để kiểm soát nấm Pyricularia grisea gây bệnh đạo ôn trên lúa trong điều kiện in vitro
Gần đây, nhiều nhà nghiên cứu đã quan tâm đến việc ứng dụng các dịch chiết thực vật làm thuốc diệt nấm sinh học để giảm nấm bệnh, thay thế cho thuốc diệt nấm tổng hợp. Thuốc diệt nấm sinh học ít độc hơn và chúng không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào đến các sinh vật khác trong môi trường. Do đó, việc tìm kiếm các hợp chất chống nấm mới từ thực vật như một chất thay thế, an toàn, thân thiện với môi trường, rẻ và dễ phân hủy là rất cần thiết.
Gần đây, nhiều nhà nghiên cứu đã quan tâm đến việc ứng dụng các dịch chiết thực vật làm thuốc diệt nấm sinh học để giảm nấm bệnh, thay thế cho thuốc diệt nấm tổng hợp. Thuốc diệt nấm sinh học ít độc hơn và chúng không gây ra bất kỳ ảnh hưởng nào đến các sinh vật khác trong môi trường. Do đó, việc tìm kiếm các hợp chất chống nấm mới từ thực vật như một chất thay thế, an toàn, thân thiện với môi trường, rẻ và dễ phân hủy là rất cần thiết. Cây rau trai (tên khoa học là Commelina communis L.) và cây rau húng quế (tên khoa học là Ocimum basilicum) được sử dụng để khảo sát sự ảnh hưởng của dịch chiết của chúng bằng methanol đến sự phát triến của nấm gây bệnh đạo ôn trên lúa. Rau trai có vùng phân bố rất rộng, từ ôn đới đến nhiệt đới. Các chất được chiết xuất từ cây rau trai cũng được sử dụng như một nguyên liêu thực phẩm quan trọng trong phòng ngừa bệnh tiểu đường loại 2. Ngoài ra, dẫn xuất từ alkaloid của rau trai còn có khả năng kháng virut A/PR/8/34 (H1N1). Cây húng quế cũng được xem là một cây dược liệu nổi tiếng và nhận được rất nhiều sự chú ý từ các nhà khoa học trong vài thập kỷ qua. Nhiều nghiên cứu cho thấy, dịch chiết từ húng quế có khả năng chống oxy hóa, kháng khuẩn và kháng nấm, bao gồm các loại vi khuẩn như: A. niger, P. ultimum, X. campestris và nấm bệnh như: Aspergillus flavus, Penicillium, Rhizopus solanai. Những năm gần đây, các chiết xuất từ thực vật đã được nông dân sử dụng như một biện pháp phòng trừ nấm bệnh thân thiện với môi trường. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào trên cây húng quế và rau trai có khả năng ức chế nấm P. grisea gây bệnh đạo ôn trên lúa. Do đó nhóm nghiên cứu của Phạm Thị Thu Hà và ctv. đã thực hiên nghiên cứu nhằm đánh giá ảnh hưởng của các dịch chiết này đến sự phát triển của nấm bệnh đạo ôn trên lúa trong điều kiện in vitro.
Hoạt tính kháng nấm của dịch chiết methanol từ rau trai với các nồng độ khác nhau (0,1; 0,5; 1,0; 5,0 và 10 mg/ml) đã được thử nghiệm trên 3 chủng nấm P. grisea (isolate 1, isolate 2 và isolate 3 được phân lập từ lúa hoang). Hoạt tính kháng nấm của dịch chiết methanol từ húng quế với các nồng độ khác nhau (10, 20, 30, 40 mg/ml) đã được thử nghiệm trên 2 chủng nấm P. grisea (isolate 4 và isolate 5 được phân lập từ lúa cao sản). Kết quả cho thấy dịch chiết rau trai và húng quế đều làm giảm sự phát triển của P. grisea ở tất cả các nồng độ được thử nghiệm. Với nồng độ cao nhất (10 mg/ml), dịch chiết lá rau trai có khả năng ức chế sự sinh trưởng và phát triển của 3 chủng nấm đạo ôn (isolate 1, 2 và 3) lần lượt là: 16,33; 29,67; 25,33 mm. Đối với dịch chiết lá húng quế, ở nồng độ 40 mg/ml, dịch chiết có khả năng ức chế với 2 chủng nấm isolate 4 và isolate 5 tốt nhất, lần lượt là 65,50 và 55,00 mm. Kết quả cũng chỉ ra rằng, ở giá trị IC50=2,35 mg/ml của dịch chiết rau trai và IC50=19,68 mg/ml của dịch chiết rau húng quế có thể ức chế sự phát triển của sợi nấm đạo ôn lần lượt là isolate 2 và isolate 5. Sử dụng dịch chiết rau trai và húng quế để ức chế sự sinh trưởng và phát triển của nấm bệnh đạo ôn trong in vitro bước đầu đã mang lại những kết quả khả quan. Do đó, cần tiếp tục tiến hành thí nghiệm trong điều kiện in vivo nhằm phát triển thuốc diệt nấm bệnh đạo ôn có nguồn gốc từ thực vật, góp phần giảm thiểu các tác hại do thuốc diệt nấm hóa học gây ra.
Vân Anh
Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam Số 62 năm 2021