Hoạt động nghiên cứu, đào tạo và tuyên truyền về sở hữu trí tuệ: Bám sát nhu cầu thực tiễn của xã hội
Thích ứng với bối cảnh đại dịch, hoạt động nghiên cứu, đào tạo và tuyên truyền của Cục Sở hữu trí tuệ linh hoạt kết hợp giữa hình thức trực tuyến và trực tiếp, đảm bảo các nội dung bám sát nhu cầu thực tiễn của công chúng xã hội.
Lớp tập huấn về tạo lập, quản lý và khai thác quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm trong khuôn khổ Chương trình OCOP tại Lạng Sơn.
Hoạt động đào tạo: dần đi vào chiều sâu
Năm 2020, chịu ảnh hưởng lan rộng của đại dịch Covid-19, hoạt động đào tạo, tập huấn về sở hữu trí tuệ tuy giảm thiểu về số lượng nhưng vẫn đạt được những kết quả tích cực, với nội dung đào tạo đi vào chiều sâu và bám sát nhu cầu thực tiễn. Với 44 khóa đào tạo, tập huấn nội dung phong phú, thu hút hơn 3.100 lượt người tham dự, hoạt động đào tạo, tập huấn trong năm qua đã đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm khác nhau: nhóm cán bộ quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ cần kiến thức chuyên môn chuyên sâu; nhóm các đơn vị có liên quan cần nhắm kiến thức cơ bản về quản lý, khai thác quyền sở hữu trí tuệ; và nhóm sinh viên các trường đại học nhằm chuẩn bị thông tin về sở hữu trí tuệ cho thị trường lao động.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục được đặc biệt chú trọng. Cục đã tổ chức 01 khóa bồi dưỡng cơ bản kiến thức về sở hữu trí tuệ và 03 khóa tập huấn nâng cao về kỹ năng thẩm định đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cho các thẩm định viên và cán bộ các đơn vị liên quan của Cục Sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, một số khóa đào tạo trong khuôn khổ hợp tác quốc tế được thực hiện chủ yếu dưới hình thức trực tuyến, với chủ đề đa dạng, cập nhật, giúp các cán bộ tham dự nắm bắt kịp thời xu thế phát triển của hệ thống sở hữu trí tuệ thế giới.
Để nâng cao kỹ năng làm việc cho cán bộ, Cục đã mời chuyên gia có kinh nghiệm tới tập huấn, bồi dưỡng về quản lý nhà nước, đấu thầu qua mạng, quản lý dự án công nghệ thông tin, quản lý tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin. Đây cũng là những nội dung cần thiết để nâng cao năng lực cho cán bộ, nhằm đáp ứng được các đòi hỏi ngày càng cao của công việc trong thời gian tới.
Hoạt động đào tạo, cập nhật, nâng cao kiến thức về sở hữu trí tuệ cho các đơn vị khác trong hệ thống các cơ quan liên quan tiếp tục được duy trì đảm bảo. Cục đã tổ chức 01 lớp tập huấn kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ cho hơn 60 cán bộ làm công tác quản lý khoa học và công nghệ, sở hữu trí tuệ địa phương, 01 lớp tập huấn về tạo lập, quản lý và khai thác quyền sở hữu trí tuệ cho đặc sản địa phương trong khuôn khổ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cho hơn 100 chủ thể tham gia Chương trình OCOP đến từ các tỉnh phía Bắc, giúp sở hữu trí tuệ trở thành một công cụ hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị các đặc sản vùng miền.
Cục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức gần 30 lớp tập huấn, hội nghị về các vấn đề sở hữu trí tuệ gắn với hoạt động chuyên môn của các Bộ, ngành, địa phương cho hơn 2000 lượt người tham dự.
Tài liệu hướng dẫn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay.
Không chỉ dừng lại ở nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, hoạt động đào tạo, tập huấn về sở hữu trí tuệ còn hướng tới các viện, trường – nơi sở hữu tài sản trí tuệ để chuyển giao cho thị trường và cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường lao động. Các lớp tập huấn về chủ đề bảo hộ quyền SHTT với kết quả nghiên cứu được triển khai tại nhiều trường đại học, viện nghiên cứu ở cả Hà Nội và các tỉnh thành trong cả nước, như Viện hóa học công nghiệp, Trường đại học Hải Phòng, Trường đại học Tây Nguyên, … với hơn hàng trăm giảng viên, cán bộ nghiên cứu và sinh viên tham dự đã được tổ chức. Cục đã phối hợp với Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức Khóa đào tạo dài hạn, chuyên sâu về SHTT tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh giúp cho hơn 100 học viên có đủ kiến thức và kỹ năng thực hiện hoạt động tư vấn hoặc chuyên môn sâu về SHTT.
Không chỉ dừng lại ở đào tạo, tập huấn thường xuyên, công tác xây dựng các chương trình, tài liệu bồi dưỡng về sở hữu trí tuệ đang được chuẩn hóa thành các cẩm nang kiến thức về SHTT. Trước mắt, tài liệu đào tạo cho 04 chương trình bồi dưỡng kiến thức cơ bản về SHTT và 01 khóa đào tạo trực tuyến về pháp luật sở hữu trí tuệ đang được nỗ lực hoàn thiện để sớm đưa vào sử dụng. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc tổ chức đào tạo trực tuyến cũng đang được hoàn thiện và sắp đưa vào vận hành thử nghiệm.
Hoạt động tuyên truyền: nỗ lực vượt thách thức của đại dịch Covid-19
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều sự kiện tuyên truyền sở hữu trí tuệ truyền thống đã được chuyển sang hình thức trực tuyến. Hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 26/4/2020, thay cho các hoạt động cộng đồng quy mô lớn được tổ chức thường niên, Cục đã phát động cán bộ tăng cường viết các bài tuyên truyền, nghiên cứu chuyên sâu về các chủ đề được xã hội quan tâm như sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, sở hữu trí tuệ với trí tuệ nhân tạo, vai trò của quản trị tài sản trí tuệ với phát triển xanh… Những nội dung này được nhiều báo giấy, báo mạng đăng tải, nhiều phóng sự truyền hình đề cập tới. Thông điệp của Ngày sở hữu trí tuệ thế giới 2020 “Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh” đã lan tỏa rộng khắp trên các kênh thông tin và mạng xã hội.
Hầu hết các hội thảo quốc tế được chuyển thành hình thức trực tuyến và đều được Cục truyền tải thông tin kịp thời cho các chủ thể liên quan đăng ký tham dự. Cục đã tổ chức 04 hội thảo trong nước tiếp cận vấn đề sở hữu trí tuệ ở nhiều khía cạnh, thu hút gần 400 lượt người tham dự. Đặc biệt, trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp quốc gia Techfest 2020, Hội thảo “Sở hữu trí tuệ với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do Cục chủ trì đã có hàng trăm đại biểu tới tham dự hoặc theo dõi trực tuyến. Bên lề hội thảo còn có các bàn tư vấn và gian hàng giới thiệu về hoạt động sở hữu trí tuệ, thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo các doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước, các trường đại học và viện nghiên cứu.
Hội thảo “Sở hữu trí tuệ với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp quốc gia 2020.
Có thể nói, tuy số lượng hoạt động tuyên truyền trong năm 2020 bị hạn chế do điều kiện khách quan, nhưng việc mạnh dạn áp dụng những hình thức tổ chức mới, nội dung tiếp cận mới đã góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền, đưa sở hữu trí tuệ đến gần hơn nữa với đời sống xã hội và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của cộng đồng, doanh nghiệp.
Hoạt động nghiên cứu khoa học được chú trọng triển khai để có căn cứ lý luận và thực tiễn hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật và giải quyết những vấn đề cấp thiết trong lĩnh vực chuyên môn về SHTT, cụ thể là cung cấp luận cứ cho việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ và gia nhập các hiệp ước quốc tế. Cục đã thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế” (sẽ kết thúc năm 2021) để phục vụ công tác sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn của việc gia nhập Hiệp ước Budapest về công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm tiến hành các thủ tục về sáng chế” đã được thực hiện trong năm 2020 phục vụ cho việc Việt Nam gia nhập Hiệp ước này.
Trong thời gian tới, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, vấn đề quản trị tài sản trí tuệ sẽ ngày càng được quan tâm đặc biệt. Điều đó đòi hỏi công tác đào tạo, tuyên truyền về sở hữu trí tuệ phải tiếp tục phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng của các hình thức đào tạo truyền thống, đồng thời, đẩy mạnh áp dụng những hình thức mới, phù hợp với nhu cầu của xã hội và xu thế phát triển khoa học công nghệ.
Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn