SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xây dựng bộ tiêu chí phát triển mô hình sản xuất công nông nghiệp theo hướng sinh thái khép kín cho ngành sản xuất thạch dừa thô ở Đồng bằng sông Cửu Long

[01/03/2021 10:44]

Đề tài do nhóm nghiên cứu thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.

Mô hình sinh thái bền vững công – nông nghiệp là chủ đề nghiên cứu sâu rộng trong nhiều năm qua trên thế giới. Cộng sinh công nghiệp (IS) được định nghĩa như là một quá trình trao đổi các dòng vật liệu, năng lượng, nước và các sản phẩm nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực giữa các ngành công nghiệp truyền thống riêng biệt giúp phát huy lợi thế cạnh tranh tập thể. IS cũng có thể là tối ưu hóa nguồn lực tập thể dựa trên sự trao đổi sản phẩm phụ và chia sẻ tiện ích giữa các thiết bị giúp làm giảm tiêu thụ nguyên liệu và năng lượng đầu vào và phát sinh chất thải và khí thải. IS chủ yếu tập trung vào việc trao đổi năng lượng và nguyên vật liệu trong các quá trình nhằm nỗ lực gia tăng giá trị kinh tế và giảm tác động môi trường. IS đã được áp dụng tại nhiều nơi như tại thành phố Rubber ở Kedah, Malaysia đã cho thấy đây là cơ sở để phát triển theo hướng bền vững cho ngành sản xuất các sản phẩm từ cao su và cũng đã áp dụng cho một hệ thống nông nghiệp nhỏ ở Liberia giúp tăng năng suất và giảm chất thải.

Các khái niệm về không phát thải để xây dựng mô hình sản xuất cùng kỹ thuật sinh thái cũng được nhóm nghiên cứu của Viện Môi trường và Tài nguyên (IER) áp dụng trong thiết kế để đề xuất mô hình sản xuất theo hướng khép kín. Đối với khu vực có điều kiện tự nhiên sẵn có và đa đạng như Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thì khả năng áp dụng các mô hình sản xuất theo hướng sinh thái khép kín cao. Tiềm năng xây dựng các mô hình sản xuất tích hợp theo hướng sinh thái khép kín cho các làng nghề ĐBSCL theo đó đặc thù sản xuất và điều kiện tự nhiên của các làng nghề ở ĐBSCL rất phù hợp với các mô hình sinh thái trong đó có nhóm nghề chế biến thực phẩm. Một số mô hình sản xuất công nông nghiệp theo hướng sinh thái khép kín đã được đề xuất và triển khai cho một số ngành ở quy mô hộ gia đình như sản xuất tinh bột gạo. Mô hình được xây dựng dựa vào nguyên tắc tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái sẵn có của từng hộ gia đình kết hợp với các hệ thống xử lý cuối đường ống và hệ thống kỹ thuật thu hồi, tái chế để thiết lập mô hình phát triển tối ưu cho hộ.

Bến Tre là tỉnh có diện tích đất trồng dừa lớn nhấtnước với gần 60 ngàn ha, cũng là địa phương sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm từ dừa chủ yếu của cả nước. Tính đến thời điểm 2016, số cơ sở sản xuất thạch dừa là 320 cơ sở, chiếm một số lượng lớn trong danh sách các ngành nghề sản xuất từ dừa. Chính vì số lượng cơ sở sản xuất quá lớn nên lượng phát thải của nghề thạch dừa là điểm đáng quan tâm, bên cạnh đó, những cơ sở sản xuất này mang tính tự phát và nhỏ lẻ trong dân, phân tán đan xen với khu sinh hoạt nên khó quy hoạch và kiểm soát.

Trong một nghiên cứu về mô hình ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm tích hợp đối với nước thải cho làng nghề sản xuất thạch dừa tại ĐBSCL sản xuất thạch dừa thô trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Nghiên cứu này tích hợp các phương pháp luận về sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hệ sinh thái tự nhiên để đề xuất mô hình giảm thiểu và ngăn ngừa ô nhiễm tích hợp cho nghề sản xuất thạch dừa thô. Mô hình đề xuất được áp dụng vào hộ điển hình trong một làng nghề sản xuất thạch dừa ở Bến Tre. Kết quả đánh giá cho thấy giảm thiểu tải lượng N, P, SO42 trong nước thải đến 90%, góp phần giảm chi phí nguyên liệu sản xuất, chi phí đầu tư và vận hành hệ thống xử lý nước thải (XLNT). Mô hình này có thể xem là giải pháp sẵn có tốt nhất của nghề sản xuất thạch dừa để góp phần giảm thiểu tác động tới môi trường nước mặt, và mô hình cũng hướng tới việc đáp ứng với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp trong các làng nghề.

Tuy nhiên các mô hình này chủ yếu được xây dựng dựa trên kinh nghiệm và thực tiễn của từng nhóm nghiên cứu, vẫn chưa có các tiêu chí hay hay chỉ số cụ thể làm cơ sở để xây dựng các mô hình này. Trên thế giới và Việt Nam cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu về các tiêu chí phát triển mô hìnhliên quan đến phát triển bền vững như tiêu chí xâydựng khu công nghiệp sinh thái, tiêu chí và chỉ số đánh giá khả năng phát triển theo hướng khu công nghiệp sinh thái, bộ chỉ tiêu phát triển bền vững về các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường các tỉnhTây Nguyên, chỉ tiêu đánh giá phát triển bền vững tại các khu công nghiệp Đồng Nai, bộ tiêu chí tăng trưởng xanh áp dụng đánh giá, phân hạng cho các quận nội thành TP. Hồ Chí Minh, tiêu chí đánh giá tính bền vững trong khai thác, sử dụng tài nguyên sinh vật biển, quan điểm về phát triển bền vững, xây dựng bền vững trên thế giới và ở Việt Nam... Từ tổng quan các nghiên cứu trên cho thấy việc xây dựng bộ tiêu chí phát triển mô hình sản xuất công nông nghiệp theo hướng sinh thái khép kín cho ngành sản xuất thạch dừa thô ở ĐBSCL là cần thiết, phù hợp với xu hướng hiện nay.

Nghiên cứu đã đánh giá được các hạn chế của mô hình hiện hữu đang áp dụng cho các hộ sản xuất thạch dừa thô ở tỉnh Bến Tre. Trên cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn, nhóm tác giả đã đề xuất được bộ tiêu chí để phát triển mô hình này cho ngành chế biến thạch dừa thô ở tỉnh Bến Tre gồm 04 nhóm tiêu chí chính và 18 tiêu chí cụ thể.

Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ – Khoa học Trái đất và Môi trường, Tập 3, Số 2 (2019)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ