Làm chủ công nghệ lõi, thúc đẩy bảo hộ sáng chế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh
Trong năm qua, số lượng đơn đăng ký sáng chế trong nước của các tổ chức, cá nhân Việt Nam đã tăng cao hơn 35% so với năm 2019. Đặc biệt, như Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel còn được bảo hộ bằng sáng chế ở nước ngoài.
Nếu như có nhiều doanh nghiệp (DN) cũng làm được như Viettel, sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Số lượng đơn đăng ký sáng chế, bảo hộ tăng
Ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT - Bộ KH&CN) cho biết, năm 2020, Cục SHTT đã tiếp nhận gần 126.000 đơn các loại (tăng 4,1% so với năm 2019). Năm 2019, Cục đã xử lý được trên 113.000 đơn và cấp Văn bằng bảo hộ cho trên 48.000 đối tượng sở hữu công nghiệp (tăng trên 18% so với năm 2019).
Tuy nhiên, nếu nhìn vào danh sách bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích mà Cục công bố hàng tháng dễ nhận ra các chủ thể nước ngoài vẫn đang chiếm đa số còn lượng đơn sáng chế/giải pháp hữu ích của chủ đơn Việt Nam thì chiếm tỷ lệ chưa cao. Theo ông Sơn, do nhu cầu đối với sáng chế chưa cao; năng lực nghiên cứu của Việt Nam còn thấp; khả năng hấp thụ sáng chế của doanh nghiệp còn hạn chế; cơ chế khuyến khích tạo ra sáng chế ở doanh nghiệp, viện, trường chưa thực sự hiệu quả.
"Vì chưa có ý thức về quyền SHTT, các nhà sáng chế đã bỏ qua công đoạn đăng ký bảo hộ sáng chế cho công nghệ của mình, dẫn tới đến khi thương mại hóa đã rơi vào tình cảnh không được hưởng lợi ích từ quyền SHTT mà lẽ ra họ rất xứng đáng", ông Sơn nói.
Tuy vậy, một điều đáng ghi nhận trong năm 2020, mặc dù trong bối cảnh đại dịch COVID-19, số lượng đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích của các chủ thể nước ngoài giảm 2% thì số lượng đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích của các chủ thể Việt Nam vẫn tăng 35% so với năm 2019.
Hướng tới bảo hộ sáng chế nhiều hơn ở nước ngoài
Các chuyên gia kinh tế cho rằng các DN không nên chỉ chú trọng bảo hộ sáng chế trong nước, mà việc bảo hộ sáng chế ở nước ngoài cũng cần phải được quan tâm. Trên thực tế, một số các doanh nghiệp lớn như Viettel đã có những bằng độc quyền sáng chế được bảo hộ ở Mỹ.
Theo ông Phan Ngân Sơn, tín hiệu đáng mừng nhất cho thực tế này là vào ngày 17-09-2019, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) đã cấp văn bằng bảo hộ độc quyền sáng chế số US 10,417,064 B2 cho Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) với sáng chế "Method of randomly distributing data in distributed multi-core processor systems" số đơn 15/633,743.
"Đây là niềm tự hào khi sản phẩm trí tuệ của Việt Nam, lại là sản phẩm về công nghệ viễn thông, một lĩnh vực dường như là độc quyền của các nước phát triển, được bảo hộ độc quyền ở nước ngoài. Việc nộp đơn đăng ký yêu cầu bảo hộ độc quyền đối với sáng chế là hướng đi đúng của các DN Việt trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Điều này cũng khẳng định sự tự tin của DN Việt khi tham gia vào thị trường khoa học công nghệ lớn nhất thế giới (thị trường Hoa Kỳ), với phương châm đi ra biển lớn để bắt "cá to", ông Sơn khẳng định.
Trong các DN đang chú trọng bảo hộ sáng chế, đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm của mình tại nước ngoài, những năm qua, có thể nói, thành công nhất là Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT thuộc Tập đoàn Viettel).
Ông Nguyễn Cương Hoàng, Phó Tổng giám đốc VHT cho biết: "Tính đến thời điểm hiện tại thì VHT đã đăng ký là hơn 217 đơn đăng ký sáng chế trong nước và 27 đơn đăng kí sáng chế tại Hoa Kỳ. Trong đó, đã được cấp 28 bằng sáng chế trong nước, 4 bằng sáng chế đã được công nhận ở Mỹ”.
Theo ông Hoàng, những kết quả đó không phải ngày một ngày hai mà có cả quá trình chuẩn bị kỹ. Sau quãng thời gian rất dài chuẩn bị nội lực thì VHT bắt đầu làm chủ các công nghệ lõi, từ năm 2017, Tổng công ty này bắt đầu đăng kí bảo hộ sáng chế và sau gần 4 năm đã đạt được những con số ấn tượng trên.
Cần sự hỗ trợ thêm của nhà nước
Tuy nhiên, trong việc đăng ký bảo hộ SHTT, nhất là ở nước ngoài, chỉ có nỗ lực của các doanh nghiệp không thôi là chưa đủ. Theo nhiều DN, họ cũng cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Đồng ý về điều này, ông Phan Ngân Sơn cho biết, song song các chương trình đang thực hiện, năm thứ hai triển khai Chiến lược SHTT đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu là "Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 - 18%/năm".
"Một trong những mũi nhọn Cục SHTT ưu tiên thực hiện là nâng cao năng lực về SHTT và đổi mới sáng tạo cho các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Đây là một trong những cái nôi để gia tăng về số lượng đơn và bằng độc quyền sáng chế "Make in Viet Nam". Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng cần phải tăng cường, phát triển tài sản trí tuệ", ông Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo ông Sơn, trong thời gian tới Cục SHTT sẽ tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 2205/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển Tài sản trí tuệ đến năm 2030 với quan điểm đổi mới căn bản cách tiếp cận so với giai đoạn 2011-2020 nhằm góp phần đưa sở hữu trí tuệ thực sự trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
"Mục tiêu của giai đoạn 2021-2030 là quy mô lớn hơn, nhiều nội dung mới hơn, bảo đảm hỗ trợ đầy đủ các nội dung từ hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, cho đến các nhiệm vụ bảo hộ SHTT, quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ và tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đặt hàng, liên kết, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học để khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, rút ngắn quá trình ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh, phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội", ông Sơn cho biết.