Bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài: Kinh nghiệm từ quả vải thiều Lục Ngạn
Chặng đường dài của bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho vải thiều Lục Ngạn cho thấy, để nâng cao giá trị các loại cây trái đã được định danh của Việt Nam, không chỉ cần sự vào cuộc của cả địa phương mà còn không thể bỏ qua việc đầu tư nghiên cứu chuyên sâu về sản phẩm.
Niềm vui của mùa vải mới.
Không dễ, dù cả hệ thống chính trị vào cuộc
Đến Bắc Giang vào bất cứ thời điểm nào trong năm, người ta cũng có thể thấy quả vải thiều Lục Ngạn là tâm điểm xoay vần của nhiều câu chuyện, từ việc mùa đông vừa rồi lạnh ít, mưa có thể ảnh hưởng đến năng suất đậu quả đến chuyện đường xá thế này thì các xe container vận chuyển có thuận lợi không. Năm trước, khi chúng tôi đến làm việc tại huyện Lục Ngạn, anh Tăng Văn Huy, trưởng phòng nông nghiệp huyện Lục Ngạn, vừa kể về các diện tích trồng vải đạt tiêu chuẩn Global GAP vừa trả lời gấp một cú điện thoại của một doanh nghiệp hỏi thông tin về buổi hướng dẫn những yêu cầu về mã vạch của Trung Quốc. Anh kể, vải là mặt hàng chủ lực không chỉ của huyện mà còn của cả tỉnh nên được các lãnh đạo tỉnh quan tâm, hay nói cách khác là “cả hệ thống chính trị vào cuộc”.
Có lẽ vì thế mà vải thiều Lục Ngạn có một vị trí khác biệt: được chọn trở thành một trong ba sản phẩm (bên cạnh thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột) trong số hơn 70 chỉ dẫn địa lý Việt Nam để đăng ký bảo hộ tại Nhật Bản trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN Việt Nam) và Cục Công nghiệp thực phẩm (Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp Nhật Bản) vào năm 2017. “Để chọn lựa, chúng tôi phải xây dựng một bộ tiêu chí với các yếu tố là sản phẩm đặc biệt; có sản lượng lớn, có tiềm năng xuất khẩu; trình độ sản xuất ở mức cao, quy trình sản xuất tương đối chuẩn; có hiệp hội ở địa phương... Trong đó, chúng tôi đánh giá cao vải thiều Lục Ngạn về tính tiêu biểu, điển hình cho sản phẩm Việt Nam để có thể gia nhập thị trường Nhật Bản”, ông Lưu Đức Thanh, Giám đốc Trung tâm Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ) cho biết. Và một yếu tố quan trọng khác chính là sự ủng hộ của chính quyền địa phương, nơi từ các sở đến cán bộ huyện lúc nào cũng “sôi sục” thì mới có thể nghĩ đến chuyện bảo hộ sản phẩm địa phương mình trên thị trường khó tính.
Quả thực, Sở KH&CN Bắc Giang và chính quyền Lục Ngạn nhanh chóng bắt tay hoàn thiện hồ sơ đăng ký và triển khai sản xuất hơn 100 ha vải thiều theo tiêu chuẩn của thị trường Nhật Bản. Họ cũng nhận thấy đây là cơ hội vàng để mở rộng thị trường cho nông sản, tránh rủi ro vì phải phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. “Sản lượng xuất khẩu sang Nhật Bản có thể không nhiều, nhưng sẽ giúp nâng cao danh tiếng của vải thiều Lục Ngạn vì đây là thị trường khó tính bậc nhất”, ông Ngô Sỹ Vinh, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang cho biết. Tinh thần làm việc này không phải chỉ mới bắt đầu khi quyết tâm bảo hộ chỉ dẫn cho vải thiều tại Nhật bản trong vài năm gần đây, mà từ những năm 2008 cho đến nay, kể từ khi vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam và nâng giá trên thị trường đến gấp rưỡi, gấp hai, các thế hệ cán bộ Sở KH&CN lúc nào cũng chạy như con thoi để xây dựng chỉ dẫn địa lý và hơn khoảng 60 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các nông sản khác của địa phương.
Nhưng ... mọi chuyện lại không “xuôi chèo mát mái” như mong đợi. Nộp hồ sơ sớm nhất trong số ba sản phẩm song đến tháng 5, đầu vụ vải của năm 2020, những trái vải trĩu cành của Lục Ngạn chưa được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật.
Vì sao vậy? Trên thực tế, “các yêu cầu của phía họ khá ngắn gọn và rõ ràng”, theo bà Nguyễn Thị Thu Hương ở công ty Nghiên cứu và Tư vấn chuyển giao công nghệ và đầu tư (Concetti) - đơn vị tham gia tư vấn cho Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang về đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn ở Nhật Bản nhưng đều là những đòi hỏi phải truy nguyên đến tận gốc gác vấn đề. Yêu cầu quan trọng nhất cần chú ý khi đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản là phải chứng minh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có tính chất đặc thù, có được nhờ yếu tố tự nhiên (khí hậu, địa chất,...) hoặc yếu tố con người (kỹ năng, quy trình sản xuất truyền thống,...). Đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý phải được xác định bằng các chỉ tiêu định lượng, do các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan kiểm chứng.
Thoạt nhìn, những yêu cầu này cũng tương tự với điều kiện đăng ký chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam. Chẳng hạn vải thiều Lục Ngạn có đặc tính quả to, vị ngọt đậm nhờ vị trí vùng trồng vải nằm ở “phần lõm” của cánh cung Đông Triều, ít chịu ảnh hưởng của mưa bão lớn, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm chênh lệch cao, người dân sử dụng kỹ thuật canh tác truyền thống khoanh (siết) cành (cắt một khoanh vòng qua thân hoặc nhánh chính của cây) để kích thích ra hoa,... Vị ngọt đậm thể hiện qua độ brix (thang đo chất rắn hòa tan, dùng để đo mật độ đường trong dung dịch) trong vải thiều Lục Ngạn ở mức cao, đạt khoảng 15,2 - 21,5%.
Tuy nhiên, các minh chứng do Việt Nam đưa ra chưa hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của phía Nhật Bản, ví dụ họ lập luận, độ đường cao (độ brix) không đồng nghĩa với độ ngọt cao. Phần lớn mọi người nghĩ rằng trái cây có nhiều đường hơn sẽ ngọt hơn nhưng thực tế thì không hẳn như vậy: dưa hấu ngọt hơn thanh long nhưng hàm lượng đường trong 280g dưa hấu tương đương với hàm lượng đường trong 115g thanh long. Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Lợi, Trưởng phòng Công nghệ sinh học và Chế biến thực phẩm, Viện Công nghệ HAUI (ĐH Công nghiệp Hà Nội), để giải thích chính xác vấn đề này, chúng ta cần hiểu rõ về cơ chế tạo vị ngọt cũng như các thành phần có trong các loại hoa quả. Đường tạo ra vị ngọt, nhưng có rất nhiều loại đường với độ ngọt khác nhau. Nếu quy ước độ ngọt của đường saccaroza là 100, thì độ ngọt của các loại đường sẽ như sau: Fructoza (đường hay có trong quả chín) - 173; Glucoza - 74; Mantoza - 32,5; Galactoza (đường trong sữa) - 32,1; Lactoza (đường sữa) - 16. Để chứng minh vải thiều Lục Ngạn có vị ngọt đặc trưng so với vùng khác, chúng ta cần phân tích cụ thể độ ngọt của quả vải có hàm lượng đường ra sao, lấy mẫu ở đâu, có so sánh với các vùng khác chứ không chỉ đưa ra độ brix chung.
Điều này dẫn đến hệ quả là phía Nhật Bản vẫn chưa chấp nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn. “Sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản sẽ được người tiêu dùng ở đó tin tưởng tuyệt đối và có giá bán cao hơn nhiều so với sản phẩm không được bảo hộ tại Nhật Bản”, đại diện Concetti giải thích. Nhưng nếu ngay trong chính vụ của mùa vải năm 2020, khi những quả vải mọng đạt chuẩn nhất mà không đưa ra được cơ sở khoa học chứng minh được tất cả những yêu cầu đó của Nhật Bản thì lại lỡ nhịp và phải chờ thêm tới tận ... vụ mùa 2021.
Thông tin công bố về vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Trên Cổng thông tin của FIAB ghi rõ: trọng lượng của vải Lục Ngạn nặng hơn ít nhất 10%, chiều cao trung bình từ dưới lên trên của quả dài hơn ít nhất khoảng 11%, giá trị Brix trung bình của vải thiều Lục Ngạn cao hơn khoảng 2-3% so với vải thiều ở các vùng canh tác khác ở Việt Nam, và hàm lượng đường tổng trung bình cao hơn khoảng 2-5%.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn đang đau đầu với một bài toán bảo quản quả vải thiều sau thu hoạch. “Mặc dù chúng tôi đã nghiên cứu nhiều về bảo quản các loại hoa quả nhưng trong tất cả các loại quả nói chung, vải thiều khó bảo quản nhất”. Khác với các loại quả khác, quả vải rất dễ bị hóa nâu do enzyme polyphenol oxidase (PPO) làm phân hủy các chất màu anthocyanin trong vỏ quả, tạo thành các sản phẩm phụ có màu nâu. Nếu không có biện pháp bảo quản phù hợp, quả vải có thể chuyển sang màu nâu hoàn toàn trong 48 tiếng đồng hồ. Mặt khác, sau khi hái khỏi cây, vải sẽ ngừng chín và chỉ diễn ra quá trình hô hấp khiến các chất trong quả vải bị oxy hóa, đường bị lên men tạo ra mùi vị giống như rượu.
Để giải quyết vấn đề này, từ lâu Bắc Giang đã tìm hiểu nhiều loại công nghệ bảo quản tiên tiến trên thế giới như công nghệ màng bao gói khí quyển biến đổi MAP, công nghệ CAS (Cells Alive System), xông lưu huỳnh, công nghệ xử lý nhiệt đột ngột và sử dụng axit hữu cơ của công ty Juran (Israel),... Tuy nhiên, các công nghệ này không phù hợp với điều kiện của Việt Nam do thời gian bảo quản không đủ dài hoặc do giá thành cao.
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh
Mời nhà khoa học vào cuộc
Để kịp đưa vải thiều sang Nhật Bản, Bắc Giang tìm mọi cách xoay xở. Với sự hỗ trợ của Cục Sở hữu trí tuệ, Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang cố gắng tìm các phòng thí nghiệm đủ khả năng phân tích các chỉ tiêu theo yêu cầu của Nhật Bản để kịp thời đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản ngay trong mùa vải năm 2020. Cũng để tiết kiệm thời gian, nhóm phụ trách dự án đưa quả vải vào thị trường Lục Ngạn của Bắc Giang đã tìm kiếm kết quả nghiên cứu sẵn có về vấn đề này. Tuy nhiên ngặt một nỗi là dù “lật tung” tất cả các cơ sở dữ liệu khoa học của Bộ NN&PTNT, Bộ GD&ĐT hay các viện trường nghiên cứu liên quan đến cây vải nhưng hầu như không có những thông tin mà họ cần. Tìm mãi, họ mới lọc ra được một cuốn sách được nhà xuất bản Thế kỷ mới xuất bản cách đây đã lâu nhưng vẫn bị đối tác Nhật Bản từ chối tiếp nhận thông tin vì không truy được lý lịch khoa học của tác giả trong khi nhà xuất bản Thế kỷ mới đã bị đóng cửa.
Điều này cũng phản ánh một thực tại mà chỉ có những người trong ngành mới biết được. “Phần lớn các nghiên cứu về cây vải ở Việt Nam tập trung vào kỹ thuật canh tác, giống, phương pháp bảo quản,... chứ ít người nghiên cứu sâu về quả vải”, PGS.TS. Nguyễn Văn Lợi nhận xét về sự thiếu hụt những nghiên cứu chuyên sâu ở cây vải tại các trường, viện.
Do đó, Sở KH&CN Bắc Giang và Trung tâm Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế đã phải cấp tốc đề xuất cho UBND tỉnh Bắc Giang về việc cần phải có ngay một nghiên cứu về vải thiều Lục Ngạn do một viện nghiên cứu đáp ứng các tiêu chuẩn khoa học của Nhật Bản thực hiện. “Ngay tại phiên giao ban của UBND tỉnh, các đồng chí chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh đồng ý ngay với đề xuất”, ông Ngô Sỹ Vinh nhớ lại một năm trước. Lúc này, Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương (Bộ NN&PTNT) được giao trọng trách lấy mẫu quả tươi tại 20 xã, thị trấn của huyện Lục Ngạn mang đi phân tích, so sánh với mẫu vải tại năm xã đại diện cho vùng vải thiều Lục Nam, Bắc Giang và năm xã vùng vải thiều Thanh Hà, Hải Dương để làm rõ các chỉ tiêu: khối lượng quả, kích thước quả, độ brix, đường tổng số, axit tổng số. Từ quyết định của UBND tỉnh tới khâu lấy mẫu, phân tích phải chạy đua từng ngày để kịp mùa vải, đến ngay cuối tháng sáu đã phải gửi một bản báo cáo đầy đủ đi Nhật Bản.
Trước những thông tin khoa học thuyết phục này, đối tác Nhật Bản thành lập hội đồng chỉ dẫn địa lý cấp quốc gia, bao gồm các nhà nông nghiệp, xã hội học, thị trường... đánh giá. Đây là cơ sở để đến ngày 12/3 vừa qua, Phòng Sở hữu trí tuệ, Cục Công nghiệp thực phẩm (FIAB), Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản đã có thông báo về vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật.
Câu chuyện đăng ký chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn ở Nhật Bản chỉ là một trong số các trường hợp thực tế cho thấy việc thiếu nghiên cứu khoa học đã ảnh hưởng tới cơ hội phát triển vải thiều nói riêng và các loại nông sản nói chung như thế nào. “Nhiều người đánh giá nông sản này nông sản kia của Việt Nam ngon hơn, hoặc thậm chí ngon nhất so với các nước xung quanh. Nhưng cái gì là căn cứ cho kết luận này? Nếu không có kết quả nghiên cứu định lượng để chứng minh thì những đánh giá sẽ mãi chỉ là cảm tính”, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa HN) nhận xét. PGS.TS. Nguyễn Văn Lợi cũng nêu ý kiến “chúng ta cần nghiên cứu một cách bài bản, từ sự thay đổi các thành phần chất dinh dưỡng theo thời điểm sinh trưởng, thời điểm thu hoạch, các hoạt chất trong quả,... việc hiểu rõ bản chất khoa học của cây vải là nền tảng quan trọng để tìm ra phương pháp bảo quản, cách chế biến sâu hoặc những phương thức khác giúp gia tăng giá trị cho vải thiều”. Bởi vậy, nếu không đầu tư nghiên cứu căn cơ và có chiều sâu thì “có lẽ chúng ta cứ mãi lúng túng loanh quanh như đèn cù thôi”.
Những gì diễn ra ở Bắc Giang cho thấy, mặc dù có cả hệ thống chính trị, từ lãnh đạo tỉnh đến các cán bộ nông nghiệp huyện sao sát công việc, thì vẫn chưa thể có được giải pháp tối ưu cho cây vải nếu không có nghiên cứu khoa học làm căn cứ. Không có “đường tắt” để minh chứng được giá trị, tính đặc sắc của nông sản, việc khoa học vào cuộc để tìm giải pháp cho cây vải sẽ trở thành “mô hình điểm” cho các sản phẩm cây trồng vật nuôi đã được định danh khác của Việt Nam học hỏi.
Đó cũng là mong đợi của Cục Sở hữu trí tuệ, nơi đồng hành cùng Bắc Giang trong kế hoạch đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Nhật Bản. “Chúng tôi hy vọng những kinh nghiệm rút ra từ quá trình bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Lục Ngạn sẽ trở thành hình mẫu để phát triển các loại nông sản khác của Việt Nam”, ông Lưu Đức Thanh nói.
Thu Quỳnh - Thanh An (Bài viết hợp tác giữa Cục SHTT và KH&PT)