SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Vải thiều Lục Ngạn: Để “tấm giấy thông hành” phát huy tác dụng

[09/04/2021 08:57]

Việc Nhật Bản bảo hộ cho chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang có thể được coi là giấy thông hành để đưa vải thiều của nước ta vào các thị trường cao cấp.

Ảnh: baobacgiang.

Nhưng để "tấm giấy thông hành" ấy thực sự đi vào cuộc sống, địa phương này sẽ cần phải tiếp tục có những kế hoạch để khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ cũng như chuẩn bị cho các sản phẩm chủ lực khác của tỉnh trong tương lai.

Đảm bảo chất lượng

Giữa tháng ba, đầu tháng tư vừa qua, khi những cây vải thiều tại Lục Ngạn, Bắc Giang còn đang trổ hoa, huyện Lục Ngạn đã nhanh chóng tổ chức các buổi hội nghị để bàn biện pháp hỗ trợ người dân sản xuất và tiêu thụ vải thiều trong năm 2021. Dù năm nào địa phương này cũng xây dựng kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải nhưng vụ mùa năm nay có phần đặc biệt hơn cả, đó là bởi chỉ cách đây nửa tháng, vải thiều Lục Ngạn đã trở thành sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường Nhật Bản nổi tiếng khó tính, sau gần hai năm nỗ lực của cả địa phương và Cục Sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, lúc này không phải khó khăn đã hết. Theo ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, không phải chỉ dẫn địa lý nào sau khi bảo hộ cũng được khai thác hiệu quả. “Việc làm sao để đảm bảo chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, phát triển bền vững tùy thuộc vào nhiều điều kiện: các vấn đề liên quan đến quản lý, quy chế, tổ chức triển khai,... Điều này phụ thuộc rất lớn vào địa phương, vào những người sản xuất, tiêu thụ, vào cả việc xử lý các vi phạm,...”, ông giải thích.

Đây cũng chính là điều mà Bắc Giang trăn trở. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN Bắc Giang cho hay, trong quá trình đăng ký bảo hộ vải thiều vừa qua, bên cạnh việc nước ta thiếu các tài liệu đáng tin cậy để nghiên cứu các đặc tính của sản phẩm, dữ liệu về đặc tính sản phẩm chưa được cập nhật thường xuyên, thì phía Nhật Bản còn đánh giá khả năng của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này tại Việt Nam đang còn yếu, hoạt động gắn chỉ dẫn địa lý lên bao bì sản phẩm cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Hiện nay, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đang được giao cho duy nhất Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Lục Ngạn làm đầu mối quản lý hoạt động, với 29 chi hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều tại 28 xã, thị trấn với hơn 900 thành viên; 468 tổ liên kết sản xuất với 3800 thành viên. Hằng năm, tổ chức được giao quản lý chỉ dẫn địa lý này cần có đánh giá nội bộ về tất cả các chỉ tiêu sản phẩm đã công bố xem chất lượng có gì thay đổi hay không, có đáp ứng yêu cầu chỉ tiêu như đã công bố hay không, cũng như phải làm tốt công tác quản lý và cấp tem nhãn chỉ dẫn địa lý, bởi vậy vấn đề năng lực của tổ chức này lại càng trở nên quan trọng hơn. “Sở KH&CN Bắc Giang sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu cho Hội cũng như các chi hội để làm sao họ nắm được toản bộ các quy trình, những việc phải làm đối với quản lý chỉ dẫn địa lý”, ông Bình cho biết. Bên cạnh hội, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh Bắc Giang cũng sẽ được giao thực hiện các phân tích, đánh giá ngoài đối với các mẫu vải thiều một cách bài bản; lựa chọn các phòng thí nghiệm đủ tiêu chuẩn quốc tế để xây dựng các báo cáo về sản phẩm vải thiều một cách liên tục và khách quan.

Và để chỉ dẫn địa lý có thể phát huy hiệu quả, một vấn đề mấu chốt không thể không nói đến là chất lượng sản phẩm khi xuất vào thị trường Nhật phải là những sản phẩm tốt đúng như những gì đã được bảo hộ, “nếu phía họ kiểm tra thấy chất lượng không đảm bảo theo chỉ tiêu đã công bố hoặc không đúng mã số vùng trồng đã được đồng thuận thì sẽ phạt, không phải phạt doanh nghiệp mà là chính hộ sản xuất vải thiều”, ông Bình nói. Phản ánh thực tế của một doanh nghiệp xuất khẩu cũng cho thấy, đã có tình trạng vải thiều thu mua của người dân khi đưa sang Trung Quốc lại bị trả lại vì chưa đảm bảo chất lượng, quả còn quá nhiều cuống, lá cũng như tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, gây khó khăn và chán nản cho doanh nghiệp này. Trước thực trạng ấy, ông Bình cho biết tỉnh sẽ tập trung phối hợp cùng phòng nông nghiệp, các cơ quan chuyên môn của huyện Lục Ngạn để hướng dẫn bà con chăm sóc vải thiều theo đúng quy trình, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, trước hết là theo hai tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, trong đó, 30 mã vùng trồng xuất đi Nhật sẽ theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Bên cạnh đó, việc quản lý và dán tem nhãn chỉ dẫn địa lý lên sản phẩm cũng “cần phải quản lý thật chặt để không làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như danh tiếng của sản phẩm”, ông Bình nhấn mạnh.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Ở thời điểm ban đầu, việc vận động người dân tham gia sản xuất vải theo tiêu chuẩn xuất khẩu đi các thị trường như Nhật còn tương đối khó khăn do người dân đang từ tập quán canh tác này phải chuyển sang một phương thức canh tác khác, “ví dụ như việc phun thuốc bảo vệ thực vật có danh mục thuốc cấm thì mình phải định hướng để họ phun đúng loại thuốc đã chỉ định, đồng thời phải tuyên truyền thật chặt chẽ, sát sao, nếu không họ có thể phun trộm thuốc”, chị Đặng Thị Khuynh - cán bộ khuyến nông xã Quý Sơn, Lục Ngạn cho biết, “nhưng năm nay người dân đã rất hồ hởi tham gia”. Theo anh Vũ Văn Mến - chủ một mã vùng trồng vải tại xóm Đồng Giao, xã Quý Sơn, với những kinh nghiệm canh tác đã trở thành quy trình nằm lòng của họ, việc tham gia vào chuỗi vải hữu cơ này thực tế không quá phức tạp, thế nhưng lại giúp cho các hộ sản xuất không phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm khi đã có hợp tác xã và các công ty xuất nhập khẩu hỗ trợ tiêu thụ, đồng thời giá bán cũng cao hơn từ 15-25% so với giá trôi nổi trên thị trường.

Người dân đang chăm sóc vải thiều tạixã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn. Ảnh: Mỹ Hạnh

Năm nay, tổng diện tích trồng vải toàn huyện Lục Ngạn là 15.450 ha (tăng 160 ha so với năm 2020), trong đó diện tích sản xuất theo quy trình VietGAP là 12.400 ha (tăng 700 ha), diện tích đưa vào kế hoạch sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGap khoảng 318 ha. Tổng sản lượng ước sẽ đạt 120.000 tấn, trong đó vải chín sớm khoảng 30.000 tấn. Đối với vải thiều xuất khẩu, hiện nay, có 36 mã số vùng trồng đã được Trung Quốc chấp thuận, 18 mã số vùng xuất khẩu vào thị trường EU, và 27 mã số vùng trồng (tăng 9 mã số với năm 2020) đối với thị trường Nhật Bản.

Để bảo đảm đầu ra cho vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang xác định yếu tố vô cùng quan trọng chính là xúc tiến thương mại. Từ năm 2016 đến nay, địa phương này đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến cũng như diễn đàn kinh tế để thúc đẩy tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh như mỹ Chũ, mật ong, nấm,… Ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, Bắc Giang cũng đã có ký kết hợp tác rất sớm với thành phố Hà Nội để tổ chức các tuần lễ vải, cũng như nhờ các cơ quan trung ương, đặc biệt là Bộ Công thương và UBND thành phố giới thiệu các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, siêu thị để liên kết trực tiếp với các doanh nghiệp, thương nhân ở Bắc Giang hỗ trợ tiêu thụ vải thiều cho bà con. “Trong gần 500 tổ liên kết sản xuất vải thiều, chúng tôi đã có 10 hợp tác xã của Lục Ngạn thường xuyên ổn định về mặt đầu ra, doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm thông qua hợp tác xã”, ông Bình nói, “nếu làm tốt công tác xúc tiến thương mại này thì đầu ra sẽ ổn định, người dân sẽ yên tâm để bỏ công, bỏ sức, thực hiện chăm sóc và đảm bảo chất lượng các sản phẩm nông nghiệp nói chung và vải thiều nói riêng”.

Trước mắt, UBND huyện Lục Ngạn đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ người dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều với hai phương án trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, trong đó, huyện dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 35.000 – 53.000 tấn vải thiều Lục Ngạn sang các thị trường nước ngoài như Trung Quốc (chiếm 80-85%) và một số thị trường khác như Australia, Pháp, Mỹ, Anh, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á,...

Đối với thị trường Nhật Bản, ông Bình ước tính sẽ có khoảng 1800 tấn vải thiều từ gần 30 mã vùng trồng để phục vụ cho việc xuất khẩu. Sắp tới, tỉnh sẽ phối hợp với Sở Công thương để liên hệ với các doanh nghiệp là bạn hàng lâu năm với Nhật, đồng thời cũng sẽ mời các nhà phân phối của Nhật Bản hiện nay đang có mặt tại Việt Nam về Bắc Giang để liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã tại địa phương thu mua và xuất khẩu vải. “Chúng tôi kỳ vọng sẽ xuất khẩu được một phần ba số sản lượng dự kiến đưa đi Nhật trong năm nay, nếu làm được như vậy cũng là thành công rồi”, ông Nguyễn Thanh Bình chia sẻ. Còn theo ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, hiện đã có 8 doanh nghiệp đến tìm hiểu và đặt vấn đề thu mua và xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản.

Bên cạnh đó, với điều kiện khí hậu thuận lợi cho nhiều loại cây ăn quả tươi ngon, Sở KH&CN Bắc Giang cũng đã và đang chủ động xây dựng các mô hình dự phòng với các nông sản khác. “Chúng tôi quan niệm rằng ngoài cây vải, các loại cây khác không thể mãi ổn định với Bắc Giang được nên phải xây dựng mô hình dự phòng cho các loài cây ăn quả khác, chẳng hạn như các loại bưởi. Bây giờ ở Bắc Giang cũng có một số giống bưởi tương đối tốt nhưng cũng có biểu hiện của sự thoái hóa, nên bằng các nhiệm vụ, đề tài dự án KH&CN, Sở sẽ xây dựng các mô hình đi trước một bước, để trong thời gian 5 -10 năm tới nếu cần phải đưa ra khuyến cáo, chỉ đạo bà con thì sẽ có thể có sẵn các mô hình hiệu quả giúp cho bà con không phải mày mò tìm kiếm nữa”, ông Bình chia sẻ.

Hiện nay, với 1174 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, trong đó có 2 chỉ dẫn địa lý, 4 nhãn hiệu chứng nhận, 60 nhãn hiệu tập thể, Bắc Giang đang là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về số văn bằng sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm, trong đó có sản phẩm nông nghiệp. “Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung để được cấp tiếp các văn bằng sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), các sản phẩm đặc trưng, tiềm năng của tỉnh Bắc Giang”, ông Bình cho hay.

Trong số đó, hiện họ đang hướng đến việc phát triển tiếp thương hiệu Na dai Lục Nam sau khi vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý trong năm vừa qua. “Năm 2021, với vốn sự nghiệp KH&CN của tỉnh, Bắc Giang cũng đã có nhiệm vụ cho chỉ dẫn địa lý cam Lục Ngạn. Bên cạnh đó, diện tích vải sớm của Phúc Hoàng, Tân Yên cũng rất lớn”, ông Bình nói và mong muốn sẽ có thể xây dựng chỉ dẫn địa lý cho hai sản phẩm nông sản này trong thời gian tới. Không chỉ dừng lại ở đó, theo lãnh đạo Sở KH&CN, tất cả các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đặc trưng của tỉnh khi phát triển đều phải xây dựng chuỗi, “bằng các nhiệm vụ KH&CN, kể cả là các đề tài nghiên cứu hay các dự án giúp cho các sản phẩm này thì Sở đều đưa ra yêu cầu phải gắn với việc xây dựng các chuỗi liên kết khép kín từ quá trình bắt đầu sản xuất đến khi tiêu thụ sản phẩm”.

Và để có thể phát huy hiệu quả các tài sản trí tuệ này, chắc chắn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương và các bên liên quan, trong đó không thể không kể đến Cục Sở hữu trí tuệ. Theo ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục SHTT, đơn vị này sẽ tham gia phối hợp với các Sở KH&CN để xây dựng các kế hoạch, chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ địa phương. Theo đó, Cục sẽ cùng với các địa phương xác định danh mục các sản phẩm, nhãn hiệu cần đăng ký theo lộ trình, ưu tiên thứ tự trước sau, đồng thời hướng dẫn các địa phương trình tự thủ tục đăng ký để xây dựng quy chế quản lý các tài sản trí tuệ như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể,...

Sản lượng vải để xuất đi Nhật mới chiểm tỉ lệ rất nhỏ trong tổng sản lượng vải thiều ở vùng này, tuy nhiên nó có ý nghĩa chính trị rất cao bởi nó khẳng định một điều, người nông dân Bắc Giang có đủ trình độ làm ra sản phẩm xuất khẩu vào thị trường khó tính, từ đó cỗ vũ người dân yên tâm làm việc và giữ gìn danh hiệu, hình ảnh chung.

Ông Mai Sơn

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang

Mỹ Hạnh

www.khoahocphattrien.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ