Bảo hộ sở hữu trí tuệ đóng vai trò then chốt thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhất là bảo hộ độc quyền sáng chế chính là cơ chế hợp pháp để tạo ra bản quyền, thông qua đó giúp doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Việc đăng ký và bảo hộ sở hữu trí tuệ có vai trò then chốt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Ảnh minh họa.
Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp Việt đã quan tâm xây dựng thương hiệu của mình ở thị trường trong nước, song dường như lại bị “vô danh” ở thị trường nước ngoài. Thậm chí, có trường hợp bị các doanh nghiệp nước ngoài “đánh cắp” thương hiệu gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.
Có thể kể đến như vụ việc chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho nước mắm bị đăng ký làm nhãn hiệu ở nhiều nước; mất thương hiệu thuốc lá Vinataba ở nhiều lãnh thổ; mất sáng chế, kiểu dáng công nghiệp võng xếp Duy Lợi ở Nhật Bản năm 2001, mất chỉ dẫn địa lý café Buôn Ma Thuột ở Trung Quốc năm 2011…
Theo ông Lê Huy Anh, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, việc đăng ký và bảo hộ sở hữu trí tuệ có vai trò then chốt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhất là bảo hộ độc quyền sáng chế chính là cơ chế hợp pháp để tạo ra bản quyền, thông qua đó giúp doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Cho đến nay ở nước ta, chỉ một số ít doanh nghiệp lớn như: FPT, Viettel, Viglacera… có bộ phận đăng ký nhãn hiệu ra quốc tế. Còn lại rất nhiều doanh nghiệp, trong đó đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ tập trung vào hình thành, kêu gọi vốn đầu tư mà chưa nghĩ đến việc đăng ký quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ, thậm chí còn ngại đăng ký bản quyền và sở hữu trí tuệ.
"Bằng sáng chế một năm trung bình khoảng hơn 1.000 đơn- đây là con số còn khá khiêm tốn. Trong năm ngoái, theo thống kê của chúng tôi thì hơn 8.000 doanh nghiệp đăng ký về bằng sáng chế, nhãn hiệu thì có hơn 50.000 doanh nghiệp chưa đến 60.000. So với các quốc gia khác những con số này còn rất là nhỏ" - ông Lê Huy Anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy gia tăng thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa… nếu không quan tâm đến vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp sẽ tự đánh mất đi nhiều cơ hội phát triển. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, doanh nghiệp Việt cần có chiến lược đăng ký nhãn hiệu ra quốc tế để bảo vệ thương hiệu cho mình, cũng như nâng cao uy tín trên thị trường. Đồng thời, phải cân nhắc về chi phí, thời gian, số lượng và quốc gia đăng kí.
Cụ thể, có thể đăng kí trên 4 quốc gia, so sánh thời gian đăng kí trực tiếp và đăng kí qua định thư hay thỏa ước. Một số quốc gia đã cho phép đăng kí với thủ tục rút gọn mà doanh nghiệp có thể cân nhắc như: Campuchia, Australia, Hàn Quốc… phải tìm hiểu kĩ trước khi lựa chọn quốc gia và cách thức đăng kí để tiết kiệm thời gian, chi phí và đem lại hiệu quả tốt nhất.
Hơn nữa, nếu không bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp sẽ mất cơ hội xuất khẩu mở rộng thị trường, đối mặt với rủi ro về pháp lý. Đồng thời, sẽ mất lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do CPTPP, EVFTA, RCEP. Khi phát hiện quyền sở hữu trí tuệ của mình bị mất, cần nhanh chóng nghiên cứu thu thập chứng cứ, nộp đơn phản đối, hủy bỏ hoặc đình chỉ hiệu lực quyền sở hữu trí tuệ.
Đã đến lúc các doanh nghiệp Việt cần nhận thức rõ tầm quan trọng xây dựng thương hiệu phải gắn với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Hai nội dung này cần được quan tâm và phát triển song hành, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng như hiện nay.
Mai Phương