Bảo hộ sở hữu sản phẩm nông sản: Cơ quan quản lý sẽ chung tay với doanh nghiệp
Chưa từng có tiền lệ cơ quan nhà nước đứng ra mua quyền sở hữu trí tuệ về giống của sản phẩm nào. Tuy nhiên, trước đề xuất của ông Hồ Quang Cua, Bộ NN&PTNT đang bàn phương án để sở hữu giống lúa ST24, ST25. Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã có trao đổi với báo chí.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Xin Thứ trưởng cho biết thêm về thông tin ông Hồ Quang Cua có nhu cầu nhượng lại quyền sở hữu giống lúa ST24, ST25 cho Bộ NN&PTNT?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Giống lúa ST24, ST25 đã được Bộ NNPT&NT bảo hộ giống năm 2018 và năm 2020, giá trị bảo hộ là 20 năm. Chúng tôi cũng đã nhận được thông tin về nguyện vọng của ông Cua và nhóm tác giả muốn bán quyền đó cho Bộ. Theo đó, mong muốn của ông Cua là Bộ NN&PTNT sử dụng – tức là nhà nước sử dụng, để nhiều doanh nghiệp và tổ chức cá nhân có thể sử dụng và ST24, ST25 có sản lượng ổn định và diện tích lớn hơn phục vụ cho bội tiêu và xuất khẩu.
Từ xưa đến nay chưa có tiền lệ về việc cơ quan quản lý mua lại quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm như thế này. Tuy nhiên, Lãnh đạo Bộ cũng đã bàn đến phương án sử dụng kinh phí trong chương trình phát triển giống giai đoạn 2021-2025 để mua lại quyền bảo hộ này. Nếu nhận được đề xuất chính thức của ông Cua bằng văn bản thì chúng tôi sẽ có tờ trình với Chính phủ về vấn đề này. Nếu được chấp thuận, Bộ NN&PT sẽ giao Cục Trồng trọt làm đơn vị sở hữu để có thể chủ động điều tiết sản xuất với các địa phương.
Nếu việc chuyển nhượng thuận lợi thì giá trị thương mại đem lại cho tác giả của các giống lúa này như thế nào? Việc bảo hộ sẽ được thực hiện tốt hơn trên thị trường quốc tế không thưa ông?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Hiện chúng tôi chưa nhận được văn bản chính thức của ông Cua về nguyện vọng này gửi đến Bộ, còn nguồn tiền là trong chương trình giống 2021-2025. Tuy chưa có tiền lệ về chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ từ cá nhân cho cơ quan quản lý nhưng trong Luật Khoa học công nghệ 2013 cũng như Luật Chuyển giao khoa học công nghệ và các văn bản liên quan đã khẳng định rõ trách nhiệm và quyền lợi của tác giả. Tối thiểu tác giả sẽ nhận không dưới 30% giá trị làm lợi của công trình và dựa trên căn cứ kinh phí triển khai đề tài…
Nếu cơ quan quản lý nhà nước quản lý giống thì nhiều cơ quan, tổ chức sẽ được khai thác sử dụng hơn và ổn định về chất lượng, diện tích hơn.
Về việc bảo hộ trên thị trường, phải nói rõ là hiện giờ ta mới bảo hộ về giống lúa, còn dấu hiệu sản phẩm gạo ST24, ST25 thì phải tuân thủ luật pháp trong nước và quốc tế. Ngay vụ việc gạo ST24, ST25 có dấu hiệu bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký tại Mỹ, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ KH&CN cùng với tập thể tác giả và doanh nghiệp Hồ Quang Trí và tập đoàn Pan gửi hồ sơ sang Mỹ để bảo hộ.
Việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt Nam đã được tiến hành nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa chính thức có loại gạo nào được công nhận trong diện này. Ông có thể cho biết nguyên nhân tại sao không?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Chiến lược thương hiệu gạo quốc gia bước đầu đã có những giá trị rất cụ thể cho ngành hàng lúa gạo theo hướng tăn sản lượng và diện tích các giống lúa chất lượng cao, qua đó thu về giá trị cao hơn cho ngành hàng này. Tuy nhiên, để nói về sản phẩm cụ thể thì chúng ta đã xây dựng được logo về thương hiệu gạo quốc gia, nhưng để xây dựng được đầy đủ căn cứ để công nhận, đòi hỏi rất chi tiết. Cùng với đó, trước đây việc bình chọn gạo xứng đáng mang thương hiệu gạo quốc gia chỉ giữa các bộ ngành, địa phương liên quan. Nhưng mới đây, đã có thêm vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam nên các thủ tục hành chính cũng có những thay đổi. Các bên đang gấp rút hoàn thiện thủ tục hành chính để có được những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia sớm nhất.
Gạo ST24, ST25 không phải là trường hợp nông sản Việt Nam đầu tiên đứng trước nguy cơ mất thương hiệu trên trường quốc tế. Ông đánh giá việc phối hợp giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần thay đổi như thế nào để có thể tránh được những trường hợp tương tự?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Ta đã hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới với 14 FTA thế hệ mới. Tuy nhiên, hiểu biết và vận dụng luật quốc tế, đặc biệt nông sản, vẫn còn hạn chế nhất định. Tới đây, quyền bảo hộ và sở hữu bảo hộ của lúa, gạo ST24, ST25 phải có sự bảo trợ của Nhà nước, trong đó có Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và Bộ KHCN.
Chúng tôi cũng sẽ bàn để giải quyết vấn đề bảo hộ thương hiệu nông sản trên thế giới như thế nào cho hiệu quả bởi năm 2020 giá trị xuất khẩu nông sản đã là 41,5 tỷ USD, năm nay dự kiến trên 42 tỷ USD.
Trên thực tế, chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm, nhiều doanh nghiệp đã có kinh nghiệm về các vụ kiện quốc tế như doanh nghiệp Tô Minh Vũ, DN Minh Phú… họ có thể thuê công ty luật để kiện hoặc đi vào các kênh phân phối lớn như Amazon và có chỉ dẫn địa lý cụ thể về sản phẩm. Như vậy, việc kiện đòi quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm sẽ dễ dàng hơn.
Thực tế thì thương hiệu mang lại giá trị cho doanh nghiệp, qua những vụ việc làm mất thương hiệu nông sản trên thị trường quốc tế, ông có cho rằng doanh nghiệp còn quá thờ ơ với việc bảo hộ thương hiệu của mình?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Nông sản xuất khẩu của chúng ta có đặc điểm giá trị lớn nhưng nhiều chủng loại và xuất đi nhiều thị trường khác nhau (196 quốc gia và vùng lãnh thổ). Tuy nhiên, khi hội nhập, chúng ta còn chưa được hiểu rõ về luật pháp quốc tế.
Tôi nghĩ không doanh nghiệp nào lơ là việc này nhưng vấn đề là họ thiếu thông tin về luật pháp quốc tế và những điều kiện để bảo hộ sản phẩm. Nếu họ biết được sản phẩm của họ sẽ có đường đi như thế nào ở thị trường của từng nước và được bảo hộ ra sao thì chắc chắn ý thức và sức lực của họ tập trung cho sản xuất, chế biến, thương mại và bảo hộ sản phẩm sẽ như nhau.