SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng: Không dễ tìm sự cân bằng lợi ích

[14/05/2021 10:18]

Việc làm thế nào để các quy định về nhãn hiệu nổi tiếng có thể áp dụng dễ dàng hơn, đồng thời đảm bảo cân bằng lợi ích giữa quyền sở hữu trí tuệ và quyền tự do kinh doanh là một trong những vấn đề mà người ta mong mỏi được hướng dẫn cụ thể trong đợt sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ hiện nay.

Việc chứng minh danh tiếng nhãn hiệu có thể là một trong những căn cứ cần thiết để "đòi lại" thương hiệu gạo ST25. Nguồn: saigondautu

Mỗi quốc gia lại có quy định khác nhau liên quan đến vấn đề chứng minh danh tiếng của nhãn hiệu. Chẳng như nhìn vào hệ thống pháp luật nhãn hiệu của Việt Nam, dựa trên mức độ nhận biết của công chúng, có thể chia thành nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu nổi tiếng và nhãn hiệu trung gian đứng giữa hai loại trên (ở Việt Nam gọi là nhãn hiệu được sử dụng và thừa nhận rộng rãi - widely used and recognized trademark), theo luật sư Lê Quang Vinh ở Công ty sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự, dù không phải là nhãn hiệu nổi tiếng song nhãn hiệu trung gian có quyền ưu tiên tốt hơn so với nhãn hiệu thông thường. Tức là chủ sở hữu nhãn hiệu này khi đã sử dụng trước mà chưa đăng ký bảo hộ thì vẫn có thể phản đối đơn đăng ký hoặc có thể hủy bỏ đăng ký đã được cấp với điều kiện nhãn hiệu đó đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi ở Việt Nam.

Không chỉ có ý nghĩa với giá trị thương mại của thương hiệu, mức độ danh tiếng của nhãn hiệu còn có vai trò quan trọng trong các vụ tranh chấp nhãn hiệu. Nếu đạt mức “nổi tiếng”, nhãn hiệu sẽ có “đặc quyền” được bảo hộ mà không cần đăng ký. Bên cạnh đó, theo quy định ở một số quốc gia, phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu nổi tiếng rộng hơn nhiều so với nhãn hiệu thông thường: chẳng hạn, với nhãn hiệu thông thường, hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu sẽ áp dụng trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự. Tuy nhiên, với nhãn hiệu nổi tiếng, hành vi xâm phạm có thể được áp dụng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ. Chẳng hạn với nhãn hiệu đồ uống nổi tiếng Coca Cola, nếu một người sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự Coca Cola cho một sản phẩm bất kỳ, dù không liên quan đến đồ uống cũng có thể bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu Coca Cola.

Gỡ vướng trong quy định nhãn hiệu nổi tiếng

Cũng giống như phần lớn các quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã sớm đưa các nội dung về nhãn hiệu nổi tiếng vào Nghị định 63 ban hành năm 1996 về sở hữu công nghiệp và sau này là Luật SHTT năm 2005 với mục tiêu giúp người tiêu dùng không bị nhầm lẫn về nguồn gốc sản phẩm và cân bằng lợi ích giữa chủ thể quyền với đối thủ cạnh tranh, ngăn ngừa hành vi sử dụng gây tổn hại danh tiếng của nhãn hiệu. Tuy nhiên, cho đến nay, mục tiêu này có vẻ chưa đạt được khi hoạt động xác lập và thực thi quyền với nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam vẫn đang gặp không ít khó khăn.

Rào cản trong việc xác định nhãn hiệu nổi tiếng đã đặt ra ngay trong định nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng trong Luật SHTT của Việt Nam. Theo đó, nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nếu vậy, việc chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng có thể sẽ là một “nhiệm vụ bất khả thi” bởi “người tiêu dùng” ở đây được hiểu chung là “toàn bộ người tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam”. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định nhãn hiệu nổi tiếng, các tiêu chí đánh giá đã được quy định rõ hơn tại Điều 75 Luật SHTT. Tuy nhiên, “việc không xác định rõ ngay tại định nghĩa này đã gây ra những vướng mắc nhất định trên thực tế trong hoạt động xác lập và thực thi quyền”, theo báo cáo phân tích dự thảo sửa đổi Luật SHTT.

Hơn nữa, việc áp dụng các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng trong Điều 75 hiện nay cũng không hề đơn giản. Cụ thể, các tiêu chí được xem xét khi đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng bao gồm: số lượng người tiêu dùng liên quan biết đến nhãn hiệu; doanh số bán hàng; thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu; uy tín của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu; số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu; số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng; giá chuyển nhượng, chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu. Quy định này đã “dẫn đến một số cách hiểu là phải xem xét toàn bộ các tiêu chí này, hoặc cũng có cách hiểu là chỉ xem xét trong phạm vi 8 tiêu chí này”, theo báo cáo phân tích dự thảo sửa đổi Luật SHTT. “Điều này gây ra một số khó khăn trong thực tiễn thi hành của các doanh nghiệp khi muốn chứng minh nhãn hiệu của mình là nổi tiếng, nhất là trong các vụ việc xâm phạm quyền”.

Một trong những doanh nghiệp đã từng nếm trải điều này là công ty Marvel Characters Inc. (Marvel) - một công ty điện ảnh nổi tiếng của Mỹ với các nhân vật siêu anh hùng được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới như Spider Man (Người Nhện), “Iron Man” (Người Sắt) và các nhân vật đột biến gene X-Men. Năm 1994, Marvel đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu X-Men cho các sản phẩm đồ chơi, quần áo, truyện tranh, trò chơi điện tử,... Tuy nhiên, đến năm 2003, công ty CP hàng gia dụng quốc tế (ICP) của Việt Nam đã nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu X-Men cho sản phẩm hóa mỹ phẩm gia dụng và được cấp bằng bảo hộ. Năm 2006, Marvel đã cố gắng yêu cầu hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu X-Men của ICP bằng cách chứng minh danh tiếng của nhãn hiệu X-Men thông qua thời gian và phạm vi sử dụng, doanh thu, giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu X-Men tại 51 quốc gia trên thế giới,... song vẫn chưa cung cấp đủ thông tin chứng minh danh tiếng của nhãn hiệu. Do vậy, khiếu nại của Marvel đã bị bác bỏ và cho đến nay, chúng ta vẫn có thể thấy các sản phẩm dầu gội, mỹ phẩm,... mang nhãn hiệu X-Men của ICP trên thị trường.

Những vướng mắc trên đã dẫn đến đề xuất sửa đổi nội dung liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng trong dự thảo sửa đổi Luật SHTT hiện nay. Theo đó, phần định nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng sẽ bổ sung là “người tiêu dùng có liên quan”, phần tiêu chí đánh giá bổ sung thêm điều kiện “tùy từng trường hợp mà một số hoặc tất cả” các tiêu chí. “Việc sửa đổi lời văn câu dẫn để làm rõ việc lựa chọn các tiêu chí là tùy thuộc từng trường hợp cụ thể và đây không phải là các tiêu chí cố định, có thể xem xét thêm các tiêu chí khác”, theo báo cáo đánh giá dự thảo sửa đổi Luật SHTT. Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho những trường hợp muốn chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam, việc bổ sung cụm từ “có liên quan” trong định nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng còn hài hòa với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Chẳng hạn, trong Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền SHTT (TRIPS) cũng chỉ đặt ra yêu cầu đối với bộ phận công chúng liên quan (relevant sector of the public).

Chưa giải quyết tận gốc vấn đề

Mặc dù ghi nhận những đổi mới về phần nhãn hiệu nổi tiếng trong dự thảo sửa đổi Luật SHTT lần này song hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực SHTT và doanh nghiệp vẫn kỳ vọng các nội dung này sẽ rõ ràng và chi tiết hơn. Bởi lẽ, với quy định hiện nay, vẫn còn rất nhiều vấn đề còn đang bỏ ngỏ, chẳng hạn như “chưa rõ là có thể chủ động yêu cầu cơ quan có thẩm quyền công nhận nhãn hiệu nổi tiếng như một thủ tục độc lập không? Hay chỉ có thể yêu cầu thụ động trong một vụ phản đối, hủy bỏ hoặc xử lý hành vi xâm phạm nhãn hiệu? Và cũng chưa rõ làm thế nào xác định được phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu nổi tiếng? Hoặc Dự thảo cũng chưa làm rõ liệu liệu việc công nhận nhãn hiệu trở nên nổi tiếng phải xem xét tại thời điểm nộp đơn/sử dụng của nhãn hiệu bị nghi ngờ xâm phạm nhãn hiệu nổi tiếng hay tại thời điểm khác?", luật sư Lê Quang Vinh phân tích.

Điều này càng trở nên cần thiết trong bối cảnh một số doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng khẳng định tên tuổi thị trường và lượng doanh nghiệp nước ngoài tiến vào Việt Nam có xu hướng tăng như hiện nay. Những bày tỏ của công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) trong một bài viết về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng trên Báo Chính phủ từ năm 2016 cũng đã thể hiện nỗi băn khoăn của doanh nghiệp về vấn đề này. Mặc dù là doanh nghiệp nổi tiếng bậc nhất Việt Nam hiện nay, đáp ứng đủ các tiêu chí về nhãn hiệu nổi tiếng, bản thân Vinamilk cũng “rất mong muốn được công nhận điều này” song đến nay vẫn chưa được. “Nguyên nhân là trong Luật SHTT hiện nay, chưa có quy định cụ thể về việc những chủ thể như Vinamilk được chủ động nộp đơn xin công nhận nhãn hiệu nổi tiếng hay không. Mà nếu Vinamilk có yêu cầu được công nhận nhãn hiệu nổi tiếng thì bản thân Cục SHTT cũng sẽ lúng túng vì Luật không có một quy trình cụ thể nào để xem xét nhãn hiệu nổi tiếng,...”, TS. Lê Thị Nam Giang, đại diện của Vinamilk phát biểu trong một hội thảo về nhãn hiệu nổi tiếng do Bộ KH&CN tổ chức năm 2016.

Nếu nhìn rộng hơn, những quy định về nhãn hiệu nổi tiếng không chỉ giới hạn trong vấn đề xác lập, thực thi quyền SHTT mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển môi trường kinh doanh ở Việt Nam. “Làm thế nào để quy định cân bằng lợi ích giữa các bên là điều không đơn giản. Nếu pháp luật quy định không hợp lý về nhãn hiệu nổi tiếng ắt sẽ lấn át quyền tự do kinh doanh của người khác, và nếu không có cái “phanh” hợp lý, nhãn hiệu nổi tiếng có thể làm lu mờ 2 nguyên lý cơ bản của luật nhãn hiệu gồm: (a) khả năng gây nhầm lẫn (likelihood of confusion), và (b) quyền độc quyền nhãn hiệu bị giới hạn theo lãnh thổ . Phạm vi bảo hộ ở ngưỡng nào dành cho nhãn hiệu nổi tiếng là điều phải cân nhắc, nếu không sẽ gây nguy hiểm trong cạnh tranh, dẫn đến việc doanh nghiệp lớn ‘bắt nạt’ doanh nghiệp nhỏ, động một tí họ bảo nhãn hiệu của họ nổi tiếng cấm hết các bên khác. Trong khi đó, doanh nghiệp của chúng ta phần lớn là quy mô nhỏ”, luật sư Lê Quang Vinh nhận xét.

Thanh An

www.khoahocphattrien.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ