SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nâng cao chất lượng các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý

[18/05/2021 16:04]

Hiện việc nâng cao chất lượng sản phẩm mang CDÐL chủ yếu do tự thân doanh nghiệp, thiếu sự kiểm soát hiệu quả của cơ quan chức năng, do đó có tình trạng chất lượng không đồng đều trong vùng CDÐL.

Xoài cát Hòa Lộc - một đặc sản tại vùng Nam Bộ. Ảnh minh họa.

Thời gian qua, sự phát triển của thị trường nông sản Việt Nam đã cho thấy vị trí, vai trò và tiềm năng rất lớn của các sản phẩm nông nghiệp gắn với chỉ dẫn địa lý (CDÐL). Một số CDÐL phát triển tốt, sản phẩm sau khi được bảo hộ đều có xu hướng tăng giá bán như: cam Cao Phong tăng gần gấp hai lần, chuối ngự Ðại Hoàng tăng 100 đến 130%, bưởi Phúc Trạch tăng 10 đến 15%, bưởi Luận Văn tăng 3,5 lần... Nhiều sản phẩm xuất khẩu có gắn CDÐL như: cà phê Sơn La, nước mắm Phú Quốc, vải thiều Thanh Hà, xoài cát Hòa Lộc, vải thiều Lục Ngạn…

Có được kết quả đó một phần là nhờ địa phương, doanh nghiệp đã tạo được sự khác biệt về chất lượng và mở rộng thị trường bằng việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm mang CDÐL. 

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, hiện nay việc nâng cao chất lượng sản phẩm mang CDÐL chủ yếu do tự thân doanh nghiệp, thiếu sự kiểm soát hiệu quả của cơ quan chức năng, do đó, có tình trạng chất lượng không đồng đều trong vùng CDÐL, ảnh hưởng đến danh tiếng sản phẩm. 

Theo ông Đỗ Văn Khoa, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh, CDÐL chỉ là chứng nhận cho sản phẩm có danh tiếng, chất lượng do điều kiện địa lý đặc thù ở khu vực, địa phương đó. Để phát triển CDÐL, bắt buộc phải xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm, phù hợp thị trường hướng đến. Phần lớn các địa phương lâu nay mới chỉ xác lập CDÐL và thực hiện truy xuất nguồn gốc chứ chưa xây dựng được tiêu chuẩn sản phẩm trong vùng CDÐL. Chỉ có xây dựng tiêu chuẩn cho vùng nhận diện thì mới cho chất lượng sản phẩm đồng đều.

Đồng quan điểm, nguyên Giám đốc Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế (Cục Sở hữu trí tuệ) Lưu Ðức Thanh cho biết, mô hình kiểm soát về CDÐL chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, mà do các địa phương áp dụng dựa trên kinh nghiệm của các nước, khi triển khai đã bộc lộ nhiều bất cập. Các quy định về kiểm soát chung chung, chỉ thể hiện quyền hạn trách nhiệm của các cơ quan, mà không nêu rõ được kiểm soát cái gì, ai kiểm soát và kiểm soát như thế nào.

Hiện, 100% đơn vị, tổ chức kiểm soát CDÐL là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo, chứng nhận về chuyên môn, kỹ thuật về kiểm soát CDÐL. Do đó, các cơ quan được giao trách nhiệm không thể triển khai các hoạt động kiểm soát. Trong khi đó, không ít CDÐL chưa được khai thác hiệu quả.

Vì vậy, để phát huy hết giá trị tiềm năng của CDÐL, các tổ chức quản lý CDÐL cần hỗ trợ cộng đồng cư dân, các nhà sản xuất thành lập các tổ chức tập thể để quản lý CDÐL hoặc nâng cao năng lực của tổ chức tập thể để thực hiện vai trò của mình, nhất là việc kiểm soát chất lượng sản phẩm mang CDÐL. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý nhằm kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các yêu cầu của CDÐL…

Mai Phương

www.vietq.vn (ctngoc)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ