Đánh giá khả năng phối hợp riêng về năng suất và độ brix của bảy dòng dưa lưới thế hệ thứ sáu (I6)
Mục tiêu là chọn các dòng dưa lưới có khả năng kết hợp riêng cao và các tổ hợp lai dưa lưới ưu tú phục vụ lai tạo giống F1. Thí nhiệm đơn yếu tố, được bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 29 nghiệm thức (21 tổ hợp lai, 1 giống đối chứng (giống lai TL3) và 7 dòng dưa lưới I6) và 3 lần lặp lại. Đánh giá khả năng phối hợp riêng dựa trên tính trạng năng suất và độ brix của 7 dòng dưa lưới tự phối I6 (H5.6, H32.6, H34.6, H41.6, H53.6, H58.6, H77.6) bằng phương pháp lai luân giao được thực hiện tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao, chọn được 04 tổ hợp lai (THL) triển vọng có khả năng phối hợp riêng và ưu thế lai cao vượt giống đối chứng, phục vụ công tác sản xuất gồm THL H41.6 x H58.6, H53.6 x H77.6, H32.6 x H41.6 và H53.6 x H58.6. Ngoài khả năng có ưu thế lai và cho năng suất cao hơn giống đối chứng 10%, bốn THL này còn thể hiện các đặc điểm hình thái như quả tròn, lưới đều và ít nhiễm sâu bệnh.
Sản xuất dưa lưới thương phẩm phổ biến ở Việt Nam khoảng từ năm 2008 - 2010. Mặc dù quy mô sản xuất vẫn còn rất nhỏ lẻ, song trồng dưa lưới theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao rất hiệu quả và có thể nhân rộng . Hiện nay, phần lớn các giống dưa lưới đưa vào sản xuất đều có nguồn gốc từ nước ngoài như Hà Lan, Israel, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan. Giá thành hạt giống cao và chi phí sản xuất lớn làm cho sản phẩm sản xuất được có giá thành khá đắt, chưa phổ biến rộng cho người tiêu dùng. Để có thể mở rộng đối tượng khách hàng tiêu thụ dưa lưới, việc xem xét hạ giá thành sản phẩm là hết sức cần thiết. Bên cạnh nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật sản xuất thích hợp để đạt năng suất cao, chất lượng tốt, vấn đề chọn tạo giống tiến tới chủ động được nguồn hạt giống và không phụ thuộc vào nguồn giống nhập nội; phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam được xem là bước đột phá. Nhận thấy tiềm năng của thị trường hạt giống trong nước từ năm 2016 - 2019, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao đã thu thập và chọn tạo kết quả đến năm 2019 đã chọn được 7 dòng dưa lưới thế hệ I6 (Huynh & ctv., 2019). Đánh giá khả năng phối hợp riêng để chọn ra các tổ hợp lai (THL) ưu tú là bước quan trọng tiếp theo trong quá trình sản xuất hạt giống lai F1. Mục tiêu của nghiên cứu là chọn được THL có năng suất và độ brix tương đương hoặc vượt trội so với giống dưa lưới F1 đang được sản xuất trên thị trường.
Thí nghiệm đơn yếu tố được bố trí theo kiểu khối hoàn toàn ngẫu nhiên (RCBD), 29 nghiệm thức (21 THL, 1 giống đối chứng (TL3) và 7 dòng bố mẹ I6) và ba lần lặp lại. Mỗi ô thí nghiệm trồng thành 2 hàng với 50 cây, có diện tích ô là 15 m2, tổng số cây cho một nghiệm thức là 150 cây/nghiệm thức. Hạt dưa lưới được gieo vào ngày 4 tháng 09, trồng vào ngày 14 tháng 09 và thu hoạch từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 11 năm 2019. Quy cách cây con: Chiều cao cây: 12 - 15 cm; số lá thật: 2 - 3 lá.
Các chỉ tiêu theo dõi: Tỷ lệ đậu quả (%); Hình dạng quả; Màu sắc vỏ quả; Màu sắc thịt quả; Đặc điểm vân lưới; Khối lượng quả (kg/quả); Năng suất thực thu (tấn/1000 m2); Độ brix thịt quả (%); Tỷ lệ bệnh hại (%): bệnh thối thân (Didymella bryoniae), giả sương mai (Pseudoperonospora cubensis), phấn trắng (Erysiphe cichoracearum), héo xanh (Pseudomonas solanacearum), xì mủ (Mycosphaerella melonis) (MARD, 2003).
Đánh giá khả năng phối hợp riêng dựa trên tính trạng năng suất và độ brix của 7 dòng dưa lưới tự phối I6 (H5.6, H32.6, H34.6, H41.6, H53.6, H58.6, H77.6) bằng phương pháp lai luân giao (mô hình Griffing 4) cho thấy rằng, các dòng H41.6 và H58.6, H53.6 và H77.6 có khả năng phối hợp riêng cao về tính trạng năng suất; các dòng H5.6 và H34.6, H32.6 và H41.6, H53.6 và H58.6 có khả năng phối hợp riêng cao về tính trạng brix. Chọn được 04 THL triển vọng có khả năng phối hợp riêng cao và có ưu thế lai cao vượt giống đối chứng từ 10% trở lên phục vụ công tác sản suất gồm tổ hợp lai H41.6 x H58.6, H53.6 x H77.6, H32.6 x H41.6 và H53.6 x H58.6.
tnttrang
Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển - Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh (số 2/2021)