SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của xử lý sau thu hoạch đến chất lượng quả quýt Bắc Kạn

[08/07/2021 09:13]

Quýt (Citrus reticulata) là loại quả có múi dễ hư hỏng do vỏ quả giòn, dễ dập nát và nhiều nấm bệnh trên vỏ. Nghiên cứu này nhằm mục đích xác định chế độ xử lý sau thu hoạch phù hợp nhất cho quả quýt Bắc Kạn.

Quýt (Citrus reticulata) là một trong những loại cây ăn quả có múi được trồng khá phổ biến ở Việt Nam. Quả quýt chứa hàm lượng dinh dưỡng khá lớn: thịt quả có chứa 6-12% đường, hàm lượng vitamin C từ 40-90mg/100g tươi, các loại axit hữu cơ từ 0,4-1,2%, ngoài ra vỏ quả chứa một lượng lớn tinh dầu (Đường Hồng Dật, 2004). Có nhiều giống quýt khác nhau, trong đó quýt Bắc Kan là giống quýt bản địa được nhận xét rất phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương này và là loại quả hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng của tỉnh Bắc Kạn. Quả quýt trồng ở Bắc Kạn được ưa chuộng bởi hương vị thơm, chua dịu, ngọt mát; vỏ quả có màu vàng tươi, hạt nhỏ, đặc biệt là mùi thơm hấp dẫn rất khác biệt so với các loại quýt khác.

Mặc dù có giá trị cao về dinh dưỡng, cảm quan nhưng loại quả này chưa thực sự mang lại giá trị kinh tế xứng đáng cho người trồng do thời điểm thu hoạch của loại quýt này không vào dịp lễ tết nên giá rất rẻ, nếu muốn thương mại với giá tốt hơn thì phải bảo quản chờ tiêu thụ dịp cận tết. Với cấu trúc vỏ mỏng, thịt quả nhiều nước và nhiều chất dinh dưỡng, kết hợp với khí hậu nước ta có đặc điểm nóng ẩm, gây khó khăn cho việc bảo quản quýt dài ngày. Một yêu cầu cấp thiết từ người trồng quýt Bắc Kạn là tìm giải pháp bảo quản cho quả quýt giống bản địa này, đáp ứng tiêu chí: an toàn, đơn giản, dễ áp dụng, sử dụng vật liệu rẻ tiền, dễ kiếm nhằm duy trì chất lượng, kéo dài tuổi thọ bảo quản của quả để tồn trữ quả quýt chờ tiêu thụ.

Hiện nay có một số biện pháp bảo quản quả có múi đã được nghiên cứu và áp dụng như: dùng chế phẩm tạo màng dạng sáp nhũ tương (có thành phần chính là sáp PE, sáp ong, sáp Carnauba); màng Chitosan; Citrashine. Phương pháp này có nhược điểm là vật liệu có giá cao, cách thức áp dụng còn phức tạp đối với bà con nông dân. Ngoài ra, quả có múi còn được sử dụng biện pháp xử lý bằng nước nóng, phương pháp này giúp tiêu diệt vi sinh vật trên bề mặt quả nhưng lại ảnh hưởng đến chất lượng cảm quan và dinh dưỡng. Bên cạnh đó, phương pháp bảo quản trong môi trường có khí quyển kiểm soát (CA); bảo quản lạnh bằng công nghệ Hyokan cũng được sử dụng khá hiệu quả, nhưng đòi hỏi đầu tư cao về mặt thiết bị, người nông dân rất khó đáp ứng. Ngoài ra, với quả có múi nói chung và quả quýt nói riêng thì việc bảo quản trong môi trường nhiệt độ thấp kết hợp bao gói LDPE góp phần đáng kể kéo dài tuổi thọ bảo quản của loại trái cây này.

Vôi (Ca(OH)2) có tính chất bazơ mạnh nên có tác dụng khử trùng và phòng trừ nấm bệnh cho cây trồng. Dung dịch ozone (enotyle) là chất có khả năng oxy hóa rất mạnh nên có thể phân hủy thuốc trừ sâu, đồng thời có tác dụng khử trùng và diệt khuẩn. Ethanol (cồn) có tác dụng diệt khuẩn rất lớn, cồn có khả năng thẩm thấu cao, có thể xuyên qua màng tế bào vi sinh vật, đi sâu vào bên trong gây đông tụ protein làm cho vi sinh vật chết. Cơ chế tác dụng của cồn là gây biến tính protein của vi sinh vật, nó có tác dụng diệt khuẩn, nấm và siêu vi, không có tác dụng trên bào tử. Các chất sát khuẩn trên đều an toàn, dễ kiếm, rẻ tiền, dễ áp dụng trong sản xuất với người nông dân.

Quả quýt được thu hái ở độ chín kĩ thuật, màu vàng chiếm 75-80% diện tích vỏ quả. Lựa chọn quả đồng đều về kích thước và độ già thu hái. Quýt được cắt cuống bằng kéo chuyên dụng, chiều dài cuống còn lại khoảng 0,5cm, sau đó vận chuyển về phòng thí nghiệm trong vòng 24 giờ. Quýt được vận chuyển ở nhiệt độ thường (thời điểm thu hái là tháng 11 nên nhiệt độ khoảng 15-18°C).

Quả quýt được xử lý với 4 công thức: (i) Rửa quả bằng nước (đối chứng); (ii) xử lý cuống quả với vôi nồng độ 1%; (iii) xử lý vỏ quả bằng ozone; (iv) xử lý vỏ quả bằng ethanol 70%. Kết quả cho thấy xử lý sau thu hoạch có ảnh hưởng tích cực đến việc duy trì chất lượng và kéo dài tuổi thọ bảo quản của quả, trong đó mẫu quýt được xử lý ozone và ethanol cho chất lượng tốt hơn cả, đặc biệt xử lý ozone có hiệu quả cao nhất trong việc kéo dài tuổi thọ bảo quản. Khi kết hợp xử lý ozone với bao gói bằng màng LDPE và bảo quản ở 6 ± 1°C thì quả quýt duy trì tuổi thọ đến 33 ngày với tỷ lệ hư hỏng rất thấp (4,2%).

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ