Ảnh hưởng của xử lý axit propionic kết hợp với bao màng sáp sau thu hoạch đến chất lượng quả chanh leo tím (Passiflora edulis Sims.)
Mục đích của nghiên cứu này là xác định ảnh hưởng của nồng độ axit propionic (AP) kết hợp với bao màng bằng hỗn hợp sáp ong và sáp cọ (MW) ở nồng độ 8% đến chất lượng và thời gian bảo quản quả chanh leo tím sau thu hoạch.
Chanh leo tím (Passiflora edulis Sims.) là loại quả nhiệt đới rất giàu chất dinh dưỡng và có giá trị kinh tế. Năm 2019, tổng diện tích chanh leo trên cả nước ước đạt khoảng 10,5 nghìn ha, trong đó chủ yếu tập trung tại các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đăk Nông, Lâm Đồng, sản lượng quả tươi ước đạt 222,3 nghìn tấn. Trong quả chanh leo có chứa nhiều chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, thời gian bảo quản quả sau thu hoạch ở điều kiện thường là tương đối ngắn do quả dễ bị hư hỏng. Sự hư hỏng sau thu hoạch chủ yếu do quả bị mất nước, vỏ quả bị sậm màu và nhăn nheo, quả bị nhiễm vi sinh vật, thối hỏng sau thu hoạch và tổn thất các chất dinh dưỡng.
Bảo quản quả chanh leo tím sau khi thu hoạch là khâu rất quan trọng để kiểm soát giá cả trong đỉnh vụ thu hoạch cũng như vào hết vụ thu hoạch. Các nghiên cứu trước ở trong nước đã cho thấy tỉ lệ tổn thất sau bảo quản quả chanh leo tím là rất cao (17,4 đến 19,7%), do vậy cần tiếp tục các nghiên cứu để làm giảm tỉ lệ tổn thất sau bảo quản. Hướng tiếp cận trong nghiên cứu này đó là sử dụng axit propionic kết hợp với bao màng sáp được làm từ sáp ong và sáp cọ. Axit propionic (AP) là một chất phụ gia thực phẩm, được chấp thuận sử dụng tại EU (FSA), Hoa Kỳ (FDA), Úc và New Zealand. Ở Việt Nam, AP cũng nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm (Phụ lục 1, Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày/8/2019 của Bộ Y tế). AP có khả năng ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc và nấm men, và vi khuẩn. Hoạt động kháng nấm của AP là chống lại Candida albicans, Aggregatibacter actinomycetemcomitans, Porphyromonas gingivalis, Streptococcus spp., Candida spp., Sporothrix spp., Fusarium spp., Penicillium spp., Paecilomyces spp. và Aspergillus spp.
Màng sáp chủ yếu được làm để ngăn chặn sự mất nước, giảm cường độ bốc hơi nước, thay thế màng sáp tự nhiên trên rau quả, bảo vệ quả khỏi bị tổn thương trong quá trình vận chuyển và các tổn thương vật lý khác, tăng tuổi thọ cho rau quả, ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc, duy trì sự hấp dẫn, tăng độ tươi cho rau quả, chống nhăn vỏ và hao hụt khối lượng.
Các mẫu chanh leo tím sau khi được rửa bằng nước sạch và để khô tự nhiên, trước tiên nhúng trong dung dịch 0,25; 0,35 và 0,45% AP trong 10 phút, sau đó quả tiếp tục được làm khô tự nhiên và được bao màng 8% MW. Sau khi khô màng, quả được xếp vào khay xốp để trong các hộp carton và bảo quản ở nhiệt độ 5 ± 1°C, RH = 85 ± 2%. Các quả không xử lý AP và không bao màng đã được sử dụng làm mẫu đối chứng. Cường độ hô hấp, tỉ lệ hao hụt khối lượng, hàm lượng chất khô hòa tan tổng số (TSS), axit tổng số (TTA), vitamin C, mật độ vi sinh vật tổng số trên bề mặt quả và tỉ lệ thối hỏng đã được phân tích và đánh giá trong suốt thời gian bảo quản.
Kết quả nghiên cứu đã cho thấy AP ở nồng độ 0,45% kết hợp với bao màng 8% MW (CT3) là tốt nhất để làm giảm cường độ hô hấp, giảm mật độ vi sinh vật tổng số trên bề mặt quả, giảm tỉ lệ thối hỏng và tỉ lệ hao hụt khối lượng, đã làm giảm chậm hàm lượng TSS, TTA và vitamin C. Sau 42 ngày bảo quản quả chanh leo tím xử lý ở CT3 có tỉ lệ tổn thất chung bao gồm hao hụt khối lượng tự nhiên và thối hỏng là 11,9% so với mẫu đối chứng có tỉ lệ tổn thất chung là 96,2%.
ntqnhu
Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam