Tạp chí khoa học - Công cụ đo lường sự tiến bộ của nền khoa học
Các tạp chí khoa học được xem là đại diện tiêu biểu nhất cho nền khoa học toàn cầu nói chung và ở mỗi quốc gia nói riêng. Đây là nơi để phổ biến, giới thiệu và công bố các kết quả nghiên cứu chuyên ngành, liên ngành, đa ngành hay xuyên ngành. Tác giả của những bài báo khoa học không phải là các phóng viên mà thường là những nhà khoa học, nhà nghiên cứu chuyên nghiệp. Để một bài báo được chấp nhận xuất bản trên tạp chí khoa học thì phải trải qua một quy trình bình duyệt chặt chẽ, được kiểm soát chất lượng bởi hội đồng biên tập bao gồm các chuyên gia có uy tín cao trong học thuật, am hiểu sâu sắc về lĩnh vực nghiên cứu. Giờ đây, công bố quốc tế được coi như thước đo năng lực nghiên cứu và khả năng hội nhập khoa học của quốc gia. Do đó, tạp chí khoa học chính là đại diện và công cụ đo lường sự tiến bộ của nền khoa học.
Chiến lược cho những tạp chí mới nổi
Tạp chí khoa học đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển tải thông tin, tri thức khoa học. Để một tạp chí trở thành đại sứ cho sự tiến bộ của nền khoa học thì nó phải mang tầm nhìn quốc tế. Tuy nhiên, việc thâm nhập CSDL chỉ mục quốc tế là một thách thức lớn đối với các tạp chí thuộc những nước có nền khoa học chưa phát triển cao, đặc biệt là các nước đang phát triển. Các tạp chí khoa học ở những quốc gia này có một vị trí khởi đầu không thuận lợi vì số lượng bản thảo nhận được ít, không có một đội ngũ bình duyệt có chất lượng, chất lượng bài báo xuất bản thấp và khả năng tiếp cận cộng đồng khoa học quốc tế khó khăn. Điều này khiến tạp chí không thể thoát khỏi “vòng luẩn quẩn của những bất cập”. Để phá vỡ vòng luẩn quẩn này, các tạp chí phải có tầm nhìn rõ ràng và nỗ lực rất nhiều để nâng cao các tiêu chuẩn cơ bản trong xuất bản, đặc biệt là tính kịp thời, tính đa dạng quốc tế của hội đồng biên tập, đồng thời tích cực tìm kiếm tác giả và giúp họ nâng cao chất lượng bản thảo.
Một câu hỏi đặt ra là làm thế nào để một tạp chí đạt chuẩn quốc tế, sớm được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận. Có nhiều cách tiếp cận khác nhau, tuy nhiên, hướng đi được xem là hiệu quả nhất đó là một tạp chí mới nổi phải xác lập cho mình bản sắc riêng, để nó trở thành một tạp chí độc nhất trong cộng đồng khoa học toàn cầu. Những tạp chí nhỏ, mới thành lập nên tìm kiếm cơ hội và lợi thế trong các lĩnh vực cụ thể, xác định được nhu cầu của lĩnh vực công bố, thậm chí cả đặc thù xã hội và chính trị của khu vực mà tạp chí đại diện. Nói cách khác, tạp chí phải xây dựng được “thị trường ngách” cho mình, bởi vì, các vấn đề mang tính địa phương cũng có thể là nguồn tri thức quý giá cho toàn nhân loại. Đó cũng là triết lý “tư duy toàn cầu, hành động địa phương” để đưa một tạp chí mới nổi thành một tạp chí đẳng cấp quốc tế.
ốc tế. Một cách tiếp cận hiệu quả khác để nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học đạt chuẩn quốc tế là hợp tác với các nhà xuất bản lớn trên thế giới. Trong mô hình hợp tác này, cơ sở nghiên cứu sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng, bản quyền của ấn phẩm khoa học, trong khi đó nhà xuất bản sẽ thực hiện việc công bố thông qua công tác xuất bản. Để xây dựng một hệ CSDL mạnh, đạt chuẩn quốc tế, các trường đại học, viện nghiên cứu thường hợp tác với các nhà xuất bản uy tín trên thế giới như Springer, Elsevier… Sự hợp tác này giúp các cơ sở nghiên cứu sử dụng hạ tầng công nghệ thông tin và quy trình bình duyệt, phản biện dưới sự hỗ trợ của chuyên gia khoa học và quản trị hệ thống của các nhà xuất bản.
Điểm sáng và con đường phía trước đối với các tạp chí khoa học Việt Nam
Ở Việt Nam, có thể thấy, một số cơ sở nghiên cứu đang linh hoạt chọn cho mình chiến lược phù hợp để nhanh chóng đưa các tạp chí khoa học đạt chuẩn mực quốc tế, được chọn vào những CSDL hàng đầu thế giới. Một số tạp chí khoa học của Việt Nam đang lựa chọn con đường phát triển của mình theo cách thứ hai như đề cập ở trên, đó là hợp tác với những nhà xuất bản lớn trên thế giới. Có thể thấy thành công từ mô hình hợp tác này như: Journal of Science: Advanced Materials and Devices (AMD) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội hợp tác với Elsevier, Advanced in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam hợp tác với IOP...
Cùng với việc gia tăng các tạp chí tham gia vào hệ thống CSDL khoa học quốc tế, Việt Nam cũng đã xây dựng và phát triển những CSDL học thuật ngày càng có chất lượng, phục vụ tích cực các tiêu chuẩn thúc đẩy nền khoa học. Cụ thể, Vietnam Citation Index - VCI là CSDL tạp chí khoa học thuộc Hội đồng Giáo sư Nhà nước. VCI sẽ bao gồm các sản phẩm như tiêu chuẩn VCI (tiêu chuẩn tối thiểu) cho các tạp chí khoa học của Việt Nam, chỉ số ảnh hưởng VCI, CSDL các đề mục và tóm tắt các bài báo thuộc các tạp chí đạt chuẩn VCI để phục vụ cho tham khảo và trích dẫn. VCI nói chung, tiêu chuẩn VCI và VCI-IF nói riêng sẽ làm cơ sở cho việc đánh giá và xếp hạng chất lượng các tạp chí khoa học của Việt Nam.
Mặc dù có sự phát triển cả về lượng và chất, nhưng hệ thống xuất bản khoa học, cụ thể là các tạp chí khoa học trong nước hiện nay còn nhiều tồn tại. Hiện có rất ít tạp chí đạt chuẩn mực quốc tế. Trong CSDL của Web of Science thì với SCIE mới chỉ có 1 tạp chí, trong ESCI có 6 tạp chí, scopus có 18 tạp chí, CSDL của ACI có 20 tạp chí của Việt Nam.
Thực tế cho thấy, chất lượng nhiều tạp chí chuyên ngành chưa cao vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có quy trình quản lý xuất bản chưa chặt chẽ. Nhiều tạp chí chưa xây dựng một quy trình kiểm soát chất lượng đảm bảo tính khách quan, minh bạch theo những chuẩn mực tiên tiến. Rất ít tạp chí thiết lập được hệ thống thu nhận, xử lý, phản biện và xuất bản trực tuyến đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác khiến chất lượng xuất bản khoa học chưa cao là xây dựng đội ngũ chuyên gia phản biện chất lượng chưa tốt, chưa ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quy trình quản lý xuất bản.
Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả PGS.TS Trương Vũ Bằng Giang - Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội.
ntptuong
Tạp chí KH&CN VN, số 06 năm 2021 (trang 31-34)