SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ và những dấu ấn của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch AWGIPC

[23/07/2021 08:11]

Trong thời gian qua, hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ (SHTT) đã không ngừng phát triển, mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, trong 2 năm (3/2019-3/2021) với vai trò Chủ tịch Nhóm công tác về hợp tác SHTT các nước ASEAN (AWGIPC), Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể và để lại dấu ấn rõ nét trong thúc đẩy hợp tác nội khối và ngoại khối của ASEAN về SHTT. Dưới sự chủ trì, điều phối của Việt Nam, AWGIPC đã rất linh hoạt, chủ động chuyển đổi phương thức tổ chức hội nghị, hoạt động hợp tác từ trực tiếp sang trực tuyến nhằm thích ứng với tác động của đại dịch COVID-19; duy trì tiến độ triển khai Kế hoạch hành động ASEAN về SHTT giai đoạn 2016-2025…, góp phần quan trọng vào thành công chung của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020; khẳng định vị thế và sự “hội nhập sâu” của nước ta trong hợp tác quốc tế về SHTT.

Sự tham gia của Việt Nam trong AWGIPC

Việt Nam (đại diện là Cục SHTT) bắt đầu tham gia các hoạt động của AWGIPC từ những ngày đầu thành lập. Từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác về SHTT của ASEAN. Cụ thể:

- Tham gia các cuộc họp của AWGIPC cũng như các cuộc họp đối thoại giữa AWGIPC và các đối tác của ASEAN về SHTT như WIPO, EU, Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO)…

- Phối hợp với các nước ASEAN từng bước thực hiện kế hoạch triển khai Chương trình hành động ASEAN về SHTT của các giai đoạn, tích cực triển khai các sáng kiến mà Việt Nam chủ trì và đồng chủ trì với các nước ASEAN khác.

- Phối hợp với các nước ASEAN đàm phán, ký kết và triển khai các FTAs/RTAs.

- Tích cực triển khai các hoạt động hợp tác giữa ASEAN và các đối tác.

- Đăng cai tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng của ASEAN, gồm các cuộc họp của AWGIPC và các hội thảo khu vực ASEAN về SHTT.

- Cử cán bộ tham dự các hội nghị, hội thảo và các chương trình đào tạo về SHTT do ASEAN phối hợp với các đối tác tổ chức.

Các hoạt động nêu trên đã mang lại cho Việt Nam một số lợi ích nhất định, như:

- Với tinh thần cầu thị, Việt Nam đã học hỏi và rút ra được nhiều kinh nghiệm trong công tác hội nhập quốc tế; đồng thời, tích cực, chủ động tham gia các hoạt động hội nhập về SHTT trong khuôn khổ ASEAN, từng bước khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực.

- Góp phần hoàn thiện hệ thống SHTT của Việt Nam và các nước trong khu vực, qua đó tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và ASEAN.

 - Có cơ hội chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm của các nước về quản lý và thực thi quyền SHTT; nắm bắt và cập nhật thông tin về các xu hướng phát triển của hệ thống SHTT thế giới.

- Tranh thủ và khai thác một cách hiệu quả sự trợ giúp của các đối tác nước ngoài, góp phần quan trọng vào sự phát triển hệ thống SHTT của Việt Nam, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực thông tin SHTT, nâng cao hiểu biết của công chúng về SHTT.

- Khai thác các khả năng hợp tác song phương với một số nước khác về SHTT. Tuy nhiên, tính chủ động của Việt Nam trong các hoạt động khu vực còn chưa cao. Tính đến cuối năm 2018, Việt Nam chưa đảm nhiệm vị trí Chủ tịch AWGIPC lần nào.

Dấu ấn của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch AWGIPC

Được sự ủng hộ của các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN, Việt Nam đã thực hiện tốt trọng trách Chủ tịch AWGIPC trong nhiệm kỳ của mình, chủ động, tích cực điều phối hoạt động của AWGIPC vượt qua khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra nhằm triển khai các hoạt động hợp tác ASEAN về SHTT theo đúng lộ trình và các mục tiêu đề ra. Việt Nam đã chủ trì và đồng chủ trì thành công tất cả các sự kiện trực tiếp và trực tuyến của AWGIPC, gồm:

- Các cuộc họp của AWGIPC: AWGIPC 59 (Solo, Indonesia, tháng 7/2019); AWGIPC 60 (Baguio, Philippines, tháng 11/2019), Cuộc họp đặc biệt của AWGIPC (tháng 7/2020); AWGIPC 61 (tháng 9/2020); AWGIPC 62 (tháng 11/2020) và AWGIPC 63 (tháng 3/2021).

- Gần 40 cuộc họp trực tiếp và trực tuyến khác, bao gồm: i) Các cuộc họp cấp Lãnh đạo Cơ quan SHTT các nước ASEAN và Lãnh đạo một số Cơ quan SHTT đã có cơ chế họp cấp cao về SHTT như Cơ quan SHTT Trung Quốc (CNIPA), JPO, Cơ quan SHTT Hàn Quốc (KIPO), Cơ quan SHTT châu Âu (EUIPO); ii) Phiên họp chia sẻ thông tin về các biện pháp ứng phó với đại dịch COVID-19 trong cung cấp dịch vụ về SHTT giữa các thành viên ASEAN và các đối tác của ASEAN; iii) Cuộc họp của Tiểu ban SHTT Hiệp định thương mại ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA); iv) Các cuộc họp đối thoại giữa AWGIPC và các đối tác trong lĩnh vực SHTT như Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO), EUIPO, USPTO, WIPO, Cơ quan SHTT Vương quốc Anh (UKIPO), Hiệp hội Nhãn hiệu quốc tế (INTA), Hiệp hội SHTT ASEAN (AIPA)…

Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả Vũ Thị Thúy Liên - Phòng Hợp tác quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ.

ntptuong

Tạp chí KH&CN VN, số 06 năm 2021 (trang 35-38)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ