SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ứng dụng BIM cho công trình hạ tầng kỹ thuật tại Việt Nam

[25/07/2021 16:10]

Mô hình thông tin công trình (Building Information Modeling - BIM) đang là xu hướng công nghệ tất yếu của ngành xây dựng trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Việc ứng dụng BIM giúp tăng năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả công việc, góp phần giảm thiểu chất thải xây dựng và được đánh giá là công nghệ mũi nhọn của ngành xây dựng nhằm phát triển hạ tầng số, nền tảng số thuộc Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6/2020.

Ứng dụng BIM cho công trình hạ tầng

Đối với chủ đầu tư: BIM cung cấp cái nhìn trực quan hỗ trợ trong quá trình lựa chọn phương án đầu tư, thiết kế, kế hoạch vốn; giúp chủ đầu tư dễ dàng trong việc xem xét và ra quyết định thông qua các thông tin được tích hợp sẵn trong mô hình. Việc áp dụng BIM giúp giảm thiểu thời gian ngừng chờ xử lý xung đột ngoài ý muốn (xuất phát từ lỗi thiết kế hoặc từ việc không phù hợp giữa thiết kế và thi công).

Đối với đơn vị thiết kế: BIM giúp tăng chất lượng thiết kế, giảm đáng kể mâu thuẫn giữa thiết kế tại văn phòng và thi công ngoài hiện trường. Các thiết kế thực hiện thông qua BIM khi có điều chỉnh, thông tin thay đổi sẽ hiển thị trên đối tượng đó ở bộ phận thiết kế khác. Với việc sử dụng mô hình thông tin 3D, kèm theo tích hợp phần mềm đo bóc khối lượng sẽ giúp cho công đoạn này được thực hiện một cách tự động, từ đó giảm chi phí xây dựng công trình.

Đối với đơn vị quản lý dự án: BIM cung cấp công cụ để lên kế hoạch toàn diện và nâng cao khả năng điều hành, quản lý đối với cả vòng đời dự án ở trình độ công nghệ tiên tiến. BIM cung cấp cho ban quản lý dự án một mô hình trực quan, cùng với các yếu tố tích hợp như tiến độ thi công, giúp quản lý thực hiện công việc dễ dàng và có sự chuẩn bị tốt về huy động nguồn vốn.

Đối với nhà thầu thi công, lắp đặt thiết bị: sử dụng mô hình BIM giúp các nhà thầu xây lắp hạn chế sai sót trong việc triển khai bản vẽ thiết kế đến thi công, giúp phát hiện và lường trước các khó khăn trong quá trình thi công ngay từ giai đoạn tiếp cận hồ sơ thiết kế.

Đối với đơn vị quản lý, vận hành công trình: BIM giúp đơn giản hóa việc bàn giao thông tin liên quan tới thiết bị công trình, tập hợp thông tin về vật liệu lắp đặt và bảo trì cho toàn bộ hệ thống công trình. Các thông tin này có thể được liên kết tới đối tượng trong mô hình công trình, giúp cung cấp nguồn thông tin chính xác và quan trọng cho việc quản lý và vận hành công trình.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng: các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý đô thị có được cái nhìn tổng quát, cụ thể về sự phù hợp của quy hoạch, kiến trúc công trình…, giúp quá trình xét duyệt quy hoạch, phương án kiến trúc, cấp phép xây dựng… được nhanh chóng và chính xác hơn.

Thực tế triển khai tại Việt Nam

Tại Việt Nam, những năm gần đây, đã có một số chủ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là cầu và đường cao tốc thực hiện ứng dụng BIM. Điển hình như tại dự án đầu tư xây dựng trụ sở Viettel tại Hà Nội, chủ đầu tư đã áp dụng một số ứng dụng BIM vào quá trình thực hiện công trình như Design review, 3D Coordination, Shop Drawing (triển khai và xuất bản vẽ chi tiết thi công sau phối hợp trực tiếp trên phần mềm Revit); Asset/Space Management trong thu thập thông tin tài sản và không gian theo chuẩn COBIE (tiêu chuẩn quốc tế về việc quản lý thông tin tài sản)…; đồng thời ứng dụng quản lý cơ sở trong quy trình cập nhật và nghiệm thu dữ liệu phục vụ quản lý vận hành; QR code mã tài sản; BIM 360 docs (CDE) cho giải pháp quản lý thông tin và dữ liệu tập trung (online hosting)…

Giải pháp thúc đẩy ứng dụng BIM

Một là, hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn BIM. Để việc triển khai công nghệ BIM được rộng rãi không những cần sự đầu tư thích đáng từ phía doanh nghiệp mà còn cần sự khuyến khích hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tạo ra các hành lang pháp lý, tài liệu hướng dẫn; khuyến khích hướng tới bắt buộc áp dụng trong các dự án công. Về lâu dài, cần thúc đẩy ứng dụng BIM cho các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật bằng cách đề ra các định hướng, bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt khi áp dụng BIM trong thiết kế, thi công, quản lý, vận hành công trình.

Hai là, xây dựng khung chương trình đào tạo, cấp chứng chỉ BIM cho những đối tượng thuộc các bên liên quan của dự án và sinh viên đang theo học ngành xây dựng có nhu cầu. Cần đề xuất yêu cầu về tiêu chí nhân sự cho các vị trí công việc yêu cầu năng lực BIM; tổ chức đào tạo rộng rãi về BIM trong các cơ sở đào tạo đủ điều kiện, năng lực. Đặc biệt, cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các đối tượng gồm nhà quản lý cao cấp trong cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư; các đầu mối phụ trách về BIM trong ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn, quản lý dự án; cán bộ của các đơn vị tư vấn và nhà thầu…

Ba là, cần phải đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về BIM thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề áp dụng BIM nhằm giới thiệu, nâng cao nhận thức về BIM, trách nhiệm của các bên liên quan trong dự án. So với cách thức thiết kế truyền thống, công nghệ BIM cho năng suất vượt trội với độ chính xác cao, việc giảm sai sót ngay từ khâu thiết kế đảm bảo việc thi công tại công trường được chính xác, đúng tiến độ. Việc ứng dụng công nghệ BIM còn vượt ra ngoài phạm vi công tác thiết kế, trong quản lý xây dựng và vận hành công trình. Tại các nước phát triển, chính phủ hỗ trợ ngân sách và khuyến khích việc ứng dụng công nghệ BIM để giảm giá thành xây dựng và tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững.

Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả Ngô Thanh Thủy, Huỳnh Xuân Tín - Trường Đại học Giao thông Vận tải Phân hiệu tại TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Quốc Chương, Đỗ Minh Truyền, Bùi Hoàng Đạt -  Công ty TNHH Kỹ thuật và Công nghệ V7.

ntptuong

Tạp chí KH&CN VN, số 06 năm 2021 (trang 25-27)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ