SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hoàn thiện thể chế cho hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp

[25/07/2021 16:19]

Với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 Việt Nam đang hướng tới trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam không còn lựa chọn nào khác là phải huy động được sự đóng góp nhiều hơn nữa của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST), đặc biệt là hoạt động ĐMST trong doanh nghiệp. Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp quy, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động ĐMST trong doanh nghiệp. Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng năng lực ĐMST nhìn chung còn yếu. Nguyên nhân chủ quan là chủ trương, chính sách phát triển kinh tế sáng tạo chưa được thể hiện rõ nét, chưa có chiến lược tổng thể và liên tục trong giai đoạn đủ dài, chưa có cách tiếp cận phù hợp. Để giải quyết các vấn đề nêu trên, bài viết kiến nghị một số giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế cho hoạt động ĐMST của doanh nghiệp trên các phương diện: mô hình kinh doanh mới, môi trường kinh doanh, thực thi quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Đối với các mô hình kinh doanh mới

Cần sớm ban hành các nghị định để hướng dẫn các luật liên quan đến hoạt động kinh doanh vừa mới được sửa đổi như các luật: Quản lý thuế (sửa đổi năm 2019), Đầu tư (sửa đổi năm 2020), Doanh nghiệp (sửa đổi năm 2020) để sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý mang tính nền tảng cho sản xuất, kinh doanh.

Tăng cường sự hỗ trợ của Nhà nước: thứ nhất, nên đánh giá và sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng bổ sung thêm một số mô hình kinh doanh mới được ưu đãi thuế; đồng thời giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cho mô hình kinh doanh mới (từ 10 xuống 5%); thứ hai, thực hiện có hiệu quả các nội dung trong Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ (tại Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019) như sớm sửa Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa, Bộ luật Hàng hải theo hướng bổ sung các loại hình vận tải kết nối theo mô hình kinh tế chia sẻ; thứ ba, tăng cường hỗ trợ để phát huy vai trò của Trung tâm ĐMST quốc gia (tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 2/10/2019) để Trung tâm thực hiện đúng sứ mệnh của mình là hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.

Đối với môi trường kinh doanh

Tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo Nghị quyết số 02/NQ-CP (trước đây là Nghị quyết số 19/NQ-CP) theo hướng:

Một là, về hình thức thực hiện, không nên thực hiện hàng năm mà nên theo giai đoạn dài. Chính phủ nên ban hành riêng một nghị quyết về vấn đề này cho giai đoạn 2021-2025. Thực hiện theo giai đoạn dài sẽ phù hợp hơn bởi vì phần lớn các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính hiện nay không rõ nét, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Hai là, về nội dung thực hiện, không nên thực hiện dàn trải mà phải làm tập trung, trọng điểm. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện tất cả các lĩnh vực có liên quan đến doanh nghiệp, từ khởi sự kinh doanh đến phá sản. Giai đoạn 2021-2025, cần tập trung vào 5 lĩnh vực đang chậm được cải thiện, gồm: cấp phép xây dựng, đăng ký quyền sở hữu, giao dịch thương mại qua biên giới, giải quyết tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản.

Đối với thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Các bộ, ngành sớm tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ đã được phân công có liên quan đến sở hữu trí tuệ trong Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 3/10/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện tốt các nội dung trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi các năm 2009, 2019 và các nội dung trong Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 (tại Quyết định số 1068/QĐTTg ngày 22/8/2019). Trong đó có một số nội dung quan trọng như rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật liên quan, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động sáng tạo, bảo hộ khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa các chủ thể trong xã hội, ngăn chặn hiệu quả việc lạm dụng quyền sở hữu trí tuệ; hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến giao dịch tài sản trí tuệ (góp vốn, giao dịch bảo đảm, định giá, kế toán, kiểm toán) để thúc đẩy khai thác tài sản trí tuệ tạo ra từ các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước; kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ theo hướng kiến tạo và hiệu quả; chủ động phát hiện, phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm về sở hữu trí tuệ, nâng cao hiệu quả công tác điều tra các vụ án hình sự về sở hữu trí tuệ.

Đối với phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Sớm tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 để xây dựng Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2030. Trong đó, tập trung cho giải pháp về phát triển thị trường khoa học và công nghệ như hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các sản phẩm khoa học và công nghệ trong nước và nước ngoài được trao đổi, mua bán trên thị trường; Nhà nước đầu tư xây dựng một số trung tâm dịch vụ khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ làm nòng cốt cho hệ thống tổ chức dịch vụ môi giới, chuyển giao, tư vấn, đánh giá, định giá, thẩm định, giám định công nghệ. Trong giai đoạn tới, cần nghiên cứu sửa đổi Luật Thuế xuất nhập khẩu theo hướng giảm thuế, giảm điều kiện kinh doanh để thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả Hoàng Văn Cương - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương , Đinh Hải Hà - Trường Đại học Villanova (Hoa Kỳ), Nguyễn Xuân Toản - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp.

ntptuong

Tạp chí KH&CN VN, số 03 năm 2021 (trang 14-15)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ