Định vị tổ chức trung gian của thị trường KH&CN trong quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo
Sự nỗ lực của bên cung trong việc đưa hàng hóa khoa học và công nghệ (KH&CN) tới bên cầu và việc cố gắng tìm kiếm, lựa chọn của bên cầu về tiếp nhận, ứng dụng hàng hóa KH&CN thích hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh là những hoạt động thiết yếu nhưng chưa đủ để mang lại giá trị gia tăng cao. Lý do là bởi hàng hóa KH&CN có tính phức tạp, đặc thù và điều này dẫn tới sự hình thành, phát triển các tổ chức trung gian đủ mạnh của thị trường KH&CN để hỗ trợ thương mại hóa, kết nối cầu - cung. Bài viết làm rõ sự cần thiết phải khẳng định vị trí, tầm quan trọng của tổ chức trung gian của thị trường KH&CN trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang đẩy nhanh việc hoàn thiện chức năng, phương thức quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo, theo hướng chuyển hóa “tri thức” thành “giá trị kinh tế” thay vì tập trung nhiều vào quá trình tạo ra tri thức và lan tỏa tri thức như hiện nay.
Sự cần thiết phải hình thành, phát triển tổ chức trung gian đủ mạnh, có tính dẫn dắt của thị trường KH&CN
Tại Việt Nam, các tổ chức trung gian trong thời gian qua được hình thành, vận hành và phát triển dưới dạng: sàn giao dịch công nghệ; trung tâm giao dịch công nghệ; trung tâm xúc tiến và hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ; trung tâm hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ; trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo; cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN (Thông tư số 16/2014/TT-BKHCN). Theo Luật Chuyển giao công nghệ (2017) thì có 6 loại hình dịch vụ chuyển giao công nghệ (không quy định tên gọi, hình thức, mô hình trung gian), gồm: môi giới chuyển giao công nghệ; tư vấn chuyển giao công nghệ; đánh giá công nghệ; thẩm định giá công nghệ; giám định công nghệ; xúc tiến chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, việc thành lập tổ chức trung gian còn được quy định tại Khoản 1 Điều 47 Nghị định 08/2014/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KH&CN (2013). Còn các loại hình trung gian khác được thành lập theo quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng… Như vậy, tổ chức trung gian rất đa dạng, phong phú, hoạt động độc lập, đơn lẻ, được tiếp cận theo nhiều cách khác nhau, nên chưa thực sự làm nổi bật được mô hình hoạt động, tính liên kết, liên thông trong việc cung cấp dịch vụ kết nối chuyên nghiệp, hỗ trợ bên cung, bên cầu và các bên liên quan tiến tới giao dịch thành công.
Thực tế cho thấy, giao dịch thành công là một mục tiêu quan trọng nhất của thị trường KH&CN, điều này được khẳng định trong Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020. Theo Đặng Thu Hương và cộng sự (2019), trong giai đoạn từ 2012 đến 2018, tăng trưởng trung bình của giá trị giao dịch công nghệ toàn nền kinh tế đạt 20,9%, riêng ngành chế biến chế tạo đạt 19%, ngành điện, điện tử, máy tính có mức tăng trưởng giá trị giao dịch cao nhất, đạt 32%. Với 37.085 quan sát từ Tổng cục Thống kê, Nguyễn Khắc Minh và cộng sự (2019) đã xác định giá trị giao dịch công nghệ trung bình trên mỗi doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo giai đoạn 2012- 2018 đạt gần 1,345 triệu đồng/ doanh nghiệp/năm, trong đó tỷ lệ chi phí giao dịch công nghệ nước ngoài so với giao dịch công nghệ trong nước có xu hướng tăng, nhưng chủ yếu là các giao dịch về máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ (khoảng 90%). Các giao dịch công nghệ có nguồn từ nước ngoài chiếm khoảng 70%.
Các công nghệ giao dịch có nguồn gốc trong nước (30%) thì chủ yếu công nghệ được tạo ra từ doanh nghiệp (khoảng 80%), còn 20% đến từ các trường đại học/trung tâm công nghệ/viện nghiên cứu (có nghĩa chỉ chiếm 6% tổng giao dịch trên thị trường trong giai đoạn 2012-2018). Đặc biệt, hình thức giao dịch qua sàn công nghệ/tổ chức trung gian chỉ đạt khoảng 5%; còn lại tới 95% công nghệ được giao dịch trực tiếp giữa bên cung và bên cầu.
Điều này cho thấy, các tổ chức trung gian chưa làm tốt được sứ mệnh của mình trong việc kết nối, hướng tới giao dịch thành công. Một phần do chưa có công cụ thống kê đầy đủ hàng năm. Một phần do chưa đủ tính chuyên nghiệp trong việc hỗ trợ, cung cấp dịch vụ về thông tin, đánh giá, định giá, thẩm định công nghệ, môi giới chuyển giao công nghệ, đồng thời hoạt động còn đơn lẻ, chưa có sự gắn kết chặt chẽ, liên thông giữa các tổ chức trung gian với nhau, năng lực của các tổ chức này còn hạn chế. Bên cạnh đó, các sàn giao dịch công nghệ quốc gia, sàn giao dịch công nghệ và thiết bị, các trung tâm hỗ trợ ứng dụng tiến bộ công nghệ tại các địa phương chưa được đầu tư tương xứng với sứ mệnh là tổ chức trung gian kết nối cung - cầu công nghệ, nên chưa tạo được niềm tin cần thiết đối với cả bên cung và cầu công nghệ. Cùng với đó, các hiệp hội ngành hàng, đại diện thương mại, đại diện ngoại giao trong thời gian qua chưa tham gia sâu vào hoạt động xúc tiến thị trường chuyển giao công nghệ nên chưa phát huy được vai trò trung gian trong việc tư vấn, hỗ trợ các bên trong giao dịch công nghệ.
Định vị tổ chức trung gian của thị trường KH&CN trong quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo theo hướng chuyển hóa “tri thức” thành “giá trị kinh tế”.
Tổ chức trung gian của thị trường KH&CN không những có chức năng cung cấp thông tin, tư vấn, kết nối mà còn có chức năng hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm, hàng hóa KH&CN để hướng tới giá trị giao dịch thành công giữa bên cung và bên cầu cả trước, trong và sau khi giao dịch.
Chính sách phát triển tổ chức trung gian đặt trong mối tương quan trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của thị trường KH&CN. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia không những cung cấp đầu vào cho đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu và triển khai, mà còn hỗ trợ xây dựng năng lực tổ chức, tạo cầu cho đổi mới sáng tạo thông qua việc hình thành thị trường công nghệ mới, sản phẩm mới, yêu cầu mới về chất lượng sản phẩm. Do đó, các thành phần của hệ thống đổi mới sáng tạo cần được hoàn thiện theo hướng hình thành, phát triển các tổ chức chuyên nghiệp, đủ mạnh, hoạt động hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có tổ chức trung gian với vai trò kết nối, thúc đẩy quá trình tạo ra tri thức, ứng dụng và lan tỏa tri thức trong nền kinh tế.
Để tạo ra môi trường, pháp lý thuận lợi cho dòng lưu chuyển tri thức và công nghệ, hoạt động quản lý nhà nước cũng cần có sự thay đổi theo hướng kích cung, tạo cầu, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời không chỉ khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tạo ra tri thức mà còn phải sử dụng hiệu quả tri thức để chuyển hóa tri thức thành giá trị kinh tế, giá trị gia tăng cho xã hội. Điều này có nghĩa là, quản lý nhà nước.
về đổi mới sáng tạo cần sử dụng các công cụ mới, cách thức mới trong hoạt động kích cung (tạo tiền đề, dẫn dắt trong quá trình tạo ra tri thức, công nghệ nội sinh từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức và cá nhân; khuyến khích nhập khẩu tri thức, công nghệ), tạo cầu (kích thích nhu cầu ứng dụng tri thức, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh) và hỗ trợ hình thành, phát triển các tổ chức có chức năng trung gian trong việc kết nối cung cầu, đưa tri thức, công nghệ vào thực tiễn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả phát triển của nền kinh tế. Để làm tốt vai trò trung gian của mình trong quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo, các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN trong thời gian tới cần định vị lại theo hướng:
Thứ nhất, hình thành và phát triển một số tổ chức trung gian có vai trò đầu mối, dẫn dắt trong mạng lưới đổi mới sáng tạo, có khả năng liên kết, liên thông, thu thập, chia sẻ, xử lý thông tin để cung cấp các dịch vụ có tính hệ thống theo chuỗi giá trị (từ việc cung cấp thông tin tới hỗ trợ giao dịch và sau hỗ trợ giao dịch thành công) để hỗ trợ hiệu quả cho việc môi giới, chuyển giao tri thức, công nghệ có giá trị gia tăng cao từ khu vực nghiên cứu, đào tạo sang khu vực sản xuất, kinh doanh.
Thứ hai, chuyên nghiệp hóa việc kết nối, cung cấp dịch vụ của tổ chức trung gian đang hoạt động, nâng cao hiệu quả của hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, đáp ứng yêu cầu về giảm thiểu chi phí giao dịch và minh bạch các thông tin về hàng hóa và dịch vụ được giao dịch, mua bán, chuyển giao trên thị trường KH&CN.
Thứ ba, tổ chức trung gian cần đặt trong bối cảnh của quá trình phát triển thị trường KH&CN. Việc phát triển của thị trường KH&CN không chỉ đòi hỏi về sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, năng lực của tổ chức trung gian, mà còn có sự sẵn sàng về nguồn cung (trong và ngoài nước) công nghệ, nhu cầu ứng dụng, khả năng tiếp nhận, hấp thụ, thích nghi, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp.
Ngoài ra, các tổ chức trung gian dẫn dắt cần phát huy vai trò kết nối, tập hợp thông tin, kiến thức, chia sẻ, xử lý thông tin để giải quyết các vấn đề cụ thể trong chuyển giao, tiếp nhận hàng hóa KH&CN; dẫn dắt, liên kết và định hình các mối quan hệ có tính mạng lưới trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Cùng với đó là từng bước số hóa, liên thông với các tổ chức trung gian thuộc các bộ, ngành từ trung ương tới địa phương; đẩy mạnh việc hỗ trợ online về pháp lý, hình thức chuyển giao, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ về dự báo, tiêu chuẩn hóa và các nội dung liên quan về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thương mại hóa sản phẩm KH&CN; đánh giá, thẩm định công nghệ để hỗ trợ tốt hơn cho bên cung, bên cầu trong toàn bộ quá trình giao dịch.
Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả Phạm Đức Nghiệm - Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, Tạ Bá Hưng - Ban chủ nhiệm Chương trình phát triển thị trường KH&CN , Nguyễn Hữu Xuyên - Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ.
ntptuong
Tạp chí KH&CN VN, số 06 năm 2021 (trang 10-13)