Một số đặc điểm sinh học sinh sản của ốc bươu đồng (Pila polita) phân bố ở Đồng bằng sông Cửu Long
Ốc bươu đồng (Pila polita) là 1 trong 5 loài thuộc họ ốc Ampullariidae hiện phân bố ở Việt Nam. Ốc bươu đồng là một loài thân mềm có giá trị kinh tế do thịt thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng, thành phần dinh dưỡng có trong 100 g ốc bươu đồng bao gồm: 84 kcal năng lượng; 11,1 g chất đạm; 0,7 g chất béo; 8,3 g chất bột đường; 1310 mg calcium; 64 mg photpho; 1 số loại vitamin (B1, B2, PP,...) và nhiều amino acid cần thiết cho cơ thể như lysine, methionine, phenylalanine, valine, leucine, isoleucine, threonine và tryptophan.
Ảnh: Internet
Ốc bươu đồng là loài ốc bản địa sinh sống từ lâu đời ở thủy vực nước ngọt (chủ yếu là ở ao và mương vườn) vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, nguồn lợi ốc bươu đồng trong tự nhiên ngày càng suy giảm do nhiều nguyên nhân có thể là khai thác quá mức, môi trường ngày càng ô nhiễm, sử dụng hóa chất trong nông nghiệp. Do đó,nghiên cứu về đặc điểm sinh học sinh sản của ốc bươu đồng ở Đồng bằng sông Cửu Long được thực hiện nhằm khảo sát một số đặc điểm về sinh sản của ốc bươu đồng, phục vụ cho những nghiên cứu về sản xuất giống đối tượng nuôi thủy sản này và các vấn đề có liên quan khác.
Nghiên cứu đặc điểm sinh học sinh sản của ốc bươu đồng (Pila polita) được thực hiện với việc phân tích trên 5152 mẫu ốc bươu đồng (ốc cái: 2513 mẫu; ốc đực: 2639 mẫu) thu từ tháng 11 năm 2016 đến tháng 10 năm 2017, tại các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long và Hậu Giang thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các kết quả cho thấy khối lượng, chiều cao và chiều rộng của ốc tăng dần theo sự gia tăng kích thước. Tương quan giữa chiều cao và khối lượng tổng của ốc bươu đồng có dạng phương trình hồi quy, ốc cái là W = 0,0008*H2,6399 (R2 = 0,9078) và ốc đực là W = 0,0008*H2,6404 (R2 = 0,9033). Hệ số điều kiện biến động từ 0,00075 - 0,00098 g/mm. Vào mùa mưa, hệ số độ béo ở ốc bươu đồng cao hơn so với mùa khô. Trái lại, vào mùa mưa chỉ số thể trạng ở ốc bươu đồng thấp hơn so với mùa khô. Trong khi đó tỉ lệ nước trong cơ thể ốc không có sự thay đổi lớn theo mùa. Hệ số độ béo tăng dần đến nhóm kích thước 46 - 50 mm-đực và 50 -55 mm-cái, sau đó giảm dần đến nhóm kích thước >65 mm ở cả hai nhóm giới tính. Ốc bươu đồng cái ngoài tự nhiên có hệ số độ béo cao hơn ốc bươu đồng đực.
nhnhanh
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 56, Số 2B (2020)