Hiệu quả các mô hình trồng xoài ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La
Nghiên cứu này nhằm đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của các mô hình trồng xoài ứng dụng công nghệ cao (CNC) trên địa bàn huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.
Nông nghiệp là một trong những ngành sản xuất quan trọng ở huyện Yên Châu. Năm 2018, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) đạt 1.063 tỷ đồng, chiếm 31,6% tổng giá trị sản xuất toàn huyện. Xoài là cây trồng truyền thống và chủ lực của huyện Yên Châu. Diện tích trồng xoài của huyện tính đến tháng 10/2020 là 2.830ha, chiếm 28% tổng diện tích trồng cây ăn quả toàn huyện. Đã có một số nghiên cứu về hiệu quả trồng cây ăn quả trên đất dốc và hiệu quả trồng xoài như đánh giá hiệu quả tài chính giữa hai mô hình canh tác xoài truyền thống và theo quy trình VietGap, hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả phân phối, hiệu quả chi phí trồng xoài. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào thực hiện trên địa bàn huyện Yên Châu và chưa có nghiên cứu nào đánh giá toàn diện hiệu quả của các mô hình trồng xoài ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, nghiên cứu này nhằm đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của các mô hình trồng xoài ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.
Ảnh minh họa
Tiêu chí đánh giá hiệu quả các mô hình trồng xoài được tổng hợp dựa trên các nghiên cứu có liên quan. Hiệu quả kinh tế được phản ánh bằng một số chỉ tiêu như chi phí, năng suất, giá bán, doanh thu, thu nhập hỗn hợp, hiệu quả đồng vốn. Hiệu quả xã hội được phản ánh bởi việc nâng cao trình độ và kỹ năng sản xuất của hộ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân; cải thiện vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm. Trong đó, chỉ tiêu an toàn thực phẩm được phản ánh bởi dư lượng thuốc trừ sâu và chất hóa học bảo vệ thực vật, phân bón nông nghiệp, quy trình chế biến, bảo quản, bày bán sản phẩm.
Nghiên cứu sử dụng phương pháp thống kê mô tả và thống kê so sánh, phương pháp đánh giá hiệu quả kinh tế và phương pháp cho điểm để phân tích hiệu quả của các mô hình trồng xoài dựa trên việc điều tra 60 hộ trồng xoài.
Kết quả nghiên cứu cho thấy các mô hình trồng xoài ứng dụng CNC đều mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường cao hơn mô hình canh tác truyền thống, đặc biệt là mô hình áp dụng đồng thời nhiều loại CNC. Về mặt kinh tế, các mô hình trồng xoài ứng dụng CNC cho năng suất, doanh thu, thu nhập hỗn hợp và hiệu quả đồng vốn cao hơn mô hình trồng truyền thống. Về mặt xã hội, việc ứng dụng công nghệ cao trong trồng xoài giúp nâng cao trình độ và kỹ năng sản xuất của nông dân, tạo việc làm và tăng thu nhập cho các hộ sản xuất, tăng mức độ an toàn thực phẩm của sản phẩm xoài. Về mặt môi trường, trồng xoài ứng dụng CNC giúp giảm thiểu việc sử dụng một số yếu tố đầu vào gây ảnh hưởng xấu tới môi trường như thuốc BVTV, nước và điện. Các mô hình này cũng góp phần bảo vệ môi trường đất.
Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam