Lạm bàn về mạng lưới tổ chức KH&CN
Ngày 26/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg về việc phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) công lập giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về định hướng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Là một nhà khoa học, nhà quản lý lâu năm, thông qua bài viết này, GS.TS Hồ Sĩ Thoảng chia sẻ những trăn trở của mình về hệ thống tổ chức KH&CN công lập - đối tượng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của chính sách trong thời gian tới.
Nhìn lại lịch sử
Hệ thống các tổ chức KH&CN (trước đây gọi là khoa học kỹ thuật) được hình thành khá sớm và ngay từ đầu nó đã mang tính phân tán. Ngoài các trường đại học, các tổ chức tiền thân của Viện Hàn lâm KH&CN và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, hầu như ở tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, tổng cục và cả ở những tổ chức chính trị - xã hội đều hình thành các viện nghiên cứu theo mô hình các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là mô hình Liên Xô cũ. Theo thời gian, số lượng các viện nghiên cứu ngày càng tăng, nhưng về cơ bản vẫn theo mô hình đó. Thực ra, mô hình tổ chức mạng lưới KH&CN ở các quốc gia khác nhau trên thế giới rất khác nhau, về bản chất nó phải phù hợp với mô hình kinh tế của quốc gia đó. Vì vậy, không thể khẳng định mô hình nào tốt hơn mô hình nào. Nếu nhìn ra những nước mà phần đông các nhà quản lý và nhà nghiên cứu Việt Nam có am hiểu thì ai cũng phải thừa nhận là rất đa dạng. Hoa Kỳ có mô hình rất đặc thù, hầu như không có tổ chức KH&CN công lập; các cường quốc kinh tế khác cũng tổ chức không giống nhau và cũng được điều chỉnh theo sự phát triển kinh tế - xã hội của từng quốc gia. Vì vậy, chúng ta chỉ có thể học hỏi các mô hình đó, chứ không thể học theo mô hình nào nhất định. Nhưng đó cũng là điều không đơn giản.
Trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, những bước đi trong đổi mới về tổ chức hoạt động nghiên cứu đã đưa đến những thành quả rất ấn tượng, nâng cao uy tín của nền khoa học Việt Nam, tạo môi trường thuận lợi và hứng khởi cho các nhà khoa học tâm huyết.
Trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng và triển khai, việc chuyển một số tổ chức nghiên cứu về các tập đoàn kinh tế và tổng công ty là một bước đi hợp lý, tạo nên sự gắn bó giữa nghiên cứu và sản xuất.
Trong những năm gần đây, nhiều tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập các viện và trung tâm nghiên cứu để phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức KH&CN tư nhân cũng được hình thành cả ở cấp quốc gia cũng như cấp địa phương. Có lẽ đây là bước đi tự nhiên theo quy luật “có cầu thì có cung”, mặc dù có thể cần có những điều chỉnh để nâng cao hiệu quả cả ở tầm địa phương và tầm quốc gia như tinh thần của Quyết định 279/QĐ-TTg.
Những bước đi nên theo đuổi
Trước hết, nên tập trung vào việc tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý. Đối với các tổ chức KH&CN mà chức năng chính là nghiên cứu cơ bản như Viện Hàn lâm và các trường đại học, tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân bổ nguồn lực tài chính đi đôi với hệ thống đánh giá kết quả nghiên cứu, nâng cao hơn nữa tính cạnh tranh học thuật. Một mặt, khuyến khích mở rộng các lĩnh vực nghiên cứu phù hợp với các hướng phát triển được Bộ KH&CN, thông qua các hội đồng, đề xuất; mặt khác, từng bước mở rộng ngân sách dành cho Quỹ phát triển KH&CN quốc gia (NAFOSTED) và có thể còn những quỹ khác nữa. Đây là sự cạnh tranh lành mạnh nhưng quyết liệt để các cá nhân và tập thể khoa học có chỗ đứng và tồn tại được trong hệ thống khoa học đỉnh cao. Đây cũng là cách quy tụ nhân lực tinh hoa để tiếp tục hình thành những tập thể khoa học mạnh có đủ năng lực theo đuổi những hướng nghiên cứu đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền khoa học nước nhà, đồng thời nâng cao uy tín trên trường quốc tế. Một hiện trạng đáng khích lệ là trong những năm gần đây trong khối các viện nghiên cứu, trường đại học xuất hiện ngày càng nhiều các tổ chức KH&CN thuộc nhiều loại hình khác nhau: nghiên cứu cơ bản, vừa nghiên cứu cơ bản vừa nghiên cứu ứng dụng và triển khai, nửa nghiên cứu nửa sản xuất, doanh nghiệp KH&CN. Với việc thực hiện chủ trương tự chủ - tự chịu trách nhiệm bằng những bước đi thích hợp, hệ thống các tổ chức nghiên cứu ứng dụng, triển khai và sản xuất trong khu vực các viện, các trường sẽ tiếp tục tự hình thành thêm và hoàn thiện một cách tự nhiên và hợp lý mà không cần bất kỳ áp lực nào từ bên ngoài. Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải “may đo” các loại áo khác nhau thích hợp cho những thực thể đó mà không sợ có sức ỳ nội tại.
Đối với các tổ chức nghiên cứu ngoài khu vực “hàn lâm” cũng nên có cách tiếp cận tương tự. Mặc dù sự trùng lặp lĩnh vực nghiên cứu tại các viện và trung tâm ở các bộ, ngành khác nhau là điều dễ nhận thấy, nhưng lại rất khó có thể điều chỉnh bằng mệnh lệnh.
Đối với các tổ chức nghiên cứu trong doanh nghiệp nhà nước, cần thống nhất quan điểm là tổ chức nghiên cứu tồn tại trước hết là để phục vụ cho chính doanh nghiệp đó. Nghĩa là, tổ chức nghiên cứu phải được doanh nghiệp “nuôi” để phục vụ các nhiệm vụ KH&CN của mình.
Tóm lại, mạng lưới các tổ chức KH&CN công lập đang tồn tại, mặc dù còn có những chỗ bất hợp lý, nó vẫn đã và đang được đổi mới một cách căn cơ dưới tác động của những chính sách và cơ chế quản lý. Nếu yêu cầu sắp xếp lại theo một khuôn khổ nào đó (mà chưa biết khuôn khổ nào là tối ưu đối với Việt Nam) là duy ý chí. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, nếu quyết tâm và mạnh dạn tháo gỡ những rào cản bất hợp lý trong quản lý, từng bước trao quyền tự chủ cho các viện, các trường, các doanh nghiệp có tổ chức nghiên cứu, thì mạng lưới các tổ chức KH&CN sẽ tự nhiên tự hợp lý hóa, ngày càng phù hợp với nền kinh tế đang trên đường đổi mới. Đương nhiên, để quá trình hoàn thiện mạng lưới đó được tiến triển thuận lợi, phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế nước nhà, tránh những bước đi không đáng có, không thể thiếu bàn tay của cơ quan quản lý nhà nước với tư cách là bà đỡ và người hướng đạo.
Bài viết được tóm tắt từ bài viết của tác giả GS.TS Hồ Sĩ Thoảng.
ntptuong
Tạp chí KH&CN VN, số 08 năm 2021 (trang 13-15)