SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của các chất điều hòa sinh trưởng trong nhân giống in vitro cây Địa liền (Kaempferia galanga L.)

[14/09/2021 13:58]

Nghiên cứu do nhóm tác giả đến từ Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thực hiện nhằm xác định ảnh hưởng của các chất điều hòa sinh trưởng đến quá trình nhân nhanh in vitro cây dược liệu Địa liền (Kaempferia galanga L.).

Ảnh minh họa: Internet

Cây Địa liền hay còn gọi là sơn nại, tam nại, thiền liền, sa khương có tên khoa học là Kaempferia galanga L., thuộc họ gừng Zingiberaceae được sử dụng như một loại thuốc trong y học cổ truyền trong nhiều thế kỷ. Địa liền có vị cay, tính ôn, vào các kinh tâm, tỳ, vị, có tác dụng ôn trung, tán hàn, trừ thấp, tiêu thực, bạt khí độc (Đỗ Huy Bích & cs., 2004). Địa liền phân bố chủ yếu ở Đông Nam Á và Trung Quốc (Kumar, 2020). Tinh dầu trong thân và rễ cây Địa liền là hợp chất bay hơi, được sử dụng làm gia vị, đồ uống và công nghiệp mỹ phẩm. Nhiều thành phần của cao chiết thân và rễ Địa liền chứa ethyl-p-methoxycinnamate, ethyl cinnamate, 3-carene, camphene, borneol, cineol, kaempferol và kaempferide được báo cáo có các đặc tính sinh học như kháng khuẩn, kháng vi sinh, kháng ung thư, diệt ấu trùng, diệt amip và có các hoạt tính dược lý như giảm căng mạch máu và chống viêm (Shetu & cs., 2018; Yao & cs., 2018; Kumar, 2020). Giá trị của cây Địa liền đã được đông y và y dược hiện đại chứng minh và sử dụng. Chính vì thế, trên thế giới cũng như trong nước, Địa Liền được đánh giá là cây dược liệu quý và có giá trị kinh tế cao.

Ở nước ta, Địa liền thường mọc tự nhiên và được trồng ở một số tỉnh phía Bắc như Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh và ngoại thành Hà Nội. Hiện nay, Địa liền là nguyên liệu ổn định cho các làng nghề thuốc nam như Ninh Hiệp (Hà Nội), Nghĩa Trai (Hưng Yên), Lục Yên (Yên Bái), Mẫu Sơn (Lạng Sơn)... mỗi năm cho thu hoạch hàng nghìn tấn sản phẩm, cung cấp cho ngành dược liệu trong nước và tham gia xuất khẩu. Theo định hướng phát triển cây dược liệu ở nước ta đến năm 2030 của chính phủ, cây Địa liền là một trong 28 cây dược liệu bản địa được chú trọng phát triển ở các vùng quy hoạch trồng cây dược liệu của cả nước (Quyết định 1976/QĐ-TTG, 2013).

Hiện nay, nguồn giống chính của các vùng trồng là củ giống từ vụ trước để lại cho vụ trồng sau. Thực tế này dẫn đến việc tồn trữ và giữ giống hàng năm gặp nhiều khó khăn và rất tốn kém, làm giảm hiệu quả kinh tế. Cho đến nay, việc ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật trong việc nhân giống cây trồng đã đạt được rất nhiều thành tựu và cho hiệu quả ứng dụng cao. Đây được đánh giá là hướng sản xuất được các cây giống sạch bệnh với số lượng lớn, giúp bảo quản và lưu giữ giống tốt mà ít tốn kém hơn, đồng thời chủ động được nguồn giống phục vụ sản xuất ở quy mô lớn. Trên thế giới, đối tượng cây thuốc Địa liền thu thập ở Ấn Độ, Bangladesh cũng đã được nghiên cứu nhân giống in vitro, tái sinh cây từ lá và thân củ, tạo rễ củ trong ống nghiệm (Shirin & cs., 2000; Chithra & cs., 2005; Rahman & cs., 2005; Parida & cs., 2010). Tuy nhiên, đối với nguồn gen bản địa của Việt Nam chưa có nghiên cứu nào được tiến hành. Từ cơ sở khoa học và thực tiễn trên, chúng tôi đã tiến hành đề tài nghiên cứu ảnh hưởng của các chất điều hòa sinh trưởng thực vật trong nhân giống in vitro cây dược liệu Địa liền để phục vụ công tác lưu giữ và nhân giống trong điều kiện in vitro.

Nghiên cứu đã xác định được phương pháp khử trùng bề mặt thích hợp với chồi mầm từ thân củ cây Địa liền thu thập ở Quảng Ninh là sử dụng dung dịch thủy ngân clorua HgCl2 0,1% trong 10 phút. Môi trường tối ưu cho nhân nhanh chồi Địa liền in vitro là môi trường MS có bổ sung BA 2 mg/l, a-NAA 0,5 mg/l và sucrose 30 g/l với hệ số nhân chồi đạt 5,03 chồi/mẫu cấy. Chồi in vitro cây Địa liền vẫn giữ nguyên hệ số nhân chồi và hình thái không bị biến đổi sau 5 lần cấy chuyển liên tiếp trên môi trường nhân nhanh tối ưu. Kết quả của nghiên cứu đã xác định được một đường hướng nhân nhanh Địa liền trong điều kiện in vitro đơn giản, bỏ qua được giai đoạn tạo rễ cho chồi in vitro. Các kết quả nghiên cứu này có thể được áp dụng trong công tác nhân giống, bảo tồn nguồn gen cây thuốc Địa liền thu thập ở Việt Nam.

nnttien

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Số 8/2021 (nnttien)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ