Nghiên cứu nhân nhanh Giảo cổ lam (Gynostemma Pentaphyllum (Thunb.) Makino) bằng giâm cành trên hệ thống khí canh
Nghiên cứu này được tiến hành nhằm xác định ảnh hưởng của độ dẫn điện (với 3 giá trị EC: 800 µS/cm, 1.000 µS/cm và 1.200 µS/cm), nhiệt độ (với 4 mức nhiệt độ: 15C, 20C, 25C, đối chứng (27-29C)) của dung dịch dinh dưỡng và số đốt của cành giâm (với 3 loại cành giâm: cành có 1 đốt mang mắt ngủ, cành có 2 đốt mang mắt ngủ và cành có 3 đốt mang mắt ngủ) đến khả năng nhân nhanh cũng như sinh trưởng của cây Giảo cổ lam từ cành giâm trên hệ thống khí canh.
Ảnh minh họa: Internet
Cùng với sự phát triển ngày càng cao của xã hội, xu hướng sử dụng dược liệu có nguồn gốc tự nhiên ngày càng được ưu tiên (Nguyen & cs., 2018). Nhiều dược liệu có nguồn gốc từ thực vật đã và đang được sử dụng rộng rãi như là nguồn cung cấp các thực phẩm chức năng cho đại đa số người dân trên thế giới (Nguyen & cs., 2016). Giảo cổ lam (Gynostemma pentaphyllum) được biết đến là loại thảo dược nổi tiếng từ lâu đời bởi đặc tính chống căng thẳng giúp khôi phục sự cân bằng của cơ thể và cải thiện trí nhớ (Keilhoff & cs., 2017). Giảo cổ lam có hàm lượng saponin cao gấp 3-4 lần so với nhân sâm (Phạm Cao Khải & cs., 2018). Nghiên cứu hoá sinh đã chỉ ra, ngoài saponin, Giảo cổ lam còn chứa flavonoid, polysacarit, axit amin, vitamin và một số yếu tố cần thiết khác. Ngoài ra, Giảo cổ lam còn có tác dụng hiệu quả khi chuyển hoá lipid giúp ổn định mức cholesterol trong máu và giảm béo hiệu quả; bình ổn huyết áp, bảo vệ hệ thần kinh (Keilhoff & cs., 2017), ngăn ngừa các biến chứng tim mạch (Shaito & cs., 2020), chống lão hoá (Razmovski & cs., 2005), giảm stress (Choi & cs., 2019), giúp ngủ ngon giấc (Liao & cs., 2018).
Với nhiều đặc tính dược học có giá trị như trên nên trong các năm gần đây, nguồn Giảo cổ lam trong tự nhiên đã và đang bị khai thác quá mức dẫn đến khan hiếm (Bùi Đình Lãm & cs., 2015; Zhang & cs., 2019). Chính vì thế nhân nhanh Giảo cổ lam đang là nhu cầu cần được ưu tiên hiện nay. Hiện đã có các nghiên cứu về nhân giống Giảo cổ lam sử dụng các kĩ thuật truyền thống như giâm hom, gieo hạt… nhưng hệ số nhân giống và độ đồng đều thấp. Đã có nhiều công bố về nhân giống in vitro Giảo cổ lam, tuy nhiên hệ số nhân chồi còn thấp 7,285 chồi/mẫu (Jala & Patchpoonporn, 2012), 4,36 chồi/mẫu (Bùi Đình Lãm & cs., 2015), 6,8 chồi/mẫu (Phạm Cao Khải & cs., 2018), 13,80 chồi/mẫu (Nguyễn Thị Thanh Hằng & cs., 2018), 7,72 chồi/mẫu (Quảng & cs., 2019).
Ở Việt Nam, nhân giống vô tính bằng công nghệ khí canh đã được áp dụng rất hiệu quả trên một số cây trồng với hệ số nhân cao như khoai tây 11,00 lần/30 ngày (Nguyễn Quang Thạch & cs., 2006), cây cà chua 11,44 lần/60 ngày (Hoàng Thị Nga & cs., 2010), cây Đinh lăng (Polyscias fruticosa) 29,40 lần/8 tuần (Trương Thanh Hưng & cs., 2018) và cây Thìa canh (Gymnema sylvestre) 20,00 lần/tháng (Trần Thị Quý & cs., 2018) đã cho tỉ lệ ra rễ và tỉ lệ sống đạt trên 90% với hệ số nhân cao.
Việc phát triển trồng cây dược liệu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao là một xu hướng tất yếu đã và đang được triển khai mạnh mẽ ở nhiều vùng miền tại Việt Nam. Tuy nhiên theo những tài liệu chúng tôi có thể tiếp cận được thì chưa có công bố nào về nghiên cứu và áp dụng kỹ thuật nhân giống Giảo cổ lam bằng giâm cành trên hệ thống khí canh. Chính vì vậy, việc nghiên cứu nhân giống Giảo cổ lam bằng kỹ thuật giâm cành trên hệ thống khí canh sẽ có ý nghĩa khoa học và thực tiễn nhằm nhân nhanh loại thảo dược này ở quy mô công nghiệp.
Hệ thống khí canh là phù hợp cho việc nhân giống vô tính bằng giâm cành cây Giảo cổ lam. Dung dịch dinh dưỡng với giá trị EC là 1.000 µS/cm là dung dịch cho hệ số nhân chồi cao nhất. Dung dịch dinh dưỡng cần duy trì ở nhiệt độ 25°C, sử dụng cành giâm bánh tẻ, số đốt/cành giâm từ 2-3 đốt. Áp dụng quy trình nhân giống trên có thể cho hệ số nhân chồi đạt 16,48-18,48 lần/cây mẹ/35 ngày. Cây giống tạo ra từ cành giâm trên hệ thống khí canh có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trên hệ thống khí canh. Dung dịch dinh dưỡng với EC 1.200 µS/cm là phù hợp nhất để thu sinh khối Giảo cổ lam trên hệ thống khí canh.
nnttien
Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Số 9/2021 (nnttien)