SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu nuôi vỗ và sinh sản nhân tạo cá Măng (Elopichthys bambusa Richardson, 1844)

[14/09/2021 14:04]

Nghiên cứu do tác giả Nguyễn Hải Sơn, Võ Văn Bình và Đặng Thị Lụa - Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt miền Bắc, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I thực hiện nhằm xác định được loại thức ăn phù hợp trong nuôi vỗ thành thục cá bố mẹ; liều lượng kích dục tố và dụng cụ ấp trứng tối ưu sử dụng trong sản xuất giống cá Măng.

Ảnh minh họa: Internet

Cá Măng (Elopichthys bambusa Richardson, 1844) là loài cá dữ nước ngọt, phân bố tự nhiên trên các sông, đầm và hồ chứa lớn ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Với kích thước lớn, thịt thơm, ngon nên cá Măng có giá trị kinh tế cao và được người tiêu dùng ưa thích. Do cá Măng đã bị khai thác quá mức nên nhiều năm gần đây rất ít bắt gặp loài cá này trong tự nhiên. Hiện nay, cá Măng trở thành loài cá bản địa hiếm, đang ở mức có nguy cơ bị đe dọa (Võ Văn Bình & cs., 2017). Sách Đỏ Việt Nam (2007) đã xếp cá Măng ở mức đe dọa bậc NT (gần với nguy cơ bị đe dọa). Liên minh bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên thế giới (IUCN) xếp cá Măng ở cấp độ DD (data deficient) - thiếu dữ liệu về tình trạng hiện nay để cung cấp thông tin (IUCN, 2012).

Trước thực trạng đó, cá Măng đã được đưa vào danh sách bảo tồn nguồn gen cá nước ngọt từ năm 2012 thuộc đề án Quỹ gen thủy sản của Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn do Trung Tâm quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Bắc (Trung tâm QGGTSNNMB) thực hiện. Kết quả là đến nay cá Măng đã được thuần hóa và nuôi dưỡng thành công trong ao. Năm 2017, Trung tâm QGGTSNNMB đã thử nghiệm cho sinh sản nhân tạo cá Măng, bước đầu đã có những thành công nhất định (Võ Văn Bình & cs., 2017). Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới chỉ được thử nghiệm ở quy mô thí nghiệm nhỏ, số lượng cá bố mẹ cho sinh sản ít (10 cá thể), tỉ lệ thành thục (30,8%), tỉ lệ thụ tinh (67,5%), tỉ lệ nở (18,7%) rất thấp. Vì thế các kỹ thuật trong sản xuất giống cá Măng để nâng cao tỉ lệ cá bố mẹ thành thục, tỉ lệ thụ tinh, tỉ lệ nở cần tiếp tục được nghiên cứu.

Để giải quyết được những vấn đề trên, Trung tâm QGGTSNNMB đã tiếp tục chọn lọc và đưa vào nuôi vỗ cá bố mẹ bằng các loại thức ăn khác nhau, sử dụng các tổ hợp kích dục tố khác nhau để thăm dò lựa chọn được công thức thức ăn phù hợp, tổ hợp kích dục tố tối ưu nhằm xác định được một số chỉ tiêu kỹ thuật phục vụ xây dựng quy trình sản xuất giống cá Măng. Nghiên cứu này sẽ trình bày kết quả nuôi vỗ và kích thích sinh sản cá Măng bằng các loại thức ăn và liều lượng kích dục tố khác nhau.

Việc sử dụng thức ăn là cá Mè cắt nhỏ để nuôi vỗ cá Măng bố mẹ trong ao cho kết quả tốt hơn so với việc sử dụng thức ăn gồm 50% cá Mè + 50% thức ăn viên hỗn hợp và sử dụng 100% thức ăn viên hỗn hợp 40% độ đạm. Liều tiêm kích dục tố phù hợp để kích thích sinh sản cá Măng là 60µg LRH-A + 10mg DOM/kg cá cái với thời gian hiệu ứng của kích dục tố từ 5-6 giờ ở nhiệt độ 27-31°C. Sử dụng bình weis để ấp trứng cá Măng cho tỉ lệ nở (84,4%) và tỉ lệ sống sau 13 ngày (56,7%) là cao hơn so với trứng ấp bằng khay ấp (tỉ lệ nở 68,7%, tỉ lệ sống 45,7%).

nnttien

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Số 9/2021 (nnttien)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ