SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá khả năng phối hợp và đặc điểm sinh học của các tổ hợp lai từ một số nguồn gen nấm sò

[15/09/2021 08:59]

Trong nuôi trồng nấm sò, việc tạo ra các chủng nấm mới có nhiều đặc tính ưu việt hơn các chủng đang nuôi trồng là rất cần thiết. Ba chủng nấm sò PN1, PN14 và PN10 được sử dụng để tạo các tổ hợp lai bằng phương pháp lai đơn bào tử và đánh giá các tổ hợp lai của chúng trên môi trường nhân giống cấp 1, cấp 2 và trên giá thể nuôi trồng.

Ảnh minh họa: Internet

Nấm sò là loài nấm ăn ngon từ lâu đã được nuôi trồng chủ động trên thế giới và Việt Nam. Các chủng giống nấm sò đang nuôi trồng phổ biến ở nước ta hiện nay chủ yếu được thu thập, lưu giữ và phát triển bằng phương pháp phân lập quả thể tự nhiên, quả thể nuôi trồng hay nhập nội các chủng giống của nước ngoài, vì vậy sau nhiều lần nuôi trồng, phân lập lại các chủng này sẽ dẫn đến hiện tượng thoái hóa giống, làm giảm năng suất và chất lượng chủng giống. Xuất phát từ thực tế trên, việc chọn tạo ra các chủng nấm sò mới có năng suất, phẩm chất tốt hơn có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao.

Có nhiều phương pháp đã được sử dụng trên thế giới để tạo ra các chủng nấm sò mới như phương pháp gây đột biến ngẫu nhiên kết hợp với sang lọc các thể đột biến, phương pháp dung hợp tế bào trần, phương pháp chuyển gen, phương pháp lai các thể đồng nhân… trong đó phương pháp lai các thể đồng nhân thường được sử dụng rộng rãi hơn cả. Abdulgani & cs. (2017), đã nghiên cứu cải tiến đặc trưng quả thể và năng suất của nấm sò trắng Pleurotus pulmonarius bằng cách lai giữa các dòng đồng nhân của chủng nấm sò trắng Pleurotus pulmonarius và chủng nấm sò vàng P. citrinopileatus, kết quả đã tạo ra 5 chủng lai có đặc điểm hình thái trội hơn so với chủng bố mẹ P. pulmonarius, trong đó có 01 chủng thể hiện các đặc tính tốc độ sinh trưởng hệ sợi nhanh hơn, hệ sợi nấm dày hơn, đường kính mũ nấm to hơn, năng suất và hiệu suất sinh học cao hơn gần gấp hai lần so với chủng bố mẹ. Wang & cs. (2018) cũng tiến hành cải tiến chủng nấm sò Pleurotus tuoliensis bằng phương pháp lai đơn bào tử, đã có 25 tổ hợp lai được tạo ra trong đó có 01 chủng thể hiện năng suất, hiệu suất sinh học cao hơn, thời gian hình thành quả thể nhanh hơn so với chủng bố mẹ.

Trong một nghiên cứu khác, Liu & cs. (2020) đã tiến hành chọn tạo chủng nấm sò mới bằng việc lai giữa hai chủng nấm sò Pleurotus tuoliensis và Pleurotus eryngii, các tác giả đã tiến hành 9 tổ hợp lai trong đó có 6 tổ hợp lai thành công với sự xuất hiện của khóa liên kết, kết quả nuôi trồng cho thấy tất cả 6 chủng lai đều có thời gian hình thành quả thể nhanh hơn, trong đó có 03 chủng có hiệu suất sinh học cao hơn bố mẹ. Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng phương pháp lai đơn bào tử giữa ba chủng nấm sò bao gồm chủng PN10 (nấm sò nâu), PN14 (nấm sò hồng) và PN1 (nấm sò trắng). Các chủng này khác nhau về màu sắc, hình dạng, khả năng thích nghi với điều kiện ngoại cảnh, năng suất, hiệu suất sinh học. Việc lai tạo giữa những chủng này nhằm tạo ra các chủng nấm sò mới khác với chủng bố mẹ, có màu sắc đẹp, năng suất cao và thích nghi rộng với các điều kiện sinh thái.

Tổng số 38 dòng đơn bào tử từ ba chủng nấm sò đã được phân lập, trong đó có 18 dòng đơn bào tử của chủng PN1, 16 dòng đơn bào tử của chủng PN10 và 4 dòng đơn bào tử của chủng PN14. Trong 70 tổ hợp lai đã được thực hiện 3 tổ hợp lai PN1141, PN1142, PN1143 là kết quả lai giữa chủng PN1 và PN14 đã được chọn.

Trên môi trường nhân giống cấp 1, sáu chủng nấm có thời gian hệ sợi mọc kín đĩa từ 6,00 đến 8,08 ngày; tốc độ sinh trưởng của hệ sợi nằm trong khoảng 5,32-7,22 mm/ngày trong đó chủng PN1 đạt các chỉ số cao nhất, chủng sò lai PN1143 chỉ đứng sau chủng PN1 và cao hơn các chủng còn lại. Trên môi trường nhân giống cấp 2 thóc luộc, các chủng có thời gian hệ sợi mọc kín ống nghiệm từ 13,24 đến 16,57 ngày; tốc độ sinh trưởng của hệ sợi đạt 7,84 đến 9,82 mm/ngày, cao nhất là chủng PN1 và PN1143, thấp nhất là chủng PN10. Trên giá thể nuôi trồng, thời gian mọc kín bịch của các chủng nấm kéo dài từ 14,89 đến 19,28 ngày; tốc độ sinh trưởng hệ sợi nằm trong khoảng 5,71-7,39 mm/ngày; thời gian hình thành mầm mống quả thể từ 24,55 đến 28,83 ngày; thời gian quả thể trưởng thành từ khi xuất hiện mầm mống từ 1,11 đến 1,56 ngày; trong đó 2 chủng PN1 và PN1143 vẫn đạt các kết quả cao hơn các chủng còn lại. Hai chủng sò lai PN1143 và PN1141 có đường kính mũ và chiều dài cuống nấm lớn hơn các chủng bố mẹ; số cánh nấm/cụm lớn nhất thuộc về chủng PN1 và PN1143, hai chủng này cũng đạt hiệu suất sinh học cao nhất, lần lượt là 55,46 và 54,54%. Ba chủng sò lai đều có màu sắc trắng xám, có các vân sọc trên mũ nấm.

Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Số 7/2021
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ