Ảnh hưởng của các điều kiện sinh thái khác nhau đến thành thục sinh dục của cá nâu (Scatophagus argus Linnaeus, 1766)
Nghiên cứu do nhóm tác giả Nguyễn Văn Huy, Võ Điều và Võ Đức Nghĩa - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Nông Lâm, Đại Học Huế thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của điều kiện sinh thái khác nhau (lồng đặt trong ao lót bạt, bể composite và lồng trên đầm phá) đến khả năng thành thục của cá nâu.
Ảnh minh họa: Internet
Sinh trưởng và phát triển của cá xương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi rất nhiều yếu tố môi trường như nhiệt độ, ánh sáng, độ mặn (Taylor & cs., 2005). Chất lượng thành thục của đàn cá bố mẹ được xem là yếu tố then chốt trong quy trình sản xuất giống, vì quá trình nuôi vỗ quyết định đến chất lượng trứng, tỷ lệ nở, tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống của đàn cá con. Để thành công trong sản xuất giống thủy sản, vấn đề quan trọng là kiểm soát được quá trình sinh sản của cá để đạt được chất lượng con giống tốt cần đảm bảo chất lượng trứng và tinh trùng (Memiþ & cs., 2007).
Trong quá trình thành thục, cá bố mẹ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi hai nhóm yếu tố chính là dinh dưỡng và môi trường thông qua quá trình điều tiết hoocmone sinh sản, quá trình tích lũy và chuyển hóa dinh dưỡng. Có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ vai trò của các hoocmone nội tiết tố và yếu tố sinh thái trong quá trình thành thục và sinh sản của cá. Về cơ bản, sự phát triển của giao tử (trứng và tinh trùng) và quá trình thành thục của cá được điều khiển bởi các loại hoocmone khác nhau từ não, tuyến yên và cơ quan sinh dục (buồng trứng và tinh sào). Sự tiết xuất các hoocmone follicle-stimulating hormone (FSH) và luteinizing hormone (LH) từ tuyến yên được điều khiển bởi não thông qua hoạt động kích thích của của gonadotropin-releasing hormone (Peter & Yu, 1997).
Cá nâu (Scatophagus argus) là loài cá giá trị kinh tế và phân bố ở nhiều vùng đầm phá, vụng vịnh ven biển trên cả nước. Đây là loài cá bản địa được đánh giá có triển vọng phát triển nuôi ở Thừa Thiên Huế. Với tập tính ăn tạp (Nguyễn Thanh Phương & cs., 2005), có thể sống trong cả môi trường nước ngọt, lợ và nước mặn (Barry & Fast, 1992), cá nâu đã trở thành một trong những đối tượng thích hợp cho mô hình nuôi xen ghép ở tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước. Tuy là loài có giá trị cao và có triển vọng nuôi nhưng đến nay nguồn giống cá nâu ở Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung chủ yếu được khai thác từ tự nhiên, không đáp ứng được nhu cầu cho người nuôi. Ngoài số lượng con giống khai thác từ tự nhiên ngày càng hạn chế, giống không chủ động, chất lượng con giống cá nâu chưa đảm bảo cũng là vấn đề khó khăn cho người nuôi đối tượng này.
Do vậy, để phát triển nuôi cá nâu bền vững, cần nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo, hướng đến cung cấp con giống cá nâu chủ động, đảm bảo chất lượng và số lượng cho người nuôi. Nhằm góp phần tạo cơ sở dữ liệu xây dựng quy trình sản xuất giống cá nâu tại tỉnh Thừa Thiên Huế, việc nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường nuôi vỗ đến thành thục sinh dục của cá nâu là cấp thiết để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
Cá nâu là loài dễ nuôi, chúng có thể thành thục sinh dục khi nuôi trong ao, trong bể và trong lồng trên đầm phá. Mặc dù vậy, nuôi vỗ trên đầm phá cho hệ số thành thục và đường kính của trứng cao hơn nuôi trong ao và bể.
nnttien
Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Số 7/2021