So sánh hiệu quả kỹ thuật nuôi tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei) vụ đông trong ao mở ngoài trời và hệ thống trong nhà tại tỉnh Nam Định
Hệ thống nuôi tôm trong nhà ISPS (Indoor Shrimp Production System) với các hệ thống xử lý nước trong điều kiện nhiệt độ thấp đã được phát triển ở Nhật Bản. Nghiên cứu này được thực hiện để đánh giá mức độ phù hợp và hiệu quả kỹ thuật của nuôi tôm chân trắng trong hệ thống ISPS trong điều kiện Việt Nam.
Ảnh minh họa: Internet
Nam Định là một trong những tỉnh ở miền Bắc có tiềm năng phát triển thâm canh hóa nuôi tôm chân trắng. Theo thống kê đến năm 2017, diện tích nuôi của Nam Định hơn 810ha, sản lượng đạt khoảng 2.654 tấn với năng suất bình quân 3-4 tấn/ha/năm (Sở NN&PTNT, 2018). Đây là các vùng có cơ sở hạ tầng cơ sở tốt và áp dụng các công nghệ mới trong sản xuất. Một số cơ sở áp dụng công nghệ kỹ thuật mới đã mang lại năng suất cao 35 tấn/ha/vụ. Mục tiêu tới năm 2025, diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 4.175ha với sản lượng 9.700 tấn, trong khi đến năm 2030 diện tích giảm còn 3.680ha nhưng sản lượng 11.250 tấn. Xu hướng trong thời gian tới về diện tích nuôi là không tăng và có nguy cơ giảm do nhiều diện tích đất đã được quy hoạch để sử dụng với mục đích khác (UBND tỉnh Nam Định, 2018). Việc ứng dụng công nghệ nuôi tôm thẻ trong nhà sẽ góp phần giải quyết các nguy cơ hiện tại, giúp tăng năng suất và tính bền vững, đáp ứng định hướng không tăng diện tích nuôi mà sản lượng tăng.
Ngoài vấn đề diện tích nuôi hạn chế, tình hình dịch bệnh tôm nuôi trên địa bàn tỉnh Nam Định cũng diễn biến phức tạp. Tại một số vùng nuôi tôm tập trung của huyện Hải Hậu, huyện Giao Thủy thường xuyên xuất hiện bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp (Sở NN&PTNT, 2018). Hầu hết khi bị bệnh, nước thải ao nuôi không được xử lý đều được xả trực tiếp ra môi trường, do đó mầm bệnh lây lan nhanh. Người nuôi tôm chủ yếu theo các quy trình công nghệ thay nước hoặc vi sinh hoặc phần lớn dựa vào kinh nghiệm. Việc ứng dụng công nghệ thay nước đang gặp khó khăn lớn do diện tích đất có hạn và lượng chất thải nhiều. Bên cạnh đó với tình hình biến đổi khí hậu thất thường cùng với mùa đông nhiệt độ thấp khiến công nghệ vi sinh gặp nhiều thách thức. Vì vậy, nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới vào nuôi tôm vụ đông là rất cấp thiết để giải quyết các vấn đề gặp phải, góp phần vào sự phát triển bền vững nghề nuôi tôm tại Nam Định.
Từ những năm 2000, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học nông nghiệp quốc tế Nhật Bản đã hợp tác với Trung tâm Khuyến ngư quốc gia Nhật Bản, Công ty TNHH Công nghệ thủy sản quốc tế IMTE và một số doanh nghiệp Nhật Bản nghiên cứu hoàn thiện công nghệ nuôi tôm trong nhà ISPS. Kết quả thử nghiệm với công nghệ ISPS tại Nhật Bản cho thấy năng suất nuôi tôm đạt 9,43 kg/m3 với tỉ lệ sống 75% (Wider & Nohara, 2017), cao hơn so với các mô hình nuôi hiện tại ở tỉnh Nam Định.
Công nghệ này ứng dụng các thiết bị luân chuyển nước, lưới lọc micron, vi bọt khí và giá thể vi sinh nhân tạo. Công nghệ ISPS là công nghệ nuôi tôm trong nhà với các khả năng quản lý chất lượng nước và chất thải tốt, giảm thiểu dịch bệnh; đặc biệt được phát triển ở Nhật Bản có mùa đông lạnh hơn miền Bắc Việt Nam; vì thế nó có thể giúp người nuôi tôm ở Nam Định đương đầu với những thách thức hiện nay. Trong thập kỷ vừa qua, hệ thống nuôi tôm trong nhà cũng được thử nghiệm ở nhiều nước khác nhau như Mỹ (Ray, 2019), Thái Lan (McIntosh, 2019) và Indonesia (Suantika & cs., 2018) và được xác định là xu hướng nuôi bền vững trong tương lai. Vì vậy, để đánh giá khả năng ứng dụng của công nghệ này trong điều kiện Việt Nam, chúng tôi đã thiết kế và xây dựng hệ thống ISPS và thử nghiệm so sánh giữa nuôi tôm trong hệ thống ISPS và trong ao ngoài trời.
Năng suất nuôi tôm của công nghệ ISPS lần đầu được thử nghiệm tại Việt Nam ở quy mô ao 500m2 cho thấy tiềm năng ứng dụng công nghệ này vào thực tiễn sản xuất. Năng suất ước tính vào ngày nuôi thứ 112 từ PL12 ở các ao ISPS (51 tấn/ha) cao hơn ở các ao đối chứng (39 tấn/ha). Mặc dù năng suất này chưa bằng kết quả thử nghiệm tại Nhật nhưng cơ sở vật chất và thiết bị đều được xây dựng và chế tạo trong nước. Một số ưu điểm có thể thấy của công nghệ ISPS là khả năng kiểm soát môi trường, mật độ vi khuẩn và mật độ tảo tốt hơn so với nuôi ao ngoài trời.
nnttien
Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Số 7/2021