SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá hàm lượng đa nguyên tố trong nước trà của một số loại trà ở Việt Nam

[23/09/2021 16:17]

Nghiên cứu do Lê Thị Anh Đào và Nguyễn Công Hậu - Khoa Kĩ thuật Thực phẩm và Môi trường, Đại học Nguyễn Tất Thành thực hiện.

Trà (Camellia sinensis L.) có thể được xem là một thức uống phổ biến được tiêu thụ bởi gần hai phần ba dân số trên thế giới vì ngoài tác dụng giải khát, trà còn có giá trị dinh dưỡng và dược tính cao. Kể từ khi được phát hiện vào khoảng 2700 trước Công nguyên, trà được trồng chủ yếu tại các nước châu

và châu Phi như Trung Quốc, Sri Lanka, Ấn Độ, Kenya, Zimbabwe,... Theo qui trình sản xuất công nghiệp, có nhiều loại trà trên thị trường như trà trắng, trà xanh, trà đen, trà Ô long,… Thành phần chính của lá trà là nước (chiếm 75 % - 82 %), cần thiết để duy trì sự sống của cây. Bên cạnh nước, thành phần và hàm lượng các chất hòa tan trong trà là một trong những mối quan tâm hàng đầu đối với các nhà nghiên cứu về trà. Ngoài các hợp chất polyphenol, trà còn có nhiều hợp chất khác, bao gồm alkaloid, amino acid, protein, glucid, chất bay hơi và kim loại dạng vết. Trà chứa nhiều hợp chất polyphenol (đặc biệt là các catechin), các amino acid, tannic acid, và sự hiện diện của những chất chống oxi hóa khác nên việc uống trà có lợi cho sức khoẻ con người, có khả năng phòng ngừa rất nhiều loại bệnh như chứng Alzheimer, huyết áp cao, béo phì và giảm nguy cơ ung thư.

Ngoài ra, các nguyên tố dinh dưỡng đa vi lượng thiết yếu trong cơ thể con người có thể được bổ sung qua việc uống trà vì sản phẩm trà có chứa các nhiều nguyên tố như sodium, potassium, manganese, selenium, boron, kẽm, strontium, đồng,… Bên cạnh đó, trà còn có khả năng chứa một số nguyên tố không thiết yếu (nguyên tố độc), có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng như Cd, Pb, Hg, … Quá trình pha trà sẽ khiến một số thành phần trong trà đi vào dung dịch nước trà, đặc biệt là các nguyên tố với khả năng phóng thích khác nhau, từ đó làm ảnh hưởng đến chất lượng trà cũng như sức khỏe của người tiêu dùng đặc biệt là đối với các nguyên tố độc/không thiết yếu (nếu có hiện diện trong trà). Ngoài yếu tố về chất lượng trà hay loại trà sử dụng, sự phóng thích của các nguyên tố và sự hiện diện của chúng trong nước trà phụ thuộc nhiều yếu tố dễ thay đổi và điều chỉnh như lượng trà dùng để pha, thể tích nước, nhiệt độ nước pha trà và thời gian ngâm trà.

Trên thế giới, có rất nhiều các nghiên cứu liên quan đến hàm lượng của nguyên tố trong trà và cả trong nước trà. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nghiên cứu về kim loại trong trà nói chung và cho các loại trà Việt Nam nói riêng khá hạn chế. Một số công bố chỉ dừng lại ở việc xác định vài nguyên tố trong mẫu trà mà chưa xác định đồng thời nhiều nguyên tố. Thực tế hơn là xác định hàm lượng các kim loại chính trong dung dịch nước trà mà con người trực tiếp đưa vào cơ thể, từ đó có thể đưa ra kết luận về các yếu tố ảnh hưởng đến nồng độ kim loại hiện diện trong nước trà, tính chất của từng nguyên tố và khả năng thôi nhiễm của chúng vào trong dung dịch trong cùng một điều kiện pha.

Trong nghiên cứu này, phương pháp ICP-MS được sử dụng nhằm xác định và đánh giá hàm lượng của các nhóm nguyên tố bao gồm (i) nguyên tố dinh dưỡng đa lượng (Na, K, Ca, Mg), (ii) nguyên tố dinh dưỡng vi lượng (B, Cr, Mn, Ni, Fe, Cu, Zn, As, Se) và (iii) nguyên tố không thiết yếu (Al, Cd, Pb) trong nước trà pha từ các điều kiện nhiệt độ và thời gian ngâm trà khác nhau dựa trên sự tính toán tỉ lệ phóng thích của các nguyên tố này từ trà vào dung dịch nước trà.

Nghiên cứu này khảo sát trên 5 mẫu trà khô thành phẩm  trong đó có 3 mẫu trà được thu thập theo TCVN 5609:2007 và QCVN 01-28:2010/BNNPTNT ở vùng trà cổ thụ (Suối Giàng, tỉnh Yên Bái - miền Bắc, Việt Nam) và 2 mẫu trà Ô long ở vùng trà hữu cơ Ô long (Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng). Các mẫu trà trước khi phân tích sẽ được đồng nhất theo TCVN 9738:2013 để thu được mẫu đồng nhất. Mẫu sau khi xay sẽ được chuyển vào túi nhựa có khóa kéo, bảo quản trong bình túi hút ẩm với vật liệu hút ẩm là silica gel. Điều kiện bảo quản: 25 độ C, độ ẩm 70 % và tránh ánh nắng trực tiếp.

Trà Ô long

Phương pháp phân tích hàm lượng tổng của các nhóm nguyên tố trong mẫu trà khô thành phẩm trên thiết bị ICP-MS được thẩm định, thỏa mãn các tiêu chí của Phụ lục F trong AOAC. Hàm lượng của các nguyên tố trong dung dịch nước trà ở các điều kiện nhiệt độ nước pha trà và thời gian ngâm trà khác nhau được đánh giá qua việc tính toán tỉ lệ phóng thích. Kết quả cho thấy tỉ lệ phóng thích của các nguyên tố đều tăng theo sự tăng nhiệt độ và thời gian ngâm trà, trong đó yếu tố về nhiệt độ đóng góp vai trò quan trọng. Với hàm lượng nguyên tố trong trà và trong nước trà ở nhiều điều kiện pha, đặc biệt là nguyên tố không thiết yếu như Pb, Cd và Al, cho thấy rằng hàm lượng của các nguyên tố này không vượt quá các tiêu chí về ngưỡng an toàn theo WHO, chứng minh tính an toàn đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, khi cần xác định hàm lượng các nguyên tố này ở mức độ thấp hơn, cần thiết phải phát triển thêm những kĩ thuật phân tích cho độ nhạy cao hơn.

lttsuong

 

Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Đại học Nguyễn Tất Thành (Số 12/2020)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ