Hoạt tính kháng khuẩn của chiết xuất thảo dược lên vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamie) trong điều kiện in vitro
Nghiên cứu hoạt tính kháng khuẩn của chiết xuất lá trứng cá, hành tây, thù lù bằng ethanol 90% và 70% đối với vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) được thực hiện tại Khoa Nông nghiệp – Thủy sản, Trường Đại học Trà Vinh.
Ảnh minh họa: Internet
Tôm thẻ chân trắng là đối tượng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng. Ở Việt Nam, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên cả nước tính đến tháng 10/2019 là 99.740 ha. Sản lượng thu hoạch tôm thẻ chân trắng là 386.701 tấn. Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính được xem là bệnh nguy hiểm và gây ra nhiều thiệt hại đến sản lượng tôm nuôi trong những năm gần đây ở các nước Đông Nam Á và Mexico.
Riêng tại tỉnh Trà Vinh, tính đến tháng 3/2019, tổng sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 4.332 tấn, tăng 600 tấn so với cùng kì năm 2018. Tổng hộ nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại là 773 hộ và diện tích tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại là 258 ha. Nguyên nhân gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính là do vi khuẩn V. parahaemolyticus gây ra. Sự lạm dụng thuốc kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản đã gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe động vật nuôi, môi trường sinh thái và đặc biệt là tạo ra các chủng vi khuẩn kháng lại thuốc kháng sinh, làm giảm hiệu quả điều trị bệnh và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn có khả năng kháng thuốc cho con người, động vật và tồn dư trong thịt động vật thủy sản.
Hiện nay, việc nghiên cứu hoạt chất kháng khuẩn có nguồn gốc thảo dược đang được quan tâm nhằm tạo ra các sản phẩm sử dụng trong phòng trị bệnh thân thiện với môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế việc lạm dụng các loại hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là giảm khả năng kháng thuốc của vi khuẩn. Bên cạnh đó, nhiều báo cáo đã ghi nhận hiệu quả của các loại thảo mộc như là chất khai vị và thúc đẩy tăng trưởng trong các loài thủy sản, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận.
Thù lù, hành tây và trứng cá là những cây thuốc có giá thành rẻ và phổ biến. Chúng chứa nhiều hợp chất quý như flavonoid, steroid, saponin, tannin và triterpen. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có nghiên cứu nào xác định khả năng kháng khuẩn V. parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm thẻ chân trắng của các thảo dược trên. Vì vậy, nghiên cứu ‘Hoạt tính kháng khuẩn của chiết xuất thảo dược lên vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamie) trong điều kiện in vitro’ đã được thực hiện.
Chiết xuất lá trứng cá ethanol 70% có đường kính vòng kháng khuẩn lớn nhất đạt 18,00 ± 0,00 mm. Tiếp theo, chiết xuất lá trứng cá ethanol 90% là 17,33 ± 0,58 mm và chiết xuất dịch tươi là 13,00 ± 0,00 mm. Giá trị MIC của chiết xuất lá trứng cá ethanol 90%, chiết xuất lá trứng cá ethanol 70% lần lượt là 5.120 mg/L, 10.240 mg/L. Chiết xuất hành tây bằng ethanol 90%, 70% là 40.960 mg/L. Chiết xuất thù lù ethanol 90%, 70% là 81.920 mg/L.
Thí nghiệm nghiên cứu thảo dược kháng V. parahaemolyticus trong điều kiện in vitro. Do đó, chúng ta cần nghiên cứu gây cảm nhiễm và thăm dò hiệu quả của chiết xuất lá trứng cá kháng khuẩn V. parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm thẻ chân trắng; xác định liều lượng thảo dược hợp lí đưa vào thức ăn trong quá trình phòng trị bệnh trong môi trường thí nghiệm và ngoài thực địa.
nnttien
Tạp chí khoa học trường ĐH Trà Vinh, Số 38/2020