Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm 'Sâm nam núi Dành' của tỉnh Bắc Giang
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 3228/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00108 cho sản phẩm sâm nam núi Dành của huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
Núi Dành xưa kia còn có tên gọi là Chung Sơn, gắn liền với sản phẩm sâm nam hay còn gọi là “sâm tiến vua”, cát sâm. Tác phẩm “Đại Nam nhất thống chí” có ghi: “Tên nỏ sản xuất tại Yên Thế. Sâm nam sẵn ở đỉnh núi Chung Sơn. Cỏ thi cũng có ở Chung Sơn”. “Chung Sơn” được nhắc tới trong tác phẩm chính là núi Dành, nay thuộc địa phận xã Liên Chung và xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
Sâm nam núi Dành thuộc dạng cây thân leo, bò, sinh trưởng chậm, rất rễ chăm sóc, củ sâm mọc mầm, lên nhanh, dây cắt đi, nó lại mọc dây khác, moi đất đào củ dùng, từ cái gốc nó lại đâm rễ, rễ phình lên thành củ. Sâm nhân giống bằng hạt rất khó nên dân gian thường đào các dây sâm đã có rễ để trồng. Dây sâm dài khoảng một gang tay là nảy ra một “mắt”. “Mắt” ấy khi bấm xuống đất, ra rễ thì hình thành nên củ. Củ sâm lớn rất chậm (năm đầu tiên chỉ nhỏ như chiếc đũa, 7-8 năm mới lớn bằng chuôi dao, chuôi liềm). Xưa nay nói về sâm người ta chỉ biết đến sâm của xứ sở Kim Chi chứ chẳng mấy ai biết tại Bắc Giang cũng có loại kỳ dược này.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng đây là sâm quý, có nhiều hợp chất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên hiện đang được sách Đỏ Việt Nam (2007) xếp ở mức độ sẽ bị nguy cấp, cần được bảo tồn, phát triển.
Theo kết quả nghiên cứu của viện Di truyền Nông nghiệp (năm 2015), nguồn gen sâm Nam núi Dành đã được mô tả, định danh với tên khoa học là Callerya speciosa thuộc ngành Ngọc lan (Magnoliphita), lớp Ngọc lan (Magnoliopsita), phân lớp Hoa hồng (Rosidae), bộ Đậu (Fabaceae), họ Đậu (Fabaceae), phân họ Đậu (Faboideae). Bước đầu đã xác định được sự có mặt của các hoạt chất saponin, flavonoid, acid hữu cơ, acid amin và saccharid trong các mẫu sâm có độ tuổi 2-5 năm. Hàm lượng saponin, flavonoid và saccharid tổng số trong mẫu sâm trên 5 năm tuổi cao hơn nhiều trong mẫu sâm 3-4 năm tuổi.
Điều này cho thấy, các hoạt chất chính có dược tính cao sẽ được tích tụ và phát triển theo độ tuổi cây sâm, kết hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và nuôi trồng phù hợp.
Khu vực địa lý thuộc núi Dành, nằm độc lập giữa vùng đồng bằng, có độ cao từ 10 - 80 m, nhiệt độ trung bình năm dao động từ 24,9 - 26,5oC, tổng lượng mưa trung bình năm từ 1400 - 1700 mm, độ ẩm không khí trung bình đạt 82,5 %, lượng bốc hơi trung bình năm từ 800 - 850 mm. Biên độ nhiệt ngày đêm tại khu vực địa lý vào tháng 9, tháng 10 dương lịch (thời kỳ cây ra hoa, tạo hạt) từ 5 - 7oC. Đất tại khu vực địa lý được hình thành từ hệ tầng Vân Lãng, có tầng đất dày trên 50 cm, tơi xốp, độ xốp đất tầng mặt từ 50 - 51 %, giàu hợp chất hữu cơ và chất vi lượng. Khu vực địa lý: Xã Liên Chung, xã Việt Lập thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
Để bảo tồn, phát triển và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm sâm Nam núi Dành, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 3228/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00108 cho sản phẩm này. UBND huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý.
ltnhuong
Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo