Sự phân bố các loài cá thuộc họ cá úc (ariidae) ở vùng cửa sông Hậu
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 7 năm 2017 đến tháng 6 năm 2019 tại vùng cửa sông Hậu, Đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn lợi cá úc họ Ariidae được khảo sát từ vùng cửa sông Trần Đề và Định An đến vùng Cái Cui – nơi có nguồn nước ngọt quanh năm.
Ảnh minh họa: Internet
Thế giới hiện nay đã xác định được 14 giống với 120 loài họ cá úc (Ariidae), thuộc bộ cá trơn (Siluriformes). Các loài này chủ yếu sinh sống ngoài biển, một số ít loài sinh sống trong môi trường nước lợ hoặc nước ngọt ở các khu vực ôn đới ấm và nhiệt đới. Ở cửa sông vùng nhiệt đới, nhiều loài cá úc thuộc họ Ariidae có thể được xem là nhóm cá quan trọng nhất về số loài, mật độ và sinh khối. Tại Oman và biển Ả rập, năm loài cá úc được tìm thấy, trong đó, Arius tenuispinis là một trong những loài phổ biến ở biển Ả rập được tìm thấy ở độ sâu 20-50 m. Các loài này tập trung chủ yếu ở khu vực giữa đảo Masirah và Ras Madrakah, có đóng góp đáng kể vào tổng sản lượng khai thác của khu vực. Ở Việt Nam, cá úc được xếp vào nhóm cá có giá trị kinh tế, chúng chiếm 1,59% sản lượng cá khai thác bằng lưới kéo đáy tại miền Trung năm 1987, cá úc thường (Arius thalassinus) chiếm 0,87% và 3,8% trong tổng sản lượng cá kinh tế khai thác tại vùng biển Đông Nam Bộ và vùng biển Tây Nam Bộ. Ở vịnh Bắc Bộ, cá úc chiếm 1,45% tổng sản lượng.
Ở Đồng bằng sông Cửu Long, họ cá úc được tìm thấy bảy loài thuộc sáu giống [5]. Đây là những loài sống ở cửa sông hoặc đầm phá ven biển với tầng đáy là bùn hoặc cát [6]. Các loài ăn sinh vật đáy ở cửa sông thích nghi tốt trong các môi trường sống khác nhau của các cửa sông ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Điểm đặc biệt quan trọng khác của các loài cá úc họ Ariidae là tập tính sinh sản, con đực chăm sóc trứng và ấu trùng, giữ con trong miệng.
Hiện nay, ở Việt Nam, các nghiên cứu về cá úc còn rất hạn chế, chỉ có một vài nghiên cứu về hình thái và phân loại, các công trình nghiên cứu về sự phân bố hay đánh giá trữ lượng cá úc họ Ariidae rất hiếm. Chính vì thế, nghiên cứu đánh giá mức độ phong phú và đa dạng thành phần loài cá úc thuộc họ Ariidae là rất cần thiết để làm cơ sở khoa học cho việc bảo vệ, khai thác và phát triển nguồn lợi cá úc ở vùng cửa sông ven biển theo hướng bền vững.
Tại cửa sông Hậu, nguồn lợi cá úc họ Ariidae gồm năm loài: cá úc chấm (Arius maculatus), cá úc thép (Osteogeneiosus militaris), cá úc nghệ (Arius venosus), cá úc nghệ (Nemapteryx nenga) và cá úc mím (Cephalocassis borneensis). Tuy nhiên, cá úc phân bố nhiều nhất là ở Trần Đề với sản lượng tương đối phong phú (CPUEw = 934,45 g/ha). Tiếp đến là hai vùng cửa sông Định An và cửa sông Trần Đề, sản lượng cá ở hai vùng này cũng tương đối cao với CPUEw = 931,68 g/ha và CPUEw = 904,71 g/ha. Ngoài ra, mật độ cá úc ở khu vực An Lạc Tây và Cái Cui rất thấp với CPUE là 333,97 g/ha và 36,48 g/ha. Trong đó, mật độ phân bố cá úc chấm (Arius maculatus) chiếm tỉ lệ cao nhất 63,35%, tiếp đến là cá úc thép (Osteogeneiosus militaris) với 32,94% và các loài còn lại chiếm tỉ lệ thấp. Tuy nhiên, môi trường cũng biến động nhiều, đặc biệt độ mặn là yếu tố ảnh hưởng nhiều đến sự phân bố các loài cá úc, độ mặn dao động từ 0 đến 8,7o/oo thích hợp cho sự phân bố của cá úc.
nnttien
Tạp chí khoa học trường ĐH Trà Vinh, Số 38/2020