SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Việt Nam số hóa: Con đường đến tương lai

[24/09/2021 15:08]

“Việt Nam số hóa: con đường đến tương lai” là báo cáo do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 24/8/2021. Theo đó, với những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 chỉ đạt khoảng 4,8%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra (6,5%). Cũng theo các chuyên gia của WB, giãn cách xã hội và hạn chế đi lại do COVID-19 gây ra đã đẩy nhanh sự trỗi dậy của kinh tế số. Báo cáo của WB đưa ra một số giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế số tiên tiến trên thế giới

Triển vọng tích cực nhưng nhiều rủi ro

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc ở mức 5,6% trong nửa đầu năm 2021, nhưng phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng cả bên trong và bên ngoài do dịch bệnh COVID-19 bùng phát và đã lan ra hầu hết các địa phương từ cuối tháng 4/2021. Tăng trưởng được thúc đẩy bởi sự phục hồi của khu vực công nghiệp với tốc độ khoảng 8% nhờ mở rộng sản xuất chế biến, chế tạo. Ngược lại, khu vực dịch vụ vẫn chưa quay lại tốc độ tăng trưởng trước đại dịch, một phần do khu vực này nhạy cảm với các biện pháp hạn chế đi lại trong các đợt bùng phát dịch COVID-19.

Về triển vọng, dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 4,8% trong năm 2021 và hướng dần về tốc độ tăng trưởng trước đại dịch ở mức từ 6,5 đến 7,0% từ năm 2022 trở đi. Dự báo mới được đưa ra dựa trên giả định rằng, đợt bùng phát dịch hiện nay sẽ dần được kiểm soát, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi trong quý IV. Giai đoạn phục hồi cũng sẽ được hỗ trợ bằng việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm vắcxin diện rộng, sao cho ít nhất 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng vào giữa năm 2022, giúp ngăn ngừa những đợt bùng phát dịch nghiêm trọng mới. Trong thời gian còn lại của năm 2021, chính sách tiền tệ vẫn sẽ được nới lỏng thông qua triển khai thực hiện một số công cụ chính sách khác nhau và cho phép tái cơ cấu các khoản nợ. Chính phủ có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Mặc dù triển vọng của Việt Nam vẫn tích cực, nhưng có những rủi ro cao về tài khóa, tài chính và xã hội cần được xử lý, bao gồm:

Một là, những hệ quả xã hội của đại dịch.

Hai là, cảnh giác với rủi ro khu vực tài chính đang tăng lên do khủng hoảng.

Ba là, cảnh giác với rủi ro tài khóa.

Kinh tế số: lộ trình với ba hành động

Nếu chúng ta tin vào sức mạnh dự báo của thị trường tài chính, thì công nghệ số chính là tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Trong năm vừa qua, giá trị của một số công ty công nghệ trong nước tăng khoảng 200% trên Sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh. Khi thế giới phục hồi sau khủng hoảng COVID-19, rõ ràng chuyển đổi số sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Các quốc gia đã và đang cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu để có uy thế về công nghệ số, Chính phủ Việt Nam cũng đã thể hiện mong muốn tham gia cuộc đua bằng cách coi chuyển đổi số là một trong những mục tiêu trọng tâm trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.

Để thu được nhiều lợi ích từ quá trình chuyển đổi số của nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam cần tiến hành một lộ trình với ba hành động:

Hành động thứ nhất: nâng cao kỹ năng số. Người lao động cần có kỹ năng phù hợp để tận dụng thế mạnh của công nghệ số. Tỷ lệ người có trình độ trong lực lượng lao động của Việt Nam hiện còn thấp, chưa đủ để khỏa lấp chỗ trống. Nhiều doanh nghiệp cho biết, việc tìm kiếm và giữ chân các chuyên viên phân tích dữ liệu, lập trình viên và chuyên viên mô hình hóa giỏi ngày càng khó.

Hành động thứ hai: bồi dưỡng năng lực đổi mới sáng tạo. Để duy trì năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo liên tục là điều kiện bắt buộc. Ngày nay, hầu hết hỗ trợ của Chính phủ đều hướng vào các nỗ lực nghiên cứu và phát triển, thay vì tạo điều kiện thuận lợi để lan tỏa, áp dụng và thích ứng công nghệ mới của các doanh nghiệp.

Hành động thứ ba: đẩy mạnh tiếp cận thông tin, chất lượng và an ninh. Việt Nam vẫn đạt kết quả thấp về tiếp cận thông tin do Chính phủ cung cấp. Hơn nữa, khả năng lưu động, trao đổi và sử dụng dữ liệu còn hạn chế, cho dù Chính phủ đã cho ra mắt cổng thông tin dữ liệu nội bộ vào giữa năm 2020. Chính phủ cần có các giải pháp cân bằng giữa quản lý dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư và tạo điều kiện thuận lợi cho lưu chuyển dữ liệu số, đồng thời học hỏi kinh nghiệm các quốc gia khác trong khu vực cũng đang từng bước chuyển từ giảm bớt chủ nghĩa bảo hộ dữ liệu sang tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Bài viết được tóm tắt từ bài viết nhóm chuyên gia của WB.

ntptuong

Tạp chí KH&CN VN, số 09 năm 2021 (trang 18-20)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ