SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của mặn NaCl đến sự tăng trưởng và tích lũy sinh khối của ba loài cỏ voi (Pennisetum sp.) ở Đồng bằng sông Cửu Long

[26/09/2021 16:00]

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xác định là một trong những đồng bằng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất dưới tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng với các biểu hiện chính là tình trạng xâm nhập mặn. Việc sử dụng các loài cây chịu mặn để sản xuất thức ăn xanh, đáp ứng nhu cầu chăn nuôi, cũng là nguồn sinh kế quan trọng của người dân nông thôn, đặc biệt ở những khu vực có điều kiện khí hậu và đất đai khắc nghiệt việc thiếu cỏ là một vấn đề quan trọng trong việc cung cấp thức ăn thô cần thiết cho động vật.

Ảnh minh họa: Internet

Cỏ voi (Pennisetum purpureum) là loài trồng phổ biến ở ĐBSCL và có tiềm năng và khả năng sản xuất chất xanh tốt. Hiện nay, đã có một số loài cỏ voi được du nhập vào ĐBSCL, như cỏ voi tím (Pennisetum setaceum), cỏ voi xanh Thái Lan (Pennisetum glaucum), cỏ voi xanh VA06 (Pennisetum purpureum). Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu tổng hợp đánh giá về khả năng chịu mặn của các loài cỏ voi trồng phổ biến tại ĐBSCL. Xuất phát từ vấn đề trên, nhóm  tác giả Võ Hữu Nghị, Võ Thị Phương Thảo, Võ Hoàng Việt, Đỗ Hữu Thành Nhân, Nguyễn Châu Thanh Tùng và Ngô Thụy Diễm Trang (Trường Đại học Cần Thơ) đã thực hiện nghiên cứu nhằm đánh giả khả năng chịu mặn tăng dần của 3 loài cỏ voi trồng phổ biến tại các tỉnh thành ĐBSCL là cỏ voi VA06, cỏ voi Tím và cỏ voi Xanh Thái Lan.

Đề tài thực hiện trong điều kiện nhà lưới nhằm đánh giá khả năng chịu mặn của ba loài cỏ voi (Pennisetum sp.) bao gồm cỏ voi VA06 (Pennisetum purpureum), cỏ voi xanh Thái Lan (Pennisetum glaucum) và cỏ voi tím (Pennisetum setaceum), làm cơ sở cho việc lựa chọn bổ sung các loài cỏ trồng trên vùng đất nhiễm mặn. Cây được trồng bằng phương pháp thủy canh trong dung dịch dinh dưỡng Hoagland với năm mức độ muối NaCl 0, 5, 10, 15 và 20 g NaCl/L. Thí nghiệm được bố trí theo thể thức hoàn toàn ngẫu nhiên thừa số 2 nhân tố với ba lần lặp lại cho mỗi nghiệm thức.

Kết quả cho thấy cả ba loài cỏ voi đều giảm sinh trưởng, sinh khối tươi, sinh khối khô, tốc độ tăng trưởng và chỉ số SPAD khi độ mặn tăng lên. Cỏ voi tím là loài có khả năng chịu mặn kém nhất trong ba loài cỏ voi nghiên cứu, cây có dấu hiệu ngộ độc mặn cháy lá ở 10 g NaCl/L và tất cả cây chết khi độ mặn tăng lên 15 và 20 g NaCl/L. Cỏ voi Thái Lan và cỏ voi xanh VA06 là hai loài cỏ voi có tiềm năng để chọn trồng kết hợp với chăn nuôi gia súc ở những vùng đất bị nhiễm mặn trong bối cảnh xâm nhập mặn hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long.

nhnhanh

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 56, Số 6 (2020)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ