SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của dung dịch dinh dưỡng và giá thể lên sự sinh trưởng và phát triển của cây cúc đồng tiền (Gerbera jamesonii Bolus ex Hooker F.) trồng chậu trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt

[26/09/2021 16:53]

Cúc đồng tiền là một loài hoa đa dạng màu sắc: đỏ, cam, vàng, trắng, tím,… ưu điểm hoa cúc đồng tiền khi nở có độ bền lâu, ra hoa quanh năm nên thích hợp làm hoa trang trí và hoa cắt cành.

Ngày nay, nhiều loại hoa và kiểng lá đã được trồng thủy canh để đáp ứng nhu cầu giải trí, kinh doanh, sản xuất quy mô công nghiệp. Bên cạnh đó, kỹ thuật canh tác thủy canh đã được sử dụng trong nhiều năm nay ở các nước Địa Trung Hải và châu Âu (Maloupa et al., 1992; Brun et al., 2001). Hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp với cung cấp dinh dưỡng theo nhu cầu của cây trồng ngày càng được ứng dụng rộng rãi trên thế giới vì tiết kiệm nước và dinh dưỡng. Dinh dưỡng có vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng và gia tăng năng suất cây trồng. Tùy từng loại giống cây trồng mà có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, vì thế khi cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng không phù hợp có thể dẫn đến một số rối loạn sinh lý có thể xảy ra (Resh, 1991). Một công thức dinh dưỡng tối ưu phụ thuộc vào loài thực vật và giống cây trồng, giai đoạn sinh trưởng của cây, điều kiện thời tiết như nhiệt độ, cường độ ánh sáng, giờ nắng. Tuy nhiên, chưa có nhiều nghiên cứu tại Việt Nam được công bố về công thức dung dịch dinh dưỡng cho từng loài cây trồng, đặc biệt là trên cây cúc đồng tiền, trồng trong nhà màng sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Chính vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm xác định loại dung dịch dinh dưỡng và giá thể thích hợp cho sản xuất hoa chậu cúc đồng tiền áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt trong nhà màng.

Nghiên cứu do nhóm tác giả: Lê Văn Hòa, Lê Bảo Long (Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ) và Phạm Thị Xuân Quyên (Học viên Cao học Khoa học cây trồng Khóa 22, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ)

Phương pháp nghiên cứu: Vật liệu và phương pháp nghiên cứu Thí nghiệm được thực hiện tại nhà màng Trại Tân Khánh Đông – Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao Đồng Tháp từ tháng 08/2016 đến tháng 05/2017 (nhà màng có quạt lưu thông không khí, nhiệt độ trong thời gian thí nghiệm dao động 27 - 42,7°C và ẩm độ từ 21 - 90%). Đối tượng thí nghiệm: giống cúc đồng tiền màu cam viền vàng (Gerbera jamesonii) cấy mô đã được thuần dưỡng (ra ngôi, 03 tháng tuổi) có chiều cao 10 - 15 cm, 5 - 7 lá thật (Hình 1B). Giá thể gồm mụn xơ dừa, phân rơm. Hóa chất: các loại hóa chất đa vi lượng dùng để pha môi trường dung dịch dinh dưỡng Hoagland (Epstein, 1972), Çolakoğlu-2 (Kılınç, 2005), Johnson (Bảng 1). Hóa chất tinh khiết xuất xứ từ Trung Quốc gồm: KNO3, NH4NO3, KH2PO4, NH4H2PO4, Ca(NO3)2, MgSO4, H3BO3, MnSO4, ZnSO4.7H2O, CuSO4, Na2MoO4.2H2O, KCl, MnCl2, CuCl2, NaEDTA, FeSO4.7H2O… Mụn xơ dừa được ngâm với dung dịch nước vôi 5% trong thời gian 15 ngày, sau đó ngâm xả vôi 03- 04 lần bằng nước, đem phơi ráo rồi mới cho vào chậu nhựa trắng tròn (18x18x15 cm). Các giá thể đều được trộn và ủ với Tricoderma trước khi cho vào chậu, trồng 01 cây/chậu. Cây ổn định sau 2 tuần, tiến hành bố trí thí nghiệm. Các loại dinh dưỡng được pha với nước máy (pH 7,0 ± 0,5), sau khi pha dung dịch dinh dưỡng điều chỉnh pH ở giá trị 6,5. Hệ thống tưới nhỏ giọt bù áp lưu lượng tối đa mỗi đầu 5 ml/phút. Cài đặt hẹn giờ, chia đều lượng nước tưới trong thời gian từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, đặt điểm tưới nhiều lần/ngày. Trong quá trình thí nghiệm, phòng trị sâu bệnh định kỳ 10 ngày/lần.

Phương pháp đánh giá chỉ tiêu: Ghi nhận các chỉ tiêu: pH, EC (mS/cm) của dung dịch dinh dưỡng; nhiệt độ, ẩm độ, EC của giá thể sau khi tưới (EC đo bằng bút đo EC hiệu Hanna HI98331). Nhiệt độ và ẩm độ không khí, ánh sáng trong nhà màng đo lúc 8, 12 và 17 giờ. Đo lần đầu ngay khi trồng, các lần kế tiếp cách nhau 10 ngày. Theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng và phát triển của cây ghi nhận tại thời điểm 140 ngày sau khi trồng (ngày SKT), 5 cây/nghiệm thức và tính trung bình: chiều cao cây (cm, đo từ mặt giá thể đến đỉnh lá dài nhất), số lá/cây (đếm tổng số lá trên cây), số rễ/cây (đếm tất cả các rễ). Các chỉ tiêu năng suất và chất lượng hoa: tổng số hoa/cây (đếm tất cả các hoa nở trên cây), chiều dài phát hoa (cm, đo từ mặt giá thể đến cổ hoa), đường kính hoa (cm, đo khi hoa nở đạt kích thước tối đa), đường kính phát hoa (cm, lấy trung bình ở tại trung điểm, gốc phát hoa và cổ hoa), độ bền hoa (tính từ ngày hoa nở đạt kích thước tối đa đến khi cánh hoa bị héo). Đo ở hoa nở đầu tiên trên chậu, mỗi lặp lại theo dõi 1 hoa. 2.3. Xử lý số liệu Xử lý số liệu bằng chương trình SPSS 21.0, phân tích phương sai, so sánh các giá trị trung bình bằng phép thử DUNCAN ở mức ý nghĩa 5% hoặc 1%.

Kết luận: Tưới dung dịch dinh dưỡng Johnson cho cây cúc đồng tiền trồng chậu trong nhà màng qua hệ thống tưới nhỏ giọt giúp gia tăng chiều cao cây, số rễ, chiều dài phát hoa, đường kính hoa và kéo dài độ bền hoa nở (12 ngày). Cây cúc đồng tiền phát triển tốt trên giá thể phân rơm hoặc mụn xơ dừa + phân rơm (tỉ lệ 1:1) giúp gia tăng chiều cao cây, số lá, số rễ, chiều dài phát hoa và đường kính hoa.

ntdien

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 57, Số 1B (2021): 125-131
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài