SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát cơ cấu đàn, năng suất và chất lượng sữa của đàn bò sữa tại trang trại Farm Milk Cần Thơ

[26/09/2021 16:57]

Hiện nay, con người đang sử dụng rất nhiều sản phẩm từ chăn nuôi, ngoài các sản phẩm như thịt, trứng thì sữa bò và các sản phẩm từ sữa là nguồn cung cấp dinh dưỡng rất cao cho bữa ăn hằng ngày.

Theo Hồ Cao Việt và ctv. (2014), trong hơn hai thập niên vừa qua, ngành chăn nuôi bò sữa và công nghiệp sữa ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, so với các quốc gia có nền công nghiệp sữa tiên tiến trên thế giới như Hà Lan, Úc, New Zealand, Pháp, Nhật Bản, ngành công nghiệp sữa và chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam còn khá non trẻ và đang đứng trước những thử thách rất lớn trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa. Để đạt được năng suất sữa cao, sản phẩm sữa có chất lượng và hiệu quả kinh tế tốt thì các nhà chăn nuôi phải duy trì cơ cấu đàn hợp lý, khẩu phần ăn đầy đủ dưỡng chất thiết yếu, và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến. Tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng, trong những năm gần đây chăn nuôi bò sữa đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tiêu biểu là hình thức chăn nuôi hợp tác xã và trại chăn nuôi tập trung (Lê Văn Phong và Nguyễn Văn Thu, 2016). Việc nắm được tình hình chăn nuôi, năng suất, thành phần và chất lượng sữa sẽ giúp hiểu rõ hơn về thực tế chăn nuôi tại các trang trại, qua đó đưa ra các giải pháp chăn nuôi phù hợp để phát triển bò sữa tại địa phương. Chính vì vậy, nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu chính là đánh giá hiện trạng cơ cấu đàn, năng suất và chất lượng sữa của đàn bò tại trang trại Farm Milk Cần Thơ. Bên cạnh đó, lượng thức ăn, dưỡng chất tiêu thụ và chênh lệch giữa chi phí thức ăn và tiền bán sữa cũng được ghi nhận trong trong đề tài.

Nghiên cứu do Lâm Phước Thành, Bộ môn Chăn nuôi, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ.

Thời gian và địa điểm Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 6/2019- 5/2020 tại trang trại bò sữa Farm Milk thuộc ấp 1, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ và Phòng thí nghiệm Kỹ thuật chăn nuôi Gia súc nhai lại, Bộ môn Chăn nuôi, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ.

Đối tượng khảo sát Đề tài được thực hiện trên đàn bò sữa 408 con (tỷ lệ máu HF>99%), tuy nhiên khảo sát tập trung vào nhóm 93 con bò đang cho sữa. Trong đó, nhóm A là nhóm bò có năng suất sữa từ 15 kg/ngày trở lên và nhóm B là nhóm bò có năng suất sữa dưới 15 kg/ngày. Đây là hai nhóm bò được trang trại Farm Milk phân nhóm và có chế độ chăm sóc nuôi dưỡng riêng.

Chỉ tiêu khảo sát và đánh giá Các chỉ tiêu khảo sát, đánh giá trong nghiên cứu bao gồm: cơ cấu đàn bò tại trại (bê cái, bò đực, bò hậu bị, bò mang thai và bò đang cho sữa), lượng thức ăn và dưỡng chất tiêu thụ, năng suất sữa, thành phần sữa (chất béo, đạm, đường, chất rắn không béo, chất rắn tổng số và điểm đông) và chênh lệch giữa chi phí thức ăn và tiền bán sữa.

Phương pháp khảo sát và thu thập số liệu: Đề tài được thực hiện trên phiếu khảo sát được xây dựng trước và kết hợp ở lại trang trại trong tháng 2-3/2020 để thu thập, ghi nhận các số liệu, lấy các mẫu thức ăn và mẫu sữa để phân tích tại phòng thí nghiệm. Mẫu thức ăn tại trại được thu, cắt ngắn khoảng 0,5-1 cm (đối với mẫu thức ăn thô xơ), mang lên phòng thí nghiệm sấy ở 60°C trong 72 giờ và nghiền mịn để phân tích thành phần hóa học. Lượng thức ăn tiêu thụ = (thức ăn cung cấp - thức ăn thừa ở mỗi nhóm bò)/số bò đang cho sữa ở mỗi nhóm. Năng suất sữa thu thập từ số liệu được ghi nhận liên tục trong 9 tháng của trại, kết hợp với số liệu khảo sát thực tế tại trại trong tháng 2-3/2020. Mẫu sữa của đàn khảo sát được lấy 1 ngày/2 tuần và trong 3 lần liên tục của tháng 2-3/2020. Bò tại trang trại Farm Milk được vắt sữa 2 lần/ngày vào lúc 03h00 và 15h00. Ở mỗi thời điểm vắt sữa, 20 mL mẫu sữa/con sẽ được lấy, trữ lạnh và mang về phòng thí nghiệm để phân tích thành phần ngay trong ngày. Mẫu sữa lấy vào buổi sáng và chiều được trữ và phân tích riêng.

Phân tích thành phần hóa học Mẫu thức ăn được phân tích vật chất khô (DM), vật chất hữu cơ (OM), khoáng tổng số (Ash) và đạm thô (CP) theo phương pháp của AOAC (1990). Xơ trung tính (NDF) được xác định theo phương pháp của Van Soest et al. (1991). Mẫu sữa được phân tích chất béo, đạm, đường, chất rắn không béo, chất rắn tổng số và điểm đông bằng máy phân tích sữa tự động MilkoScanTM Mars (Foss, Đan Mạch). Trước khi phân tích thành phần, mẫu sữa sẽ được làm ấm bằng tủ ủ ISS-4075R (Jeiotech, Hàn Quốc) được cài đặt ở 40°C. 2.6. Xử lý số liệu Số liệu nghiên cứu được tổng hợp và xử lý sơ bộ trên phần mềm Microsoft Excel 2019, sau đó xử lý thống kê mô tả bao gồm trung bình và độ lệch chuẩn (Ẍ±SD).

Kết luận: Nhìn chung, tình hình chăn nuôi tại trại Farm Milk đang là khá tốt. Tỷ lệ bò đang cho sữa của trại là tương đối thấp, tuy nhiên cơ cấu đàn đang chuyển dịch theo hướng tích cực với nhiều bò cái hậu bị. Thức ăn tại trại có chất lượng khá tốt nhưng nguồn cung cấp chưa được dồi dào. Khẩu phần ăn có hàm lượng CP tương đối đủ cho nhóm B và hơi thấp với nhóm A. Năng suất sữa là khá cao so với các trại chăn nuôi nhỏ lẻ hay hợp tác xã, biểu đồ năng suất sữa theo tháng cho sữa lên nhanh nhưng giảm chậm điều này có lợi cho trại chăn nuôi. Chất lượng sữa của nhóm B là rất tốt, nhưng của nhóm A thì tương đối thấp. Chênh lệch giữa chi phí thức ăn và tiền bán sữa của nhóm A là cao hơn so với nhóm B.

Đề xuất: Đẩy mạnh việc loại thải các bò nhiều lứa và cải tiến kỹ thuật cho việc phối giống khó đậu thai, tăng cường nhiều bò cái hậu bị để thay thế cho nhóm bò có năng suất kém. Cân đối lại khẩu phần ăn cho phù hợp nhu cầu với nhóm bò A. Cần chú trọng cải tiến dinh dưỡng và kỹ thuật nuôi để nâng cao chất lượng sữa của nhóm bò A.

ntdien

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 57, Số 1B (2021): 85-92
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ