SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thành phần vi nấm nhiễm trên cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) giai đoạn bột đến giống

[26/09/2021 17:12]

Cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) là loài cá nuôi truyền thống mang lại giá trị kinh tế và xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Nghề nuôi cá tra luôn được quan tâm và phát triển tự phát, ồ ạt về diện tích lẫn sản lượng kéo theo nhiều dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và rất khó kiểm soát.

Các mầm bệnh như vi khuẩn, vi nấm và ký sinh trùng xuất hiện ngày càng phổ biến, gây thiệt hại lớn và là tác nhân gây bệnh chủ yếu cho nghề nuôi cá tra (Phan et al., 2009). Vi nấm là một trong các tác nhân gây bệnh ở động vật thủy sản. Các nghiên cứu cho thấy vi nấm gây bệnh trên cá tôm nước ngọt và lợ mặn chủ yếu gồm vi nấm bậc thấp và vi nấm bậc cao (Yanong, 2003). Achlya bisexualis được ghi nhận nhiễm trên trứng và cá rô phi vằn bột (Oreochromis niloticus) ở Thái Lan (Panchai et al., 2007). Nghiên cứu trên cá trôi Catla catla bệnh đã định danh được ba giống vi nấm nhiễm là Aspergillus, Blastomyces và Penicillium. Trong đó, tỉ lệ nhiễm nấm ở mắt là 24,32%, mang 18,91%, da và đầu 16,21% (Iqbal and Saleemi, 2013). Vi nấm nhiễm trên cá cũng đa dạng thành phần giống loài như đã tìm thấy 25 giống vi nấm nhiễm trên năm loài cá kinh tế ở Bihar trong đó có các giống phổ biến như Aphanomyces, Dictyuchus, Achlya, Aspergillus, Fusarium. Tỉ lệ và thời gian nhiễm khác nhau tùy loài. Riêng ở cá lóc, trong thời gian nuôi từ tháng 6 đến tháng 11 tỉ lệ nhiễm 4 loài vi nấm Achlya cao nhất vào tháng 6 (13,3%) và tháng 11 (10,9%). Aspergillus, Fusarium và Saprolegnia có tỉ lệ nhiễm thấp 1,9 - 5,6% (Kumari and Kumar, 2015). Cá tra cũng là một đối tượng nhiễm vi nấm bậc thấp ở giai đoạn trứng và cá bột. Nghiên cứu về vi nấm bậc thấp trên trứng và cá tra bột, Phạm Minh Đức và ctv. (2013a) đã phân lập được 445 chủng nấm từ trứng và 36 chủng nấm trên cá tra bột. Các chủng nấm được định danh thuộc 2 loài Achlya sp. và Saprolegnia sp. Vi nấm Saprolegnia có khả năng là tác nhân làm giảm tỷ lệ nở của trứng cá tra trong giai đoạn ấp khi gây cảm nhiễm với mật độ bào tử cao. Vi nấm Fusarium sp. được phát hiện nhiễm trên cá tra nuôi thương phẩm có các dấu hiệu bệnh lý như lờ đờ, bỏ ăn và bụng trương to (Phạm Minh Đức và ctv., 2013b). Nghiên cứu vi nấm nhiễm trên cá tra giống đã xác định năm giống gồm Fusarium sp. (40,9%), Aspergillus sp. (27,3%), Achlya sp. (20,5%), Saprolegnia sp. (6,8%), Mucor sp. (4,5%). Fusarium sp. và Aspergillus sp. nhiễm trên các cơ quan nhưng Achlya sp., Saprolegnia sp. và Mucor sp. chỉ nhiễm ở mang và cơ (Đặng Thụy Mai Thy và ctv., 2016). Cho đến nay, mầm bệnh do vi nấm trong qui trình ương nuôi luôn tiềm ẩn và tiếp tục gây thiệt hại nghề nuôi bền vững cá tra vì vậy nghiên cứu thực hiện nhằm xác định thành phần vi nấm nhiễm trên cá tra ở giai đoạn ương giống.

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả: Đặng Thụy Mai Thy, Nguyễn Thị Thu Hằng, Trần Thị Mỹ Duyên, Nguyễn Thanh Phương và Trần Thị Tuyết Hoa Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ.

Trong nghiên cứu này, Nhóm tác giả sử dụng bốn phương pháp như sau:

Phương pháp thu mẫu Mẫu cá tra được thu ngẫu nhiên, định kì 2 tuần/lần với số lượng cá bột là 20 - 30 con/ao, cá hương và cá giống từ 4 - 10 con/ao. Tổng số 655 mẫu cá tra thu ở 14 ao ương giống ở Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang và Đồng Tháp được sử dụng để phân tích vi nấm. Mẫu được vận chuyển về phân tích tại phòng thí nghiệm Bộ môn Bệnh học thủy sản, Khoa thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ;

Phương pháp phân lập vi nấm Các cơ quan gồm da, mang, gan, thận và bóng hơi được rửa mẫu bằng nước muối sinh lý vô trùng sau đó cấy lên môi trường GYA (1% glucose, 0,25% yeast-extract và 1,5% agar). Cho một ít mỗi loại kháng sinh ampicilline và streptomycine xung quanh mẫu và ủ mẫu ở 28oC trong 5-7 ngày. Vi nấm phát triển ở các cơ quan được cấy chuyền trên môi trường GYA để có chủng vi nấm thuần (Hatai and Egusa, 1979);

Phương pháp định danh vi nấm Vi nấm được định danh theo khóa phân loại của de Hoog et al. (2000) và Johnson et al. (2002) dựa vào các đặc điểm màu sắc khuẩn lạc trên môi trường GYA, đặc điểm hình thái sợi nấm và kích thước, đặc điểm cuống bào tử và bào tử về hình dạng và kích thước trong quá trình sinh sản của các chủng vi nấm phân lập được. Phương pháp nuôi cấy vi nấm bậc thấp sinh sản theo Gam et al. (1980). Cắt 2-3 khối agar nấm thuần cho vào môi trường lỏng GY (1% glucose và 0,25% yeast-extract) và ủ ở 28oC khoảng 3-5 ngày. Cắt sợi nấm phát triển rửa 3 lần qua nước cất vô trùng và cho vào đĩa petri có nước vô trùng (25 mL/đĩa) và hạt mè tiếp tục ủ ở 28oC khoảng 18 giờ để quan sát hình thái sinh sản vô tính và hữu tính. Phương pháp nuôi cấy trên lame kính theo de Hoog et al. (2000) áp dụng cho vi nấm bậc cao. Dùng dao cắt khối môi trường GYA đặt lên phiến kính bên dưới gác trên que thủy tinh và có lớp giấy thấm trong đĩa petri. Cấy vi nấm vào bốn mặt bên của khối thạch sau đó đặt lamen lên trên khối thạch này. Ủ mẫu ở 28oC trong 5 ngày khi thấy nấm phát triển bao phủ lamen thì nhuộm cotton blue và quan sát dưới kính hiển vi;

Phương pháp xử lý số liệu Số liệu tỉ lệ nhiễm vi nấm được thu thập và xử lý bằng phần mềm Microsoft Excel 2010.

Kết luận và đề xuất: Thành phần vi nấm nhiễm trên cá tra giai đoạn ương giống gồm Aspergillus sp., Fusarium sp., Achlya sp. và Mucor sp. Tỉ lệ nhiễm vi nấm ở cá giống (22,8%) cao hơn ở cá bột (20,5%) và cá hương (16,9%). Cá tra trong ao ương vào mùa mưa có tỉ lệ nhiễm vi nấm cao hơn vào mùa khô. Vi nấm nhiễm ở các cơ quan da, mang, bóng hơi, gan và thận.

ntdien

Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ Tập 56, Số 6B (2020): 218-226
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ