Ảnh hưởng của biện pháp thụ phấn bổ sung đến sự đậu trái của giống mãng cầu xiêm và mãng cầu xiêm thái (Annona muricata) tại huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ
Mãng cầu Xiêm (MCX) (Annona muricata) là loại cây ăn trái truyền thống lâu đời được trồng hầu hết ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Không chỉ được tiêu thụ dưới dạng trái tươi, mãng cầu Xiêm còn được chế biến thành nhiều sản phẩm như trà, bánh kẹo,… (Soheil et al., 2015) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó, trong những năm gần đây diện tích trồng MCX ở nước ta tăng lên đáng kể.
Ở Đồng bằng sông Cửu Long, MCX được trồng nhiều ở vùng đất bị ảnh hưởng mặn của huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Năm 2019, toàn huyện đã xây dựng hơn 1.108 ha vùng chuyên canh MCX đạt năng suất 10 tấn/ha và sản lượng hàng năm đạt 10.354 tấn, trong năm 2020 toàn huyện phấn đấu nâng tổng diện tích trồng MCX lên 1.250 ha (Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang, 2019). Gần đây, cây MCX đang phát triển mạnh ở Thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, huyện Long Mỹ tỉnh Hậu Giang, huyện Cờ Đỏ thành phố Cần Thơ về cả diện tích và sản lượng. Huyện Cờ Đỏ,thành phố Cần Thơ có diện tích trồng MCX năm 2018 đạt 250 ha, tập trung tại xã Thới Hưng với diện tích 226 ha chiếm trên 93% diện tích toàn huyện, sản lượng trung bình đạt 5.000 tấn/năm (Uyển Nhi, 2018). MCX có hiện tượng lệch phase giữa phase đực và phase cái trên cùng một hoa (Yamarte et al., 2004), việc tự thụ phấn và thụ phấn tự nhiên bằng côn trùng ở mức 2% (Gardiazabal and Rosenberg, 1994) nên MCX thường có tỷ lệ đậu trái thấp, trái phát triển không cân đối, giá trị không cao. Do đó, áp dụng kỹ thuật thụ phấn bổ sung cho MCX là rất quan trọng, góp phần cải thiện năng suất và chất lượng trái MCX. Nghiên cứu thụ phấn bổ sung cho MCX, Phan Hồng Điệp (2010) nhận thấy thụ phấn bổ sung có tỷ lệ đậu trái cao hơn và khối lượng trái cao hơn thụ phấn tự nhiên. Gần đây, ở huyện Cờ Đỏ đã phát triển giống mãng cầu Xiêm Thái (MCXT) có nguồn gốc từ Thái Lan được cho là có thể đậu trái tốt, không cần thụ phấn bổ sung, cho năng suất cao, trái ít bị lép. Tuy vậy, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào về khả năng thụ phấn của giống mãng cầu nầy. Vì vậy, mục tiêu của nghiên cứu này nhằm xác định hiệu quả của biện pháp thụ phấn bổ sung đến năng suất và phẩm chất trái hai giống MCX và MCXT.
Nghiên cứu do nhóm tác giả: Trần Văn Hâu, Trần Sỹ Hiếu (Bộ môn Khoa học Cây trồng, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ), Phạm Duy Tân (Học viên Cao học ngành Khoa học cây trồng khóa 3, Trường Đại học An Giang) thực hiện.
Thí nghiệm thực hiện trên giống MCX và MCXT 5 năm tuổi được nhân giống bằng phương pháp gieo hạt tại huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ từ tháng 08/2017 đến tháng 2/2019. Cây mãng cầu được trồng với khoảng cách 3,5x3,5 m. Các chỉ tiêu phẩm chất trái được phân tích tại phòng thí nghiệm Bộ môn Khoa học cây trồng, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ. Thí nghiệm có bốn nghiệm thức được bố trí theo thể thức khối hoàn toàn ngẫu nhiên, năm lần lặp lại, mỗi lập lại tương ứng một cây. Có 2 thí nghiệm được thực hiện trên hai giống MCX và MCXT, mỗi thí nghiệm có 20 cây. Thí nghiệm trên giống MCX, các nghiệm thức bao gồm: (1) thụ phấn tự nhiên (đối chứng), (2) thụ phấn bổ sung bằng nguồn phấn của hoa trên cùng cây, (3) thụ phấn nguồn phấn khác cây-cùng giống, (4) thụ phấn bổ sung bằng nguồn phấn khác giống (MCXT). Thí nghiệm trên giống MCXT các nghiệm thức 1, 2 và 3 giống như thí nghiệm trên giống MCX nhưng ở nghiệm thứ (4) sử dụng nguồn phấn của giống khác là giống MCX.
Phương pháp thu hạt phấn và thụ phấn: Hạt phấn được thụ từ 10-20 hoa trên mỗi cây. Nguồn phấn hoa để thụ phấn bổ sung được lấy từ những hoa mọc ở đầu cành nhỏ, có kích thước nhỏ vì hoa này thường khó thụ phấn và trái dễ rụng hoặc không lớn. Khi thấy những cánh hoa bên trong nở hơi lớn, hé một cánh ra quan sát thấy các tiểu nhị có màu hơi đen và bắt đầu tách rời nhau thì có thể cắt để lấy phấn.
Chỉ tiêu theo dõi và phương pháp thu thập số liệu: Sự đậu trái và rụng trái non: Tỷ lệ đậu trái (%) được tính dựa trên số trái đậu trên tổng số hoa khảo sát; Năng suất, thành phần năng suất và phẩm chất trái: năng suất (kg/cây) được ghi nhận bằng cách cân khối lượng tổng số trái thu hoạch.
Phương pháp xử lý số liệu thí nghiệm Số liệu thí nghiệm được thu thập, xử lý và vẽ biểu đồ bằng phần mềm Microsoft Excel, phân tích thống kê bằng phần mềm SPSS ver. 22. Phân tích phương sai (ANOVA) được thực hiện để phát hiện sự khác biệt giữa các nghiệm thức, so sánh các giá trị trung bình.
Kết luận: Qua kết quả và thảo luận trên cho thấy thụ phấn bổ sung cho MCX và MCXT bằng nguồn phấn của chính nó, của cây khác cùng giống hay khác giống có hiệu quả làm tăng tỷ lệ đậu trái và tỷ lệ trái cân đối trung bình từ 2,1 và 1,5 lần trên giống MCX; 1,5 và 1,7 lần (theo thứ tự) trên giống MCXT so với thụ phấn tự nhiên. Thụ phấn bằng nguồn phấn của cây khác cùng giống có tỷ lệ rụng trái non thấp nhất trên cả hai giống MCX và MCXT. Biện pháp thụ phấn bổ sung làm tăng năng suất so với thụ phấn tự nhiên, trong đó thụ phấn bằng nguồn phấn của cây khác cùng giống có năng suất cao gấp 2,8 lần trên giống MCX và 2,5 lần trên giống MCXT. Biện pháp thụ phấn bổ sung không ảnh hưởng đến một số chỉ tiêu phẩm chất trái như hàm lượng acid tổng số, hàm lượng vitamin C, oBrix và hàm lượng nước trong múi.
Đề xuất: Áp dụng kỹ thuật thụ phấn bổ sung bằng nguồn phấn của cây khác cùng giống để cải thiện năng suất và tỷ lệ trái cân đối trên cả hai giống MCX và MCXT. Cần nghiên cứu thêm khả năng tương hợp giữa hạt phấn và nuốm của hai giống MCX và MCXT để có cơ sở kho.
ntdien
Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Tập 56, Số 6B (2020): 201-208