SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá khả năng kết hợp chung của 15 dòng dưa leo (Cucumis sativus L.) thế hệ I5

[27/09/2021 14:22]

Nghiên cứu đánh giá khả năng kết hợp chung của 15 dòng dưa leo I5 đã được thực hiện tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Cây dưa leo (Cucumis sativus L.) là loại cây rau ăn quả có giá trị thương mại lớn, được trồng phổ biến làm thực phẩm thông dụng ở nhiều nước trên thế giới. Dưa leo có hàm lượng vitamin và chất khoáng cao nên được ưa chuộng là sản phẩm rau phổ biến đứng hàng thứ tư sau cà chua, bắp cải và hành tây. .Diện tích trồng dưa leo trên thế giới năm 2018 là 1.984.518 ha, năng suất trung bình đạt 37,9 tấn/ha và sản lượng đạt 7.5219.440 tấn. Tại Việt Nam, ước tính diện tích trồng dưa leo khoảng 31.570 ha/năm và sản lượng đạt 577.218 tấn/năm (FAOSTAT, 2020). Trong thực tế sản xuất, giống dưa leo được đưa vào sử dụng chủ yếu là giống nhập nội với ưu điểm cho năng suất cao nhưng giá thành hạt giống cao và không chủ động được nguồn giống. Chính vì vậy, việc chọn tạo các giống dưa leo lai F1 ở trong nước có năng suất và chất lượng cao hoặc tương đương với giống nhập nội nhưng giá thành hạt giống thấp sẽ góp phần chủ động trong việc cung cấp hạt giống cho người sản xuất và cải thiện lợi ích kinh tế cho người dân.

Thí nghiệm được thực hiện trong điều kiện nhà màng kiểu máy thông gió cố định và hệ thống tưới nhỏ giọt theo thiết kế của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao. Thời gian thí nghiệm từ tháng 08/2019 - 11/2019. Nhiệt độ trung bình trong nhà màng từ 32,8°C - 36,9°C, ẩm độ trung bình khoảng 53,9% - 67,7%. Với nền nhiệt độ và ẩm độ này hoàn toàn thích hợp cho cây dưa leo sinh trưởng và phát triển bình thường trong nhà màng.

Mục tiêu của nghiên cứu nhằm xác định dòng bố mẹ phục vụ công tác tạo giống dưa leo lai F1. Vật liệu thí nghiệm gồm có 15 dòng dưa leo thế hệ I5 làm mẹ (L3, L9, L21, L22, L28, L32, L33, L36, L39, L61, L63, L69, L71, L74 và L78) và 2 dòng thử tester T1 và T2 (T1 là giống TN 456 của Công ty Trang Nông nhập khẩu từ Thái Lan và T2 là giống Cuct 1450 của Công ty Chia Tai - Thái Lan), tạo thành 30 tổ hợp lai bằng phương pháp lai đỉnh. Kết quả chọn được 7 dòng gồm L3, L9, L21, L28, L33, L61 và L71 có khả năng kết hợp chung cao với cả 2 dòng tester T1 và T2 về năng suất với chỉ số KNKHC từ + (0,8) đến + (9,4).

Từ kết quả đánh giá khả năng kết hợp chung của 15 dòng dưa leo thế hệ I5 với 2 dòng tester T1 và T2, qua các chỉ tiêu về năng suất chọn được 07 dòng có khả năng kết hợp chung cao với 2 dòng tester T1 và T2 gồm L3, L9, L21, L28, L33, L61 và L71. 07 dòng dưa leo được chọn, đáp ứng được yêu mục tiêu của nghiên cứu và được sử dụng làm dòng bố mẹ trong thí nghiệm đánh giá khả năng kết hợp riêng, chọn tạo giống dưa leo F1. Các tổ hợp lai được tạo thành từ 07 dòng được chọn với 2 dòng tester T1 và T2 có sự sinh trưởng mạnh, các yế tố cấu thành năng suất và năng suất cao và ít bị ảnh hưởng bệnh hại. Trong đó có 2 tổ hợp lai có năng suất cao có ý nghĩa khác biệt so với các tổ hợp lai khác là L28/T1 (43,1 tấn/ha) và L71/T2 (41,3 tấn/ha).

tnttrang 

journal.hcmuaf.edu.vn - Số 04/2021
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ